Chủ tịch UBND thị xã (nay là thành phố Tân Uyên) đối thoại với người đang được quản lý, giáo dục tại xã, phường.
Ngày 07/5/2020, Ban Thường vụ Thị ủy (nay là Thành ủy Tân Uyên) ban hành Kế hoạch số 142-KH/TU về việc thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. UBND thành phố tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Luật PCMT năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua triển khai, đã phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền địa phương, trong đó lấy hiệu quả phòng, chống và kiểm soát ma túy là tiêu chí bình xét thi đua, xếp loại tổ chức đảng hàng năm. Thành phố phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường bám địa bàn để chỉ đạo cơ sở thực hiện tốt công tác PCMT. Ban Thường vụ Thành ủy định kỳ nghe báo cáo, đồng thời đưa việc thực hiện Chỉ thị số 36 vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm tại các đơn vị, địa phương.
Thành phố tập trung chỉ đạo các ban, ngành rà soát, thống kê, lập danh sách đưa người nghiện vào diện quản lý, vận động cai nghiện nhằm tiến tới mục tiêu “giảm cầu”, giảm dần số người nghiện để ổn định an ninh trật tự. Công an thành phố Tân Uyên được Công an tỉnh Bình Dương chọn là nơi triển khai thí điểm Đề tài khoa học “Quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy phục vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trên địa bàn” để hoàn thiện hồ sơ dữ liệu về người nghiện nhằm phục vụ công tác quản lý. Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an thành phố Tân Uyên tích cực bám sát địa bàn qua đó tính đến tháng 02/2023 đã rà soát, thống kê lập danh sách 294 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 121 trường hợp sống ngoài xã hội. Công tác quản lý người nghiện, lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc, quản lý sau cai được các ngành, các cấp trên địa bàn quan tâm triển khai quyết liệt. Năm 2022, toàn thành phố đã lập hồ sơ đưa 128 người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. 12/12 phường, xã đều thành lập, duy trì hoạt động của Tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, giúp đỡ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng. Trên địa bàn tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của 12 Đội công tác xã hội tình nguyện với 76 thành viên; mô hình “02 + 01” (gồm 01 thanh niên và 01 hội viên phụ nữ kèm cặp, giúp đỡ 01 trường hợp trong diện quản lý, giáo dục tại xã, phường). Thành phố Tân Uyên triển khai xây dựng Đề án đảm bảo an ninh trật tự tại các nhà trọ với tiêu chí về phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, xây dựng khu dân cư văn minh, an toàn phù hợp với đặc thù địa bàn có nhiều khu công nghiệp thu hút đông đảo người lao động đến làm việc, sinh sống. Bên cạnh đó, hàng năm Chủ tịch UBND thành phố tổ chức đối thoại với người nghiện, người sau cai nghiện, người tự nguyện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, người mãn án tù trở về địa bàn với phương châm “thấu hiểu, chia sẻ và cùng hành động” nhằm xóa bỏ mặc cảm, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền, cộng đồng với người có quá khứ lầm lỡ. Đây còn là dịp để các ngành, các cấp chung tay cùng tháo gỡ khó khăn trong việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn ưu đãi giúp họ có cuộc sống ổn định, từ đó giảm tái nghiện, tái phạm tội.
Lực lượng Công an tuyên truyền PCMT cho học sinh Trường Tiểu học
Thạnh Hội, thành phố Tân Uyên.
Tuy nhiên thời gian qua, công tác PCMT trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng mang lại hiệu quả chưa cao, do trên địa bàn chưa có cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone cho nhóm nghiện chất dạng thuốc phiện, cơ sở y tế chưa có phòng cắt cơn đối với đối tượng loạn thần cấp do sử dụng ma túy tổng hợp gây khó khăn cho công tác điều trị cai nghiện. Việc lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường đối với số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy còn thấp do địa bàn tập trung đông dân cư với trên 200.000 lao động nhập cư làm việc tại khu công nghiệp, trong khi đó lực lượng Công an cấp xã, phường rất mỏng. Hiện tại, thành phố chưa công bố danh sách số bác sỹ và cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, cơ sở y tế hỗ trợ cai nghiện tự nguyện. Việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận của cơ sở. Bên cạnh đó, sau thời gian cai nghiện bắt buộc, đa số người sau cai đều bỏ đi nơi khác sinh sống gây khó khăn cho công tác quản lý sau cai.
Trước tình đó, để công tác PCMT đạt hiệu quả góp phần giữ vững an ninh trật tự, thời gian tới cấp ủy, chính quyền thành phố Tân Uyên tiếp tục tập trung quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Luật PCMT năm 2021 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh Bình Dương trong công tác PCMT.
Các ban, ngành tập trung vận động người nghiện và thân nhân tham gia cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, đăng ký điêu trị thay thế bằng Methadone, lập hồ sơ giáo dục đối tượng tại xã, phường và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Cấp ủy, chính quyền các phường, xã tăng cường củng cố, kiện toàn lực lượng PCMT ở cơ sở trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng đảm bảo chế độ, chính sách cho thành viên tham gia.
Lực lượng Công an phối hợp với các ban, ngành tổ chức tổng rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người bị loạn thần cấp do sử dụng ma túy trên địa bàn để quản lý, giáo dục, phòng ngừa nguy cơ phạm tội. Công an thành phố, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy tập trung quản lý tốt địa bàn, đối tượng nhằm chủ động, phát hiện, triệt xóa các điểm, tụ điểm, đường dây ma túy; tập trung rà soát số đối tượng lợi dụng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm để hoạt động phạm tội qua đó lập phương án đấu tranh góp phần giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Kim Long