Thực hiện có hiệu quả những phương án đấu tranh nhằm giải quyết tình hình ma túy thẩm lậu qua biên giới vào nội địa tại địa bàn tỉnh Sơn La

Tuyến Tây Bắc luôn là tuyến trọng điểm, phức tạp nhất về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, trong đó tỉnh Sơn La được coi là trọng điểm của trọng điểm này, nổi lên địa bàn các huyện như Vân Hồ, Mộc Châu, Sông Mã, Sốp Cộp…
05/12/2014 | Article Rating
Với đặc thù địa hình rừng núi hiểm trở, chia cắt, diện tích rộng, giao thông đi lại khó khăn; số lượng người dân tộc chiếm khá cao trong thành phần dân cư và tập trung chủ yếu tại các xã vùng sâu, vùng xa; có đường biên giới dài giáp ranh với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; đặc biệt bị ảnh hưởng do vị trí địa lý gần khu vực “tam giác vàng” là trung tâm sản xuất ma túy hàng đầu thế giới. Ở đây, dân cư có trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn, thường xuyên bị các loại tội phạm và thế lực chống phá lôi kéo, kích động trong đó tội phạm về ma túy. Các đường dây tội phạm ma túy được hình thành mang tính chất dòng họ, khép kín; hoạt động liều lĩnh, manh động; Loại ma túy được mua bán, vận chuyển chủ yếu là Heroin, Hồng phiến...
Xác định tính chất phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy tại đây sẽ tác động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị, sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Bộ Công an và lãnh đạo tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Bộ và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp, kế hoạch công tác để đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, nhằm giải quyết triệt để tình hình phức tạp về tội phạm và trật tự an toàn xã hội tại cụm địa bàn các xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình và xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu (nay là huyện Vân Hồ), Sơn La;
Quá trình thực hiện các phương án và kế hoạch đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, tại địa bàn này vẫn chịu ảnh hưởng của tình hình ma túy tại khu vực “Tam giác vàng”, tội phạm ma túy vẫn là một tiềm ẩn rất lớn gây mất ổn định về trật tự xã hội và phát triển kinh tế của địa phương.
Gần đây nhất, ngày 16/5/2013 Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã phê duyệt phương án số 279/PA-CAT-PV11 (gọi tắt là phương án 279) để giải quyết địa bàn trọng điểm về ma túy tại xã Loóng Luông huyện Mộc Châu (nay là huyện Vân Hồ), tỉnh Sơn La.
Qua hơn 1 năm thực hiện phương án đã thu được nhiều kết quả rất quan trọng. Bước đầu đã ổn định được tình hình, làm giảm đáng kể tên nạn và tội phạm ma túy trên địa bàn; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các cấp chính quyền, nhất là tại xã bản được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Đã đánh đúng, đánh trúng nhiều đường dây, ổ nhóm, đối tượng hoạt động nổi, gây bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân. Công tác tuyên truyền vận động quần chúng đạt được nhiều kết quả và đi vào chiều sâu, quần chúng nhân dân đã tin tưởng, ủng hộ và cam kết không tham gia các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Đã vận động đầu thú và xác minh truy bắt được nhiều đối tượng truy nã trên địa bàn, trong đó có những đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy, quá trình lẩn trốn chúng vẫn tiếp túc móc nối hoạt động, gây nhiều khó khăn trong công tác phòng ngừa và đấu tranh của các lực lượng chức năng.
  
Ảnh:Lãnh đạo Bộ Công an trao tặng Huân chương chiến công cho các tập thể và cá nhân của Công an tỉnh Sơn La có thành tích trong xuất sắc trong thực hiện Phương án 279
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện phương án, lực lượng Công an đã tổ chức đấu tranh thành công chuyên án 279-LL “đấu tranh với các nhóm đối tượng có vũ trang vận chuyển ma túy từ Lào vào địa bàn các xã thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình”,. Qua 3 giai đoạn đã bắt giữ 9 đối tượng (trong đó có 2 đối tượng đã chết do bị thương nặng). Tang vật thu giữ 210 bánh Heroin, 9 khẩu súng quân dụng, hàng trăm viên đạn và nhiều tài liệu khác liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng; ngăn chặn đáng kể nguồn ma túy thẩm lậu vào địa bàn.
Mặc dù chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp, đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, song tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2014, 6 tỉnh trên tuyến Tây Bắc đã bắt giữ 2.251 vụ với 3.043 đối tượng phạm tội về ma túy; tang vật thu giữ 244,265 kg Heroin; 21,101 kg nhựa thuốc phiện; 107 kg quả thuốc phiện; 10,35 gam Cần sa khô; 60,1 gam Cần sa tươi; 1,126 kg + 132.352 viên ma túy tổng hợp; 26 súng + 360 viên đạn; 20 xe ôtô; 556 xe máy; 928 điện thoại di động; hơn 1,4 tỷ đồng và nhiều tài liệu khác liên quan. Trong đó, riêng tỉnh Sơn La bắt giữ 847 vụ (chiếm hơn 38%) với 1.223 đối tượng (chiếm hơn 40%); tang vật thu giữ 156,300 kg Heroin (chiếm gần 64%); 5,20 kg thuốc phiện; 96.162 viên ma túy tổng hợp (chiếm gần 73%); 24 súng + 355 viên đạn; 10 xe ôtô; 304 xe máy; 457 điện thoại di động; hơn 563 triệu đồng; 2.700 USD và nhiều tài liệu khác có liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy.
Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến Tây Bắc nói chung, địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng trong những năm qua nổi lên một số vấn đề sau:
- Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn đang có nhiều tiềm ẩn và diễn biến rất phức tạp, các đối tượng không ngừng gia tăng các loại phương thức, thủ đoạn hoạt động mới nhằm che giấu các hành vi phạm tội và đối phó với các lực lượng chức năng. 

