XU HƯỚNG MA TÚY TỔNG HỢP TRONG KHU VỰC VÀ NHỮNG NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TẠI VIỆT NAM

Năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022, thị trường ma túy tổng hợp bất hợp pháp tại khu vực Đông Nam Á diễn biến rất phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy tại Việt Nam.
12/12/2022 | Article Rating

Ma túy tổng hợp ở khu vực Đông Nam Á

Ma túy tổng hợp dạng methamphetamine: Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép ma túy tổng hợp (MTTH) dạng methamphetamine trong khu vực đang diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Đáng chú ý, các băng nhóm tội phạm có tổ chức sử dụng các loại hóa chất không có trong danh mục kiểm soát của nhiều quốc gia để sản xuất methamphetamine và các loại MTTH khác nhau.

Tháng 10/2021, Cảnh sát Lào đã đột kích vào một ngôi nhà ở tỉnh Bokeo, thu giữ 55.664.000 viên amphetamine và 1,5 tấn ma túy đá

Nguồn cung methamphetamine tiếp tục duy trì ở mức cao và chủ yếu đến từ các bang Shan, Myanmar. Dữ liệu ma túy bị bắt giữ năm 2021 cho thấy, một lượng methamphetamine kỷ lục đã bị thu giữ ở Đông Nam Á, lên tới 171,5 tấn. Các nước tiểu vùng sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam ghi nhận tỷ lệ các vụ bắt giữ methamphetamine tăng liên tục trong 05 năm gần đây (năm 2017, tăng 61%; 2018 tăng 78%; 2019 tăng 79%; 2020 tăng 85% và 2021 tăng 89%). Số lượng methamphetamine bị thu giữ trong năm 2021 tập trung nhiều ở Myanmar, Lào và Thái Lan; thậm chí có vụ thu giữ hơn một tỷ viên ma túy tổng hợp. Xuất hiện xu hướng các nhóm tội phạm có tổ chức sử dụng địa bàn Campuchia để sản xuất ma túy với quy mô công nghiệp. Riêng trong tháng 5/2022, lực lượng phòng, chống ma túy Campuchia đã triệt phá 04 cơ sở sản xuất tại Phnompenh và Kampong Speu, thu 1,4 tấn MTTH và 11 tấn hóa chất các loại.

Do việc hạn chế giao thương của các quốc gia để phòng ngừa đại dịch COVID-19, các nhóm tội phạm có tổ chức đã dần thích nghi và có xu hướng tăng cường phương thức giao dịch trực tuyến; sử dụng các tuyến vận chuyển thương mại hàng hải dọc theo Biển Andaman và qua eo biển Malacca tới Malaysia, Indonesia. Trong khi đó, Lào là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất khi phần lớn methamphetamine sản xuất tại Myanmar được đưa ra thị trường bên ngoài đi qua quốc gia này. Chỉ trong năm 2021, các lực lượng chức năng của Lào đã thu giữ 143 triệu viên methamphetamine, tăng 669% so với năm 2020. 06 tháng đầu năm 2022, Lào tiếp tục phát hiện, thu giữ hơn 36 triệu viên MTTH và 590 kg methamphetamine dạng tinh thể.

Ma tuý được ngụy trang trong các lọ thuốc, thực phẩm chức năng vận chuyển trái phép qua đường hàng không từ châu Âu về Việt Nam bị phát hiện, bắt giữ

Bên cạnh tuyến vận chuyển MTTH từ Myanmar qua Lào, tuyến vận chuyển từ Myanmar qua Thái Lan cũng diễn ra nghiêm trọng hơn trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Ước tính khoảng 20% lượng MTTH sản xuất tại Myanmar được các đường dây mua bán, vận chuyển qua khu vực biên giới giáp với Thái Lan. Số liệu các vụ vận chuyển MTTH bị phát hiện tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan cho thấy tỷ lệ tăng 400% trong năm 2021 so với năm 2019, tương đương số lượng 5 tấn hoặc gần 80 triệu viên MTTH.

Bên cạnh tình trạng trên, còn ghi nhận xu hướng các đường dây ma túy từ Châu Mỹ (Mexico) sử dụng địa bàn Hồng Kông và Hàn Quốc là điểm trung chuyển MTTH đi các nước khác trong đó có khu vực Đông Nam Á. Chỉ trong năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng các nước, trong đó có Việt Nam đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển MTTH số lượng lớn. Cùng với đó, hoạt động mua bán, vận chuyển MTTH giữa khu vực Đông Nam Á và Nam Á cũng diễn biến phức tạp hơn. Lực lượng chức năng của Ấn Độ, Bangladesh đã thu giữ một số lượng lớn MTTH do các đối tượng mua bán và vận chuyển từ Myanmar sang.

Ma túy tổng hợp dạng thuốc lắc (Ecstasy): Dữ liệu phân tích của UNODC cho thấy so với methamphetamine, thị trường “thuốc lắc” Đông Nam Á vẫn ở quy mô nhỏ; được nhập vào khu vực chủ yếu từ các nước châu Âu. Nhìn chung, việc sử dụng “thuốc lắc” trong khu vực tiếp tục được đánh giá là tương đối hạn chế so với methamphetamine. Năm 2021, Campuchia và Singapore ghi nhận xu hướng sử dụng “thuốc lắc” tăng, trong khi Malaysia và Thái Lan ghi nhận xu hướng giảm. Số người được đưa vào điều trị tại các cơ sở y tế do sử dụng “thuốc lắc” vẫn ở mức thấp: Brunei, Malaysia, Philippines và Thái Lan ghi nhận dưới 1% số người nhập viện điều trị ma túy là do “thuốc lắc”; trong khi ở Singapore, con số này là dưới 2%.

