Áp lực từ tình hình ma túy quốc tế và khu vực
Trong những năm gần đây, chính sách phòng, chống ma túy của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã có nhiều thay đổi. Đa số các nước về cơ bản đều coi ma túy là bất hợp pháp và tập trung đấu tranh. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã hợp pháp hóa một số chất ma túy hoặc đang nghiên cứu, xem xét việc hợp pháp hóa cây cần sa như: Canada, Mexico, Ecuador, Brazil, Colombia, Mỹ (có 30 bang hợp pháp hóa cần sa vì mục đích y tế, 09 bang hợp pháp hóa vì mục đích giải trí). Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Thái Lan đã cho phép sử dụng cần sa vào mục đích y tế; Bộ Y tế Lào đã ban hành quyết định về việc kiểm soát cây gai dầu (cây có hạt chứa một lượng rất nhỏ THC (Tetrahydrocannabinol) là hợp chất kích thích có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương) để làm thuốc và các sản phẩm vì mục đích y tế, qua đó chính thức cấp phép cho một số doanh nghiệp trồng và khai thác loại cây này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy năm 2023
Đối với vấn đề “nguồn cung” ma túy: châu Âu với hơn 83 triệu người, tương đương 29% người trưởng thành từng sử dụng ma túy bất hợp pháp đã khiến khu vực này đã trở thành một trong những thị trường tiêu thụ ma túy lớn nhất thế giới. Để phục vụ trực tiếp “nhu cầu” trong khối, đã xuất hiện này càng nhiều tổ chức tội phạm sản xuất trái phép chất ma túy tổng hợp tại Đức, Séc, Hà Lan, Bỉ… Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây Liên minh châu Âu được đánh giá là nơi sản xuất quan trọng đối với một số loại ma túy tổng hợp Amphetamin (ATS) với độ tinh khiết cao và đang có xu hướng gia tăng để cung cấp cho các thị trường ngoài khu vực, trong đó có Việt Nam. Điển hình như vụ 04 tiếp viên hàng không của Vietnam Airline mang theo hành lý xách tay, bên trong có hơn 11 kg ma túy tổng hợp trên chuyến bay từ Pháp về Việt Nam, ngày 16/3/2023.
Tại khu vực khu vực Lưỡi liềm vàng, năm 2022, ước tính diện tích trồng cây thuốc phiện của Afghanistan đạt khoảng 233.000 ha, tăng 32% so với năm 2021; tổng sản lượng thu hoạch thuốc phiện đạt 6.200 tấn, có thể quy đổi thành 350 - 580 tấn heroin. Khu vực Đông Nam Á với “điểm nóng” về ma túy là vùng Tam giác vàng mỗi năm trung bình sản xuất khoảng 680 tấn thuốc phiện, 50 tấn heroin, 20 tấn ma túy đá, 01 tỷ viên Methaphetamine và hơn 3.000 tấn tiền chất được sử dụng để sản xuất ma túy, là “nguồn cung” dồi dào đến các thị trường bất hợp pháp trong và ngoài nước. Ngoài ra ma túy còn được sản xuất, cung cấp từ các khu vực khác Nam Mỹ, Bắc Phi; hay Trung Quốc và Ấn Độ là địa bàn trọng điểm của các chất hướng thần mới, trong đó nhiều chất chưa có trong danh mục kiểm soát theo các Công ước quốc tế về thống nhất chất ma túy, hướng thần.
Do vậy, tổng khối lượng số ma túy tồn đọng trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cùng với lượng ma túy được sản xuất mới trong năm 2022 tại các khu vực Lưỡi liềm vàng, Tam giác vàng, EU, Nam Mỹ, Bắc Phi... sẽ là rất lớn. Để giải quyết lượng ma túy này, các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia sẽ gia tăng hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép trên khắp các tuyến, thị trường trọng điểm và điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gây sức ép rất lớn đến công tác phòng, chống ma túy ở nước ta.
Một số vấn đề nổi lên của tình hình tội phạm ma túy trong nước
Việt Nam là quốc gia nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, có vị trí chiến lược và là đầu mối giao thông quốc tế quan trọng, thuận lợi về cả đường bộ, đường biển và đường hàng không; cách trung tâm khu vực Tam giác vàng chỉ khoảng 500 km. Hơn nữa, với gần 250 nghìn người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy là “nguồn cầu” rất lớn, vì vậy lợi nhuận từ việc mua bán trái phép chất ma túy có sức hút mạnh mẽ đối với các đường dây tội phạm ma túy trong nước và quốc tế. Ma túy từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển trái phép vào trong nước tiêu thụ; phần lớn còn lại được vận chuyển đi nước thứ ba qua nhiều tuyến đường, có nguy cơ biến Việt Nam trở thành địa bàn tập kết, trung chuyển ma túy quốc tế.