Ảnh: Vũ khí quân dụng thu được của các đối tượng trong chuyên án 279-LL
- Nguồn ma túy được mua bán, vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” sau đó được tập kết ở bên kia biên giới tại nước bạn Lào rồi được vận chuyển về Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau, loại ma túy chủ yếu là Heroin, phương thức chủ yếu là do các nhóm đối tượng có vũ trang vận chuyển theo đường mòn, đi cắt rừng.
- Số đối tượng tham gia chủ yếu là người dân tộc HMông, trong đó người HMông mang quốc tịch Lào chiếm đa số; quá trình vận chuyển có trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện bắt giữ.
- Tình trạng sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí tự tạo, vật liệu nổ… còn diễn ra hết sức phức tạp nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều đối tượng bị truy nã tàng trữ vũ khí quân dụng vẫn tìm cách lẩn trốn tại các khu vực biên giới và tiếp tục móc nối hình thành các đường dây vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia, đồng thời luôn có tư tưởng “tử thủ” và chống trả quyết liệt nếu bị truy bắt.
Hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến Tây Bắc, nhất là tuyến biên giới Việt - Lào trong thời gian tới tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến này, các lực lượng chức năng của hai nước Việt Nam và Lào đã có nhiều có gắng, tập trung các nguồn lực để triển khai các chương trình, kế hoạch phòng ngừa và đấu tranh tại mỗi nước cũng như cùng tham gia các diễn đàn, hoạt động chung của các nước trên thế giới và khu vực... Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào được thể hiện trên nhiều phương diện như: thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động phạm tội ma túy; tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tội phạm ma túy cho cán bộ của các cơ quan phòng, chống tội phạm ma túy nước bạn Lào. Phối hợp triển khai các kế hoạch giải quyết điểm nóng phức tạp về ma túy ở khu vực biên giới, tổ chức xác minh, bắt giữ đối tượng phạm tội ma túy, đối tượng truy nã... nhằm ngăn chặn từ xa nguồn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên tuyến này, đồng thời từng bước ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tình trạng thẩm lậu ma túy qua biên giới, trong thời gian tới lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy phải là lực lượng nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, đặc biệt chú trọng vào các tuyến và địa bàn trọng điểm, các điểm nóng phức tạp về hoạt động phạm tội ma túy; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tổ chức thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm để tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh mạnh với các loại tội phạm về ma túy.
Phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tại các địa bàn giáp biên tham gia phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy. Đa dạng hóa các hình thức và nội dung tuyên truyền cho phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn và đối tượng được tuyên truyền.
Các địa phương trên tuyến cần tăng cường biên chế cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy nhất là tại các huyện vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới nhằm đảm bảo đủ lực lượng để nắm chắc địa bàn và triển khai thực hiện các kế hoạch công tác. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các lực lượng phòng, chống ma túy. Ưu tiên kinh phí, trang bị để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong tình hình mới.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Công an với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng, Hải quan tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu…, trong đó cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng trên từng địa bàn, mục tiêu và đối tượng đấu tranh cụ thể, để từ đó có các giải pháp phối hợp đạt hiệu quả cao nhất. Lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Công an cần thống nhất với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng trong việc đấu tranh, xử lý các nhóm đối tượng có vũ trang vận chuyển ma túy, xâm nhập trái phép vào địa bàn các tỉnh giáp biên.
Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của nước bạn Lào, nhất là ở các tỉnh, huyện tiếp giáp với Việt Nam; thường xuyên giao ban, trao đổi thông tin về tội phạm ma túy và các tình hình khác có liên quan; tăng cường các tổ công tác để phối hợp với Bạn trong đấu tranh phòng chống ma túy, bắt giữ các đối tượng ngay tại đất Lào, góp phần ngăn chặn từ xa nguồn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam./. 
Ngohai247