Tập huấn công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý và phổ biến Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất 

Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý Trung ương đã tổ chức các khóa tập huấn về công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và phổ biến nội dung Nghị định số 57 ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2022 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thừa Thiên Huế. Đại diện lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an các địa phương và đại diện các cơ quan, tổ chức có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy toàn quốc đã tham dự tập huấn.
08/12/2022 | Article Rating

Đồng chí Thiếu tướng Đinh Văn Chuyền, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Phó Tổ trưởng thường trực Tổ Công tác liên ngành trung ương dự và chỉ đạo các chương trình tập huấn. Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phó Cục trưởng khẳng định công tác phòng, chống ma túy trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn, do hoạt động của tội phạm ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc (UNODC) và các quốc gia, các tổ chức quốc tế về xu hướng và tình hình ma túy, tiền chất ở khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới, thị trường ma túy và tiền chất bất hợp pháp trong khu vực đang gia tăng nhanh chóng, “Tam giác vàng” vẫn là địa bàn sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất cung cấp cho cả khu vực và thế giới. Tình hình thất thoát, sản xuất và mua bán tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng đáng quan ngại và khó kiểm soát. Sự xuất hiện các tiền chất thay thế mới được sử dụng sản xuất ma túy tổng hợp với phương thức, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, hoạt động có tổ chức, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, gây khó khăn cho các cơ quan trong phát hiện, điều tra, xử lý.

Đồng chí Thiếu tướng Đinh Văn Chuyền, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Tại Việt Nam, hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội vẫn diễn ra sôi động, nhu cầu sử dụng tiền chất trong sản xuất, kinh doanh và y tế tăng trong khi số lượng các công ty, đơn vị kinh doanh tiền chất, thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thú y giữ tương đối ổn định dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19. Hiện nay có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Pháp luật Việt Nam đã có hệ thống các quy định về kiểm soát đối với công tác này và đưa vào danh mục quản lý 557 chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần và 60 tiền chất để đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Trong đó, Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 105 vẫn dành riêng Chương III quy định về công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy với các điều luật bám sát tình hình thực tế và quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

 

Các đại biểu trong và ngoài ngành Công an tham gia lớp tập huấn

Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và chức năng, nhiệm vụ của các ngành, hiện nay có sáu (06) cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, bao gồm: (1) Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an: là cơ quan giúp Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; kiểm soát các hoạt động phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; là đầu mối trao đổi thông tin, phối hợp với các bộ, địa phương và với các nước, các cơ quan quốc tế bao gồm UNODC và Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB), cũng như điều tra tội phạm liên quan lĩnh vực này. (2) Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế: kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy lĩnh vực y tế. (3) Cục Hóa chất, Bộ Công Thương: kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp. (4) Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: kiểm soát thuốc thú y và nguyên liệu làm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. (5) Cục Quân y, Bộ Quốc phòng: kiểm soát tiền chất sử dụng vì mục đích quốc phòng. (6) Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính: hướng dẫn việc thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan đối với các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất tái nhập, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với nhiệm vụ là cơ quan giúp Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý trọng tâm là theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên toàn quốc; đồng thời giữ vai trò là đầu mối phối hợp và trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và giữa Việt Nam với INCB, UNODC, các tổ chức quốc tế, liên chính phủ xử lý thông tin, kiểm tra giám sát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; thực hiện các nghĩa vụ theo 3 Công ước của Liên hợp quốc về ma túy. Tuy nhiên, bên cạnh sự quản lý của các Bộ, ngành ở Trung ương còn cần sự kiểm tra, giám sát của các đơn vị địa phương và đặc biệt cần sự chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật của các doanh nghiệp có liên quan nhằm hạn chế tối đa sự thất thoát thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma tuý, tiền chất và đặc biệt là tiền chất vào mục đích sản xuất trái phép chất ma túy mà vẫn đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Nội dung của chương trình tập huấn được đội ngũ báo cáo viên của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan phổ biến cả về kiến thức và nghiệp vụ công tác kiểm soát.

Thanh Huyền