Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 5.000 km đường biên giới đất liền, tiếp giáp với ba nước Trung Quốc, Lào, Campuchia với 112 cửa khẩu (27 cửa khẩu quốc tế, 23 cửa khẩu chính, 62 trạm kiểm soát Biên phòng) và 77 lối mở biên giới. Địa hình khu vực biên giới chủ yếu là núi cao, giao thông đi lại rất khó khăn. Cư dân phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần gặp nhiều thiếu thốn; một bộ phận người dân có nhận thức pháp luật hạn chế. Hơn nữa ở nhiều khu vực, đồng bào các dân tộc hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dòng họ gắn bó rất chặt chẽ thường xuyên qua lại làm ăn, thăm thân. Đây là những yếu tố bị các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy triệt để lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội hoặc ẩn náu, trốn chạy khi bị truy bắt gây rất nhiều khó khăn đối với công tác phát hiện, điều tra, xử lý của các lực lượng chức năng.
Bộ đội Biên phòng Sơn La bắt giữ hai đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới
Do đó, trong những năm qua, tình hình tội phạm ma túy ở khu vực biên giới nước ta luôn diễn biến rất phức tạp, gia tăng cả về quy mô, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt; sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. Thành phần người phạm tội rất đa dạng, có cả đối tượng ở khu vực biên giới, ở trong nội địa và người nước ngoài. Nổi lên là hoạt động vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Lào vào các tỉnh Tây Bắc và Bắc miền Trung để đưa vào nội địa tiêu tụ hoặc vận chuyển đi nước thứ 3 thông qua các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Trước tình hình trên, để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các đơn vị BĐBP đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng ở hai bên biên giới; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các lực lượng chức năng trong phòng chống và kiểm soát ma túy. Hàng năm, trong thời gian cao điểm, các đơn vị BĐBP đều xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy trên toàn tuyến biên giới. Kết quả, từ năm 2020 đến nay, các đơn vị BĐBP đã phát hiện, bắt giữ 1.818 vụ với 3.759 đối tượng, thu hơn 4.000 kg ma túy các loại, 24 khẩu súng và gần 200 viên đạn; phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan bắt giữ 927 vụ với 1.554 đối tượng, thu 1.878 kg ma túy các loại, 51 khẩu súng, 857 viên đạn và nhiều vật chứng có liên quan. Qua đó từng bước hạn chế nguồn cung ma túy từ nước ngoài vào trong nước và ngược lại, góp phần bảo đảm ANTT ở khu vực biên giới và trong nội địa.
BĐBP vận động người dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở khu vực biên giới
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên các tuyến biên giới đường bộ của lực lượng BĐBP còn một số khó khăn, vướng mắc như: Tội phạm ma túy hoạt động với những phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức khép kín và ngày càng manh động, nguy hiểm. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường ở nước ngoài hoặc ở nội địa chỉ đạo điều hành, không trực tiếp tham gia vận chuyển, mua bán; đối tượng ở khu vực biên giới thường là người vận chuyển thuê để nhận tiền công gây khó khăn trong điều tra, triệt phá toàn bộ đường dây, bắt đối tượng cầm đâu. Các đối tượng sử dụng phương tiện liên lạc hiện đại, công nghệ cao để hoạt động nhằm đối phó với cơ quan chức năng, đồng thời lợi dụng chính sách Hải quan thông thoáng trong quản lý, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu (luồng vàng, luồng xanh) để cất giấu, vận chuyển ma túy gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, bắt giữ tội phạm.
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc nêu trên và chủ động đối phó với tình hình tội phạm ma túy xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian tới, các đơn vị BĐBP xác định tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy trong toàn lực lượng, đặc biệt là lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và cán bộ, chiến sĩ tại các đồn, trạm biên phòng. Trong đó chú trọng thực hiện Chỉ thị 36 -CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ… Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực biên giới, lồng ghép với công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân để xây dựng phòng tuyến ma túy vững chắc ngay từ cơ sở.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới về phòng, chống tội phạm, nhất việc phát hiện, nhận biết phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, có biện pháp phòng tránh và tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm. Thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền theo hướng cụ thể, ngắn gọn, phù hợp với nhận thức, phong tục tập quán của từng cộng đồng dân cư ở địa bàn miền núi, biên giới.
Ba là, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng ở cả khu vực nội và ngoại biên. Nghiên cứu đổi mới phương thức đấu tranh, tập trung điều tra, phát hiện triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm hoạt động với quy mô lớn, xuyên quốc gia, đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu; ngăn chặn triệt để các toán nhóm tội phạm có vũ trang vận chuyển ma túy có vũ khí qua biên giới, kiên quyết không để phát sinh các tụ điểm ma túy phức tạp trên địa bàn quản lý. Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới.
Bốn là, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở và những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Thường xuyên duy trì công tác tuần tra biên giới, quản lý, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện xuất nhập cảnh. Phối hợp với công an địa phương làm tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng và quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm thường nảy sinh tội phạm. Đẩy mạnh quan hệ phối hợp với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an, Hải quan và Cảnh sát biển; hợp tác chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát./.
Minh Anh