Chủ động nhận diện, đối phó tình hình trồng và sản xuất thuốc phiện gia tăng ở Myanmar

Năm 2022, Myanmar vẫn là một trong số những quốc có sản lượng ma túy bất hợp pháp lớn nhất của thế giới. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ chủ yếu lại được vận chuyển ra bên ngoài, trong đó có các quốc gia lân cận thuộc khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông. Điều đó đặt ra rất nhiều thách thức cho các quốc gia trong khu vực đối với việc hoạch định các chính sách để đối phó với tình trạng thẩm lậu, trung chuyển ma túy quốc tế.
15/02/2023 | Article Rating

Theo số liệu thống kê của cơ quan thực thi pháp luật Myanmar và các quốc gia liên quan, năm 2022, tình hình trồng cây thuốc phiện tại Myanmar tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, tăng 33% (tương đương 10.000 ha) so với năm 2021. Qua đó đưa tổng diện tích trồng cây thuốc phiện của quốc gia này lên trên 40.000 ha; trong khi lực lượng chức năng Myanmar chỉ triệt phá được gần 1.400 ha cây thuốc phiện, giảm 70% so với năm 2021. Điều này trái ngược với xu hướng giảm diện tích trồng cây thuốc phiện từ năm 2014 đến năm 2020. Đáng chú ý, ngoài khu vực trồng cây thuốc phiện chủ yếu là bang Shan, đã phát hiện tình trạng này tại rất nhiều khu vực khác như: ở Bắc và Nam Shan, ở các vùng Đông Shan gồm Chin và Kayah. Tại các khu vực trồng đều đầu tư hạ tầng kỹ thuật như hệ thống tưới tự động để nâng cao năng suất.

Cảnh sát Myanmar tiêu hủy khối lượng lớn chất ma túy thu giữ trong các vụ án

Địa bàn trồng cây thuốc phiện tập trung ở những khu vực có vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi và là khu vực người dân có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn, tình hình an ninh không được kiểm soát. Ngoài ra, đã phát hiện việc trồng cây thuốc phiện với mật độ cao gần một số khu vực đông nam và phía nam dọc theo biên giới quốc tế với Thái Lan, Trung Quốc và cả Ấn Độ. Điều này cho thấy diện tích trồng cây thuốc phiện tại Myanmar ngày càng có xu hướng lan rộng và rất khó kiểm soát.

Một điểm đáng quan ngại là nếu trước đây, việc trồng cây thuốc phiện ở Myanmar được tổ chức đơn giản với mật độ canh tác tương đối thấp khi so sánh với hầu hết các loại cây công nghiệp hợp pháp khác. Tuy nhiên, trong năm 2022 hoạt động trồng cây thuốc phiện ngày càng phức tạp, được tổ chức một cách bài bản hơn. Ở khu vực Nam bang Shan đã phát hiện nhiều điểm nóng chuyên trồng cây thuốc phiện với diện tích canh tác được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hệ thống tưới tự động được đầu tư, triển khai góp phần nâng cao năng suất. Do đó, năng suất thuốc phiện trung bình ước tính đạt 19,8 kg/ha vào năm 2022, tăng 41% so với năm 2021; các chuyên gia đánh giá đây là mức tăng về sản lượng cao nhất kể từ năm 2002. Song song với diện tích trồng cây thuốc phiện gia tăng, sản lượng thuốc phiện được sản xuất cũng tăng mạnh. Năm 2022 sản lượng thuốc phiện tăng gần gấp đôi so với năm 2020, tăng 88% so với năm 2021 và đạt khoảng 790 tấn. Đây là mức tăng lớn nhất và chỉ kém sản lượng đạt đỉnh năm 2013 là 870 tấn.

Giá tại trang trại trung bình vào thời điểm thu hoạch của thuốc phiện tươi và khô khoảng 370.000 Kyat (248 USD) và 418.000 Kyat (281 USD) mỗi kilôgam. Giá thuốc phiện trung bình thu mua tại trang trại vào thời điểm thu hoạch tăng từ 166 USD/kg năm 2021 lên 281 USD/kg vào năm 2022, tăng tương đương 69% kích thích việc sản xuất thuốc phiện bất hợp pháp. Cùng với sản lượng cao hơn, người trồng cây thuốc phiện thu nhập được nhiều hơn gấp đôi so với năm 2021 (từ 56 đến 100 triệu đô la Mỹ) lên từ 160 đến 350 triệu đô la Mỹ vào năm 2022.

Phân tích các dữ liệu từ báo cáo của cơ quan thực thi pháp luật Myanmar và các nước liên quan năm 2022, ước tính đã có 287 tấn thuốc phiện thô và từ 28 đến 95 tấn heroin đã được xuất khẩu đến các thị trường bất hợp pháp trong và ngoài nước. Trong số 287 tấn thuốc phiện này, có 22 tấn tiêu thụ nội địa, trị giá 13 triệu USD; còn lại 265 tấn thuốc phiện được xuất khẩu với giá trị xuất khẩu 160 triệu USD. Tổng giá trị của toàn bộ nền “kinh tế thuốc phiện”, bao gồm cả giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thuốc phiện, heroin ước tính đạt từ 660 triệu đến 2 tỷ USD. Nếu đem so sánh với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Myanmar năm 2022 đạt 70 tỷ USD thì nguồn thu từ “kinh tế thuốc phiện” chiếm khoảng 1-2,3%.

Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến việc diện tích canh tác và sản  lượng thuốc phiện tại Myanmar tăng mạnh trong năm 2022 gồm: Tình hình bất ổn về chính trị của Myanmar từ năm 2021 đến nay đã làm gia tăng khả năng mất kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ cao về trồng, sản xuất ma túy dẫn đến việc các đối tượng tội phạm đẩy mạnh hoạt động; lượng cầu cao về heroin từ các nước có xu hướng heroin như Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, New Zealand… đã kích thích nguồn cung từ Myanmar; người dân tại Myanmar ngày càng áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại khiến năng suất thuốc phiện trung bình trên các cánh đồng tăng. Đặc biệt, đời sống người dân tại các khu vực trồng cây thuốc phiện còn quá khó khăn, chưa có điều kiện tiếp cận các giải pháp phát triển thay thế và khả năng thực thi pháp luật hạn chế dẫn đến việc không ngăn chặn được ma túy thẩm lậu ra bên ngoài. Trong khi khả năng thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng Myanamar còn hạn chế, phản ánh qua tỷ lệ triệt phá cây thuốc phiện giảm 70% so với năm 2021; tỷ lệ bắt giữ thuốc phiện thô, heroin và các loại ma túy khác giảm 50% so với năm 2021. Điều đó cho thấy phần lớn ma túy các loại sau khi được sản xuất đã được đẩy ra các thị trường bên ngoài mà không gặp phải quá nhiều khó khăn.

Với những đặc điểm, tình hình nêu trên, có thể khẳng định trong năm 2023 và những năm tới, Myanmar vẫn tiếp tục là một trong những trung tâm sản xuất ma túy gốc thuốc phiện lớn của thế giới; đồng thời là nơi sản xuất các loại ma túy tổng hợp lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong như Lào, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc…, cần chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, sớm nhận diện nguy cơ ảnh hưởng đến quốc gia, khu vực từ tình hình tội phạm ma túy túy tại Myanmar. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đối phó nhằm ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy; không để nguồn cung thuốc phiện, heroin và các loại ma túy khác từ khu vực Tam Giác Vàng thâm nhập vào trong nước hoặc lợi dụng làm địa bàn trung chuyển đưa đi các khu vực khác hoặc nước thứ ba./.

    Trang Nhi