Tình hình và xu hướng ma tuý tại Liên minh Châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) là khu vực có nền kinh tế phát triển và ngày càng mở rộng quan hệ kết nối về kinh tế, xã hội với các khu vực, quốc gia khác. Tuy nhiên, cùng với thuận lợi về mở rộng hợp tác, đây là khu vực có nhiều chính sách cởi mở hơn đối với vấn đề ma túy, đã và đang có những tác động nhất định đối với các quốc gia khác.
03/03/2023 | Article Rating

Tình hình ma tuý tại EU

Với 27 quốc gia thành viên, EU có dân số trên 450 triệu người, chiếm 1/6 nền kinh tế thế giới với quy mô khoảng 16.000 nghìn tỷ đô la Mỹ. Đa số các quốc gia thuộc EU đều có nền kinh tế, tài chính phát triển và kết nối mạnh với nhiều khu vực, quốc gia khác trên thế giới.

Hải quan Bulgaria phát hiện, bắt giữ hơn 5 tấn hóa chất, tiền chất

Mặc dù có sự khác nhau giữa các quốc gia, nhưng nhìn chung tình trạng sẵn có và sử dụng ma túy ở các nước Liên minh Châu Âu được xác định ở mức cao. Năm 2022, ước tính có khoảng 83,4 triệu người, tương đương 29% người trưởng thành (tuổi từ 15–64) của EU đã từng sử dụng ma túy bất hợp pháp; trong đó nam giới là 50,5 triệu người và nữ giới là 33 triệu người. Cần sa vẫn là chất ma túy được tiêu thụ rộng rãi nhất với hơn 22 triệu người sử dụng. Tiếp theo là các loại ma tuý tổng hợp, cụ thể: 3,5 triệu người sử dụng cocaine; 2,6 triệu người sử dụng MDMA; 2 triệu người sử dụng amphetamine; 1 triệu người đã sử dụng heroin hoặc một loại ma túy nhóm opioid (có chiết xuất gốc thuốc phiện). Mặc dù tỷ lệ sử dụng ma túy nhóm opioid thấp hơn so với các loại ma túy khác, nhưng mức độ nguy hiểm do tác hại của nhóm này vẫn ở mức cao nhất.

Theo thông kê, nguồn cung ma túy vào các nước EU chủ yếu có nguồn gốc từ các khu vực Nam Mỹ, Tây Á và Bắc Phi. Ngoài ra, các chất hướng thần mới được phát hiện nhiều từ Trung Quốc và Ấn Độ; trong đó các loại tiền chất ma tuý và các hoá chất liên quan có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc. Những thay đổi trong phương pháp sản xuất và mua bán ma túy ở Châu Âu đã tạo ra các tuyến mua bán, vận chuyển mới và quan hệ giữa các mạng lưới tội phạm có tổ chức ở trong và ngoài khu vực. Châu Âu hiện là khu vực có cả hoạt động sản xuất cần sa và ma túy tổng hợp bất hợp pháp. Việc trồng và sản xuất cần sa là để tiêu thụ ở Châu Âu, trong khi ma túy tổng hợp được sản xuất cung cấp cho các thị trường ngoài EU.

Cảng Antwerp (Bỉ) là một trong những cửa ngõ tội phạm ma túy đưa cocaine vào châu Âu

Đối với thị trường cần sa, trong vài năm gần đây do chính sách hạn chế đi lại bởi đại dịch covid-19 nên nguồn cung từ Tây Ban Nha và Mô-rô-cô sụt giảm, dẫn đến thị trường cần sa tại EU chủ yếu dựa vào nguồn cung trong nội tại khu vực. EU cũng ghi nhận sự gia tăng, đa dạng các sản phẩm cần sa có chiết xuất hàm lượng Tetrahydrocannabiol (THC) cao, là chất kích thích hệ thần kinh của cần sa. Trên thị trường thương mại, các dược phẩm và sản phẩm có chứa Cannabidiol (CBD) là chất có hàm lượng THC thấp vẫn được bày bán. Đáng lo ngại, các sản phẩm cần sa được pha trộn cần sa tổng hợp vẫn tiếp tục được sử dụng, gây nguy hại cho sức khỏe người dùng.

