Ngày 29/11/2022, bà Phạm Thị Ch., ở quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội (56 tuổi) có ăn 02 miếng bỏng ngô do con bà đặt mua trên mạng internet từ trước đó. Sau khoảng 1h, bà Ch. cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ, được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Ngày 05/12/2022, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết khi nhập viện bệnh nhân Ch. trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC, một chất chính có trong cần sa. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ, đến nay đã qua cơn nguy kịch. Sau sự việc trên, phía cơ sở bán loại bỏng ngô này đã cắt liên lạc.
Hiện nay có nhiều loại ma túy, không chỉ được sản xuất dưới các dạng viên, dạng lỏng, dạng bột, dạng tem giấy… mà còn được trộn vào nhiều loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo, đồ uống, trong tinh dầu thuốc lá điện tử, trộn lẫn với sợi thuốc lá, thuốc lào. Đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô.
Mẫu bỏng ngô bệnh nhân ăn phải.
Tiếp đó, ngày 30/11/2022, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhi 05 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống dung dịch thuốc lá điện tử. Theo người nhà cho biết, trước đó cháu bé có tiền sử khỏe mạnh, sau khi tình cờ nhặt được, cháu đã uống khoảng 05 ml dung dịch màu vàng trong lọ thủy tinh chứa tinh dầu thuốc lá điện tử. Khoảng 15 phút sau, bé co giật toàn thân, nôn ói, hôn mê. Ngay lập tức, cháu bé được sơ cứu tại bệnh viện gần nhà và chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Mặc dù tình trạng ban đầu bị co giật, hôn mê, suy hô hấp nhưng do được điều trị tích cực, cháu bé đã hồi phục. Hiện bệnh nhi đang được tiếp tục theo dõi, điều trị các biến chứng lâu dài. Qua xét nghiệm, kết quả các mẫu bệnh phẩm và dung dịch trẻ uống phải đều dương tính với ADB-BUTINACA (thuộc danh mục IIC, Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ).
Trước đó tháng 4/2022, Công an quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 10 gói bột pha nước giải khát, có mùi thơm và nghi chứa ma túy ngụy trạng dưới dạng nước trái cây (nho, xoài, dâu, đông trùng). Qua giám định thành phần, phát hiện mỗi gói có khối lượng khoảng 07 gam, chứa nhiều chất ma túy tổng hợp như MDMA, Methamphetamine, Nimetazepam và các chất phụ gia nguy hại. Đây đều là loại ma túy dạng mới được Bộ Công an ra cảnh báo trước đó và lần đầu tiên xuất hiện tại TP. Đà Nẵng. Tháng 6/2022, 05 bệnh nhân phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, sau khi sử dụng chocolate nhãn hiệu Chill Max có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA. Tháng 7/2022, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiến hành cấp cứu nữ sinh 20 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não, tổn thương gan do hút thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ ngộ độc. Qua xét nghiệm tại Viện Pháp y Quốc gia đã phát hiện mẫu thuốc lá điện tử này chứa chất ADB-BUTINACA.
Cần sa là một loại ma túy tự nhiên, bị lạm dụng từ nhiều năm qua ở nhiều nước trên thế giới, việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều chất các ma túy khác hiện nay là các chất mới, được sản xuất bằng các loại tiền chất không nằm trong danh mục kiểm soát, do chưa có mẫu thử nên các phòng xét nghiệm hiện đại chưa kịp nghiên cứu tìm ra cách phát hiện. Đây là một khó khăn trong công tác giám định chất ma túy.
Trước thực trạng trên, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã ban hành điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt qua phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống ma túy, tác hại của tệ nạn ma túy, thủ đoạn phạm tội của đối tượng, cách thức nhận biết đồ uống, thực phẩm, thuốc lá bị pha trộn chất cấm nhằm cảnh báo về tác hại của chúng đối với sức khỏe; phát động toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin về các chất ma túy có trong thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử giúp cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Lực lượng Công an phối hợp với các đơn vị Hải quan, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ được nhập lậu vào trong nước để phòng ngừa hậu quả gây ra cho xã hội. Phối hợp với nhà trường, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, quản lý, giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật về ma túy. Qua các vụ ngộ độc nêu trên, các bậc cha mẹ không để trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên tiếp xúc gần cũng như sử dụng các chế phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử, thực phẩm, đồ uống có chứa chất ma túy, đặc biệt là các chất ma tuý mới.
Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng; phối hợp với lực lượng công an cơ sở phát hiện, bắt giữ hành vi mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy dưới dạng pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân hai cấp ở các địa phương đưa ra xét xử điểm, xét xử lưu động những vụ án liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cũng như răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Quyền Linh