Từ mức tương đương 8,9 triệu viên “thuốc lắc” bị thu giữ tại khu vực vào năm 2020, con số này đã giảm xuống còn 3,7 triệu viên vào năm 2021. Các vụ bắt giữ “thuốc lắc” ở Đông Nam Á chủ yếu ghi nhận tại Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines và Thái Lan. Mặc dù có sự biến động về số lượng thu giữ, tuy nhiên giá bán lẻ của loại thuốc này không thay đổi nhiều. Mặc dù thị trường “thuốc lắc” Đông Nam Á được đánh giá ở quy mô nhỏ, nhưng trong khu vực đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất ma túy loại này, đặc biệt là ở Campuchia và Malaysia. Điều đó cho thấy, các tổ chức tội phạm luôn thay đổi linh hoạt để đối phó với tình hình và thị trường “thuốc lắc” vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

MTTH dạng các chất hướng thần mới (NPS) và các loại MTTH khác: Bên cạnh MTTH dạng methamphetamine, “thuốc lắc”, trong 5 năm gần đây NPS và các loại MTTH khác có xu hướng ngày càng phổ biến hơn ở khu vực Đông Nam Á. Mặc dù số lượng NPS đã giảm dần, tuy nhiên các chất mới vẫn tiếp tục xuất hiện và phát triển nhanh hơn so với quy định của pháp luật của mỗi nước. Tính đến tháng 12/2021, đã có 507 chất hướng thần mới được xác định ở khu vực Đông Nam Á. Trong số 507 chất được xác định, NPS với tác dụng kích thích thần kinh có 187 chất tạo thành nhóm chất được sử dụng lớn nhất; tiếp theo là các chất tổng hợp từ cần sa với 158 chất và 69 chất gây ảo giác.

Vấn đề ketamine ở khu vực Đông Nam Á đang có chiều hướng phức tạp hơn, với nguồn cung đến từ cả từ bên trong và bên ngoài khu vực. Năm 2021, tổng lượng ketamine bị thu giữ ở khu vực này lên tới hơn 10 tấn. Hoạt động sản xuất bất hợp pháp ketamine có xu hướng mở rộng, chủ yếu có nguồn gốc từ khu vực Tam giác vàng. Tuy nhiên, ngày càng phát hiện nhiều cơ sở sản xuất MTTH, không chỉ methamphetamine và “thuốc lắc”, mà cả ketamine tại một số nước khác trong khu vực, đặc biệt là Campuchia và Malaysia. Đáng chú ý trong 02 năm gần đây, số lượng MTTH có nguồn gốc từ các nước châu Âu, đặc biệt là Hà Lan và Đức được chuyển đến khu vực ĐNA qua đường hàng không và đường biển có dấu hiệu gia tăng.

Những thách thức đặt ra đối với công tác PCMT tại Việt Nam

Tính linh hoạt và gia tăng hoạt động sản xuất MTTH trái phép của các tổ chức tội phạm đã đưa Đông Nam Á trở thành một trong những thị trường sản xuất, tiêu thu methamphetamine bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới. Do đó, các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong bối cảnh các tổ chức tội phạm ngày càng thích ứng và tìm cách mở rộng hoạt động.

Kỷ lục về khối lượng methamphetamine bị thu giữ trong khu vực thời gian gần đây cho thấy, các chiến lược “giảm cung” đã phát huy hiệu quả, nhưng không đủ làm giảm lượng lớn ma túy được sản xuất. Các đường biên giới không được kiểm soát tốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ma túy trái phép, các hóa chất thuộc diện kiểm soát và không kiểm soát, đến các địa điểm sản xuất bất hợp pháp. Điều này cũng vô tình tạo điều kiện cho các nhóm tội phạm có tổ chức đa dạng hóa địa điểm và cách thức sản xuất MTTH với khối lượng rất lớn. Trong khi đó, các băng nhóm tội phạm đã không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển các chất kích thích thần kinh mới nhằm thu hút người sử dụng, hoặc vượt qua “rào cản” của pháp luật ở nhiều quốc gia. Điều đó đặt ra vấn đề, các nước và các tổ chức quốc tế về phòng, chống ma túy phải đưa ra các cơ chế cảnh báo sớm để nắm bắt những diễn biến mới và kịp thời ứng phó trước các mối đe dọa.

Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, có vị trí trung tâm và là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối khu vực với nhiều quốc gia, khu vực khác trên thế giới. Do đó, nước ta đang chịu những tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trong khu vực, trong đó nổi lên là vấn đề sản xuất, mua bán trái phép các chất MTTH, chất hướng thần mới. Điều đó đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác phòng, chống ma túy tại Việt Nam; đòi  hỏi chúng ta phải có phương pháp tiếp cận và giải pháp phù hợp. Trước hết là việc chủ động nắm tình hình; hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ hệ thống pháp luật hoàn thiện, tương thích với luật pháp quốc tế; tăng cường kiểm soát biên giới. Đồng thời không ngừng nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật, đẩy mạnh hợp tác với lực lượng phòng, chống túy quốc tế, các quốc gia trong khu vực với mục tiêu chủ động phát hiện, đấu tranh bóc gỡ triệt để các đường dây tội phạm ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia; ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát./.                                                                   

                                                                                                                                                                                       Trang Nhi