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán và sử dụng cocain vẫn ở mức cao, là loại ma túy phổ biến thứ hai (sau cần sa) và có xu hướng lan rộng  khi lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển và sản xuất cocain với số lượng lớn. Điển hình như năm 2020, lượng cocain bị thu giữ ở EU cao kỷ lục là 213 tấn. Việc phát hiện số lượng lớn cơ sở sản xuất cocain, các vụ bắt giữ nguyên liệu thô nhập khẩu từ Nam Mỹ và các hóa chất liên quan cho thấy hoạt động sản xuất cocaine đang diễn ra với quy mô lớn.

Tình hình sản xuất và sử dụng các chất ma tuý tổng hợp amphetamin (ATS) tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong những năm gần đây, các loại ATS thu giữ được tại EU có hàm lượng amphetamin/methamphetamin cao gia tăng, nhưng giá thị trường vẫn ổn định cho thấy sản lượng ATS bất hợp pháp được giữ vững, thậm chí tăng và có xu hướng sản xuất ATS để cung cấp cho các thị trường ngoài EU. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng ATS tăng chỉ ghi nhận ở một số ít quốc gia thuộc khu vực Trung và Đông Liên minh Châu Âu.

Heroin vẫn là loại ma túy được sử dụng phổ biến nhất trong nhóm các chất ma tuý có nguồn gốc từ thuốc phiện opioid ở EU, bất chấp việc mua bán, vận chuyển bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19; đồng thời là loại ma tuý gây tử vong nhiều nhất. Các loại chất hướng thần mới tiếp tục được phát hiện, phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ, tập trung vào các nhóm opioid tổng hợp và cần sa tổng hợp. Báo cáo cho biết, lực lượng chức năng các nước đã phát hiện 52 cơ sở sản xuất chất hướng thần mới tại các nước EU.

Xu hướng ma túy mới

Quá trình toàn cầu hóa tiếp tục thúc đẩy sự thay đổi trong sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy trái phép tại EU và ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy khác nhau với độ tinh khiết cao. Nguồn ma túy không chỉ được mua bán, vận chuyển từ bên ngoài vào khu vực mà còn được sản xuất từ chính nội tại các nước EU. Nguy hiểm hơn, khu vực này được đánh giá là nơi sản xuất quan trọng đối với một số loại ma túy mới, cả cho tiêu dùng trong khối và thị trường toàn cầu. Do đó, đã ghi nhận mối quan hệ giữa các nhóm tội phạm ma túy xuyên quốc gia từ EU với các khu vực khác, trong đó có Châu Á và Đông Nam Á. Ở chiều ngược lại, các đường dây tội phạm ma tuý ở Nam Mỹ đã chuyển hướng sang Châu Âu thể hiện qua việc lực lượng chức năng các nước trong khu vực đã thu giữ số lượng lớn ma tuý có nguồn gốc từ Colombia, Peru, Bolivia tại các cảng biển Rotterdam (Hà Lan), Antwerp (Bỉ), Hamburg (Đức) - vốn là cửa ngõ đưa ma tuý vào châu lục này.

EU và Việt Nam hiện nay đang có sự kết nối chặt chẽ trên các phương diện kinh tế, tài chính và đầu tư, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, thông qua vào tháng 6/2019. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thương mại, tội phạm xuyên quốc gia cũng lợi dụng chính sách mở cửa, hợp tác giữa hai bên để tăng cường hoạt động. Với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ giao thương quốc tế, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ của tội phạm hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý từ châu Âu hoặc các quốc gia khác qua Châu Âu vào Việt Nam. Thực tế trong những năm qua, lực lượng thực thi pháp luật nước ta đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma tuý trái phép với số lượng lớn qua đường biển, đường hàng không từ khu vực này vào Việt Nam hoặc ngược lại. Trong đó có nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý với số lượng lớn qua đường hàng không từ các nước Châu Âu (Đức, Séc, Bỉ, Hà Lan) về Việt Nam.

Bên cạnh đó, với xu hướng hợp pháp hoá cần sa trong lĩnh vực y tế, thực phẩm, mỹ phẩm... ở nhiều nước thuộc khối EU đã dẫn đến tình trạng một số lượng hàng hoá có chứa cần sa được các doanh nghiệp, cá nhân đưa về Việt Nam tiêu thụ vi phạm pháp luật trong nước. Những vấn đề nêu trên đang đặt ra khó khăn, thách thức ngày càng gay gắt đối với công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam và yêu cầu các lực lượng chức năng phải sớm nắm bắt, nhận diện tình hình để chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả./.

Thu Huyền