Đối tượng Vũ Hoàng Oanh (chị gái Dung Hà) cầm đầu đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam (thủ đoạn giấu ma túy trong các lốc máy ô tô) bị Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy bắt giữ năm 2022
Bên cạnh đó, tội phạm luôn tìm cách thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động nhằm đối phó với các lực lượng chức năng của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, các đối tượng đã lợi dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật để thực hiện việc giao dịch mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam. Hoặc sử dụng internet, mạng xã hội, các dịch vụ shiper, giao hàng công nghệ để thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển ma túy; hướng dẫn việc sản xuất, điều chế, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là trong giới trẻ.
Những vấn đề nêu trên cùng tình trạng các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về ANTT tổ chức, chứa chấp việc sử dụng ma túy trái phép; các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy diễn biến phức tạp sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; gia tăng tình trạng ma túy “núp bóng” dưới các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm…) có chứa chất ma túy, pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống thảo mộc, thuốc lá điện tử… hoặc tội phạm ma túy ngày càng gắn kết với tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế, buôn lậu... đang tạo áp lực rất lớn đối với công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam. Ma túy và tội phạm ma túy đã trở thành thách thức an ninh phi truyền thống, nếu chúng ta không chủ động có các giải pháp phòng, chống căn cơ, cả về lâu dài và cấp bách sẽ dẫn đến bị động, khiến hậu quả của tội phạm và tệ nạn ma túy để lại sẽ rất phức tạp, gây bất ổn về an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Phòng, chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm
Kiên quyết, kiên trì phòng, chống ma túy đã trở thành quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong suốt những năm qua và được triển khai, thực hiện với nhiều giải pháp toàn diện vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy và các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết Trung tâm điều phối Sông Mê Kông an toàn về kiểm soát ma túy
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 21- CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị 36- CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trong đó nêu rõ: “phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy”; “thực hiện nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy” và “ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế”... Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ phải triển khai thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân đối với công tác phòng, chống ma túy. Trước đó, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định quyết tâm chính trị bằng việc cam kết và tham gia đầy đủ 03 Công ước của Liên Hợp quốc về kiểm soát ma túy.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, năm 2021, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam và các Bộ liên quan đã ban hành Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết với 01 Pháp lệnh, 03 Nghị định và nhiều Thông tư, cùng với các bộ luật, luật khác có liên quan tạo thành một hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy tương đối toàn diện, đầy đủ nhất từ trước tới nay. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phòng, chống ma túy qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 tập trung giải quyết toàn diện các vấn đề nổi lên trong công tác phòng, chống ma túy thông qua việc đầu tư nguồn lực vào các dự án, nhiệm vụ cấp bách thuộc Chương trình cả về “giảm cung”, “giảm cầu” và “giảm hại”. Trong đó ngoài việc giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp, còn chú trọng đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội cho nhân dân để phòng, chống ma túy một cách bền vững.
Việc xây dựng pháp luật và ban hành các chương trình, kế hoạch nêu trên đã gắn chặt với thực tiễn, bảo đảm áp dụng thuận lợi cho các lực lượng ngay từ cấp cơ sở. Qua đó, sau hơn 01 năm thực hiện đã bước đầu đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, thể hiện rõ nét nhất trên các mặt công tác “giảm cầu” khi chúng ta đã rà soát thống kê tương đối chính xác số người nghiện ma túy (191.410 người); lần đầu tiên thống kê và có biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (48.203 người); thống kê, quản lý nghiệp vụ số đối tượng sử dụng ma túy bị loạn thần, “ngáo đá” (2.614 người) để có biện pháp phòng, chống tội phạm ma túy căn cơ và quản lý, phòng ngừa tội phạm phát sinh từ số đối tượng này, góp phần bảo đảm an ninh trật tự.
Trên lĩnh vực “giảm cung”, các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có những đổi mới trong tư duy, phương thức đấu tranh với tội phạm theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an như: “không đánh khúc giữa, triệt phá cả đường dây, bắt đối tượng chủ mưu, cầm đầu”; “đấu tranh, ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát”. Vì vậy, đã có nhiều chuyên án lớn đấu tranh với các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia được thực hiện thành công có sự phối hợp của quốc tế, cảnh sát các nước liên quan; các đối tượng phạm tội về ma túy, đối tượng truy nã về ma túy người Việt Nam lẩn trốn ở nước ngoài hoặc ngược lại bị truy bắt, dẫn giải về nước xử lý thông qua các hoạt động phối hợp, tương trợ tư pháp hình sự khiến tội phạm ma túy không còn “mảnh đất an toàn”. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Việt Nam còn tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy với nhiều tổ chức quốc tế, cảnh sát các quốc gia, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát các nước láng giềng (Campuchia, Lào, Trung Quốc) trong công tác trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh chuyên án chung, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của lực lượng Công an Việt Nam và khẳng định cam kết phòng, chống ma túy của Chính phủ Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 2023, để chủ động phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, Bộ Công an - Cơ quan thường trực phòng, chống ma túy của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy, trong đó đề ra nhiều giải pháp toàn diện cả về cấp bách và lâu dài. Tham dự hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ những cam go, nguy hiểm, khó khăn của lực lượng phòng, chống ma túy; đồng thời nhấn mạnh: phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của cấp ủy, chính chuyền, các cấp, các ngành, các địa phương, sự ủng hộ của người dân và sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế./.
Nhật Nam