Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, ngày 30/03/2021, Quốc hội khóa XIV (kỳ họp thứ 11) đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022). Đến nay, sau 01 năm triển khai thực hiện, Luật đã từng bước đi vào đời sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; tuy nhiên việc triển khai ở nhiều đơn vị, địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục.
27/01/2023 | Article Rating

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - đơn vị được Bộ Công an giao trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thi hành Luật trên phạm vi toàn quốc, sau 01 năm thực hiện, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết (gồm 01 pháp lệnh, 03 nghị định, 01 thông tư do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ: Công an, Y tế, Lao đồng, Thương binh và Xã hội ban hành) đã cơ bản khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập liên quan đến công tác phòng, chống ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì Hội nghị

Việc triển khai đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương cùng mọi người dân. Qua đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân có vai trò chủ trì, chủ công, nòng cốt; nâng cao nguồn lực và củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Công tác rà soát, thống kê và tổ chức các biện pháp quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy được quan tâm chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Việc rà soát được thực hiện từ xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, cụm dân cư đáp ứng yêu cầu, chất lượng, phản ánh tương đối chính xác thực trạng người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy; công tác cai nghiện cũng bước đầu đạt được nhiều kết quả góp phần hạn chế tội phạm và tệ nạn xã hội phát sinh từ tệ nạn này.

Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh tổ chức tập huấn xác định tình trạng nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được quan tâm thực hiện từ Trung ương đến cơ sở với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Đến nay, những người thực hiện công tác phòng, chống ma túy đã nắm được quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết, nhất là lực lượng Công an cấp xã đã nắm chắc các quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma tủy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy để phục vụ công tác chuyên môn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Luật và các văn bản quy định chi tiết theo phản ánh của các đơn vị, địa phương trên toàn quốc vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như:

Hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy đã đầy đủ, tuy nhiên trong thực tiễn ở các địa phương thiếu cơ chế vận hành, công tác tổ chức thực hiện thiếu sự kiểm tra đôn đốc, giám sát thực hiện của các ngành, còn tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Công an. Hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn kinh phí, nhất là trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến người sử dụng trái phép chất ma tuý thực hiện chưa đúng theo quy định, như việc thông báo thay đổi nơi cư trú, thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.

Bên cạnh đó, còn 27 tỉnh chưa công bố cơ sở xác định tình trạng nghiện đến cấp xã, 07 tỉnh chỉ có 01 đến 03 cơ sở xác định tình trạng nghiện, chưa đạt 100% số trạm y tế cấp xã trong toàn quốc là cơ sở xác định tình trạng nghiện. Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa có tổ chức cá nhân đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nên chưa thực hiện được theo quy định mới. Sự phối hợp giữa các cơ quan Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án trong công tác cai nghiện bắt buộc còn chưa thống nhất, kịp thời dẫn đến việc lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ bị chậm và gặp khó khăn. Trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người nghiện thường trốn khỏi địa phương.

Đối với công tác quản lý sau cai, người nghiện ma túy không khai báo khi hoàn thành cai nghiện, bỏ đi khỏi địa phương nên công tác quản lý sau cai và lập hồ sơ đưa vào danh sách quản lý sau cai gặp khó khăn. Việc hỗ trợ trong quá trình quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng còn chung chung, chưa được quan tâm đâu tư, chưa có biện pháp, mô hình tốt giúp đỡ người sau cai nghiện dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên góp phần nâng cao hiệu quả công tác triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như:

1. Đề xuất Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát huy vai trò chủ trì, nòng cốt trong công tác phòng, chống ma túy theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; phối hợp với các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống ma túy để tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, trách nhiệm của các ngành; có cơ chế giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống ma túy; hàng năm tham mưu cho UBND cấp tỉnh bố trí nguồn ngân sách phù hợp phục vụ công tác này.

2. Kiến nghị Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo các Sở Y tế địa phương bố trí nguồn nhân lực, tổ chức tập huấn, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất cho Trạm y tế cấp xã, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp xác định tình trạng nghiện, hướng tới 100% các trạm y tế xã, phường là cơ sở y tế thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy; tăng cường đội ngũ bác sỹ, y sỹ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo hướng các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện được tổ chức ngay tại cấp xã, tạo điều kiện tối đa cho người nghiện tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở ngay địa bàn cấp xã. Tiến hành sơ kết Nghị định 116 năm 2021 để có đánh giá toàn diện, cụ thể công tác cai nghiện; từ đó kiến nghị, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Nghị định cho phù hợp vợi thực tiễn. Chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ở các cấp thực hiện tốt các chính sách trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy và khảo sát, đánh giá nâng cấp cơ sở cai nghiện bắt buộc đảm bảo theo đúng tiêu chí của Luật Phòng, chống ma túy. Đặc biệt quan tâm tới 03 tỉnh chưa có cơ sở cai nghiện bắt buộc: Kon Tum, Đắk Nông và Hậu Giang.

4. Đề nghị Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy vì hiện nay Bộ này mới ban hành Thông tư số 62 năm 2022 quy định về việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biên pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

5. Đề nghị UBND cấp tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện tốt Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống ma túy không ghép chung trong Ban chỉ đạo Phòng, chông tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để tập trung chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, đặc biệt trong công tác phối hợp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, xác định tình trạng nghiện, đưa người đi cai nghiện bắt buộc và quản lý người sau cai nghiện; xây dựng các mô hình, tạo nguồn vốn, công ăn việc làm cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, trong đó cần xác định rõ nội dung, hình thức, nhiệm vụ và cách thức tổ chức thực hiện. Đồng thời chủ động cân đối bố trí nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống ma túy ngay từ đầu năm./.

Nhật Nam