Chiến lược phòng, chống ma túy của UNODC giai đoạn 2021- 2025: Giúp thế giới an toàn hơn trước vấn nạn ma túy

Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) vừa ban hành chiến lược phòng, chống ma túy giai đoạn 2021- 2025 để định hình các nguyên tắc và mục tiêu nâng cao sự hỗ trợ đối với các quốc gia thành viên, nhằm xây dựng thế giới an toàn hơn trước vấn nạn ma túy, tội phạm, tham nhũng và khủng bố, để không để ai bị bỏ lại phía sau.
01/01/2023 | Article Rating

Vấn đề đại dịch Covid và vai trò của UNODC

Trong chiến lược của mình, UNODC nhận định: Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thế giới. Hậu quả là các cuộc khủng hoảng về sức khỏe, nhân đạo và kinh tế đang gây nguy hiểm nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh kế của người dân ở khắp mọi nơi. Nó đã làm trầm trọng thêm các vấn đề về sự mong manh, phơi bày sự bất bình đẳng và làm phát sinh, phát triển tội phạm và khủng bố. Điều này cũng gây nguy hiểm cho sự đồng thuận đa phương được phản ánh trong tầm nhìn về phúc lợi cho tất cả mọi người trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững.

UNODC tổ chức tập huấn cho các lực lượng chức năng của Việt Nam

Đại dịch chứng minh rõ ràng rằng những thách thức mà chúng ta phải đối mặt là toàn cầu và các giải pháp cũng phải mang tính toàn cầu. Do đó Liên hợp quốc có trách nhiệm tạo ra những giải pháp chung bằng cách tập hợp các quốc gia lại với nhau để chia sẻ kiến thức, kỹ năng và chống lại những thách thức về ma túy, tội phạm, tham nhũng và khủng bố.

Các xã hội gắn kết, an toàn và kiên cường là rất quan trọng nếu sứ mệnh này được hiện thực hóa. UNODC làm việc với và vì các quốc gia thành viên, xã hội dân sự, học viện và các đối tác khác để thúc đẩy công lý và pháp quyền ở tất cả các cấp. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu cũng như xu hướng chung, UNODC sẽ xác định được mối đe dọa mới để xây dựng phương án, biện pháp giải quyết chúng; trong đó đặc biệt chú ý đến quyền con người, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và thanh niên.

Giải quyết vấn đề ma túy và tội phạm

Đối với vấn đề ma túy, chiến lược phòng, chống ma túy giai đoạn 2021- 2025 của UNODC đề ra các nhiệm vụ, giải pháp gồm: Cải thiện phòng ngừa, điều trị và chăm sóc cho nạn nhân của ma túy; phản ứng tư pháp hình sự hiệu quả; tiếp cận nhiều hơn với thuốc được kiểm soát cho những người có nhu cầu; có các giải pháp thay thế bền vững cho việc trồng cây chứa chất ma túy; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật quốc tế, đồng thời hiểu rõ hơn và triển khai đồng bộ các giải pháp giám sát, chống thị trường ma túy bất hợp pháp

Đối với vấn đề tội phạm có tổ chức, UNODC xác định cần xây dựng khung pháp lý hiệu quả để chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; cải thiện điều tra và truy tố các vụ án hình sự, hỗ trợ nạn nhân; phân tích, theo dõi và có phản ứng tốt hơn với tội phạm mạng. Với vấn đề tội phạm kinh tế và tham nhũng, chiến lược xác định tăng cường khung pháp lý, chính sách và thể chế để chống tham nhũng; tăng cường hợp tác giữa các tổ chức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế nhằm ngăn ngừa và chống tham nhũng hiệu quả. Nhanh chóng triển khai cơ chế rà soát Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), đánh giá các cơ chế khuyến nghị.

Đối với tội phạm khủng bố, một trong những loại tội phạm có sự gắn kết chặt chẽ với tội phạm ma túy, UNODC xác định cần phản ứng tư pháp hình sự hiệu quả và có trách nhiệm đối với khủng bố; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh; áp dụng các biện pháp phù hợp với quyền con người để ngăn chặn khủng bố và bảo vệ các nạn nhân. Đặc biệt là việc triển khai các chương trình ngăn chặn và chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực có thể dẫn đến khủng bố.

Vấn đề phòng ngừa tội phạm tư pháp hình sự, UNODC đề ra các giải pháp: Tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất; phòng ngừa tốt hơn bạo lực và tăng khả năng tiếp cận công lý đáp ứng về giới, ứng phó với bạo lực đối với trẻ em; cải cách để đảm bảo giam giữ phạm nhân an toàn và nhân đạo.

Trong chiến lược của mình, UNODC cũng khẳng định: Quan hệ đối tác linh hoạt và rộng khắp là rất quan trọng để cộng đồng quốc tế tiếp tục cung cấp, hỗ trợ chống lại các tác động tiêu cực của ma túy, tội phạm, tham nhũng và khủng bố đối với xã hội và sức khỏe cong người ở bất kỳ đâu, vào thời điểm nào. Chiến lược này dựa trên quan hệ đối tác chính trị và tài chính, tính minh bạch và sự tham gia liên tục. UNODC và các quốc gia thành viên sẽ tự chịu trách nhiệm để đạt được các mục tiêu và nguyện vọng; cam kết sẽ mở rộng phạm vi huy động nguồn lực và các nỗ lực hợp tác của mình, đồng thời thông báo kết quả, thành công và thất bại của mình một cách minh bạch cho tất cả các bên liên quan./.

                                                    Nhật Hằng