Những thách thức trong vấn đề giải quyết ma túy tại Afghanistan

Tháng 8/2021, lực lượng Taliban trở lại nắm chính quyền Afghanistan và đứng trước nhiều thách thức về chính trị, kinh tế, nhân quyền và an ninh; trong đó nổi lên là tình trạng trồng cây thuốc phiện và sản xuất trái phép các chất ma túy. Mặc dù Chính phủ quốc gia này đã có nhiều động thái để đối phó với thực trạng tình hình, song hoạt động trồng và sản xuất thuốc phiện trái phép vẫn gia tăng mạnh, chiếm 80% nguồn cung các chất ma túy gốc thuốc phiện ra toàn thế giới.
06/12/2022 | Article Rating

Diện tích trồng thuốc phiện tăng hơn 30%

Những thống kê gần đây cho thấy một bức tranh ảm đạm về nền kinh tế Afghanistan với lạm phát phi mã, sản xuất sụt giảm và thất nghiệp gia tăng. Tính đến tháng 6/2022, 1/3 số doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, gần 700.000 người lao động mất việc làm; gần 20 triệu người Afghanistan (chiếm trên 50% dân số) bị xếp vào nhóm sống dưới mức nghèo đói, có nguy cơ thiếu lương thực nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Nông dân Afghanistan khai thác nhựa từ quả thuốc phiện

Trong bối cảnh nền kinh tế hợp pháp tại Afghanistan gặp nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều hộ gia đình tại đất nước này đã và đang bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp như trồng cây thuốc phiện, cần sa; sản xuất, mua bán heroin và ma túy tổng hợp. Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, hiện nay diện tích trồng thuốc phiện ở Afghanistan đã tăng 32% (tương đương 56.000 héc ta) so với thời gian trước khi Taliban nắm quyền, đưa đất nước này trở thành nguồn cung các chất ma túy gốc thuốc phiện lớn nhất của thế giới (chiếm 80%). Cụ thể, diện tích trồng cây thuốc phiện năm 2022 của Afghanistan đạt khoảng 233.000 héc ta, tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam (chiếm 73%), tiếp đến là các tỉnh miền Tây (14%). Ước tính sản lượng thuốc phiện năm 2022 ở quốc gia thuộc khu vực Trung Nam Á này đủ để sản xuất từ 350 đến 380 tấn heroin với độ tinh khiết từ 50 – 70%.

Trước tình trạng trồng và sản xuất thuốc phiện, sản xuất các sản phẩm có gốc từ thuốc phiện tăng mạnh, chính quyền Taliban đã có động thái phản ứng bằng việc ban bố lệnh cấm trồng cây thuốc phiện vào tháng 4/2022, ngay khi mùa thu hoạch bắt đầu. Lệnh này có thời gian hoãn thi hành trong vòng hai tháng, vì vậy trên thực tế, sản lượng thu hoạch mùa này hầu như không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã gây tác động ngược khiến giá thuốc phiện tăng đột biến từ 116 USD lên 203 USD. Đồng thời, thu nhập bất hợp pháp của nông dân trồng thuốc phiện cũng tăng từ 425 triệu USD (gấp 3,7 lần) năm 2021; nâng tổng nguồn thu từ việc sản xuất trái phép thuốc phiện của người dân lên 1,4 tỉ USD năm 2022. Điều đó càng trở thành nguyên nhân “thu hút” người dân tham gia và các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến việc trồng và sản xuất trái phép các chất ma túy.

      

Taliban phá bỏ cánh đồng anh túc ở Washir, tỉnh Helmand, Afghanistan

Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân từ việc trồng, sản xuất thuốc phiện bất hợp pháp gia tăng không thể là điều đáng mừng khi ma túy đang là nguyên nhân của nhiều loại tội phạm. ngày càng có xu hướng câu kết chặt chẽ với các loại tội phạm khủng bố, rửa tiền, buôn lậu vũ khí… ở quốc gia này cũng như tiếp tục là hiểm họa cho toàn thế giới.

Cần một giải pháp tổng thể đối với vấn đề ma túy ở Afghanistan

Như đã phân tích ở trên, thị trường mua bán bất hợp pháp các chất ma túy của Afghanistan gần như không bị ảnh hưởng sau khi lực lượng Taliban lên nắm quyền và ban bố lệnh cấm. Afghanistan vẫn là quốc gia cung cấp đến 80% nhu cầu ma túy gốc thuốc phiện của thế giới, “góp phần” đưa khu vực Lưỡi liềm vàng (gồm các quốc gia Afghanistan, Iran và Pakistan) tiếp tục là một trong những trung tâm điều chế, sản xuất heroin lớn nhất thế giới. Theo ước tính của cơ quan phòng, chống ma túy quốc tế và lực lượng chức năng các nước trên tuyến vận chuyển ma túy có nguồn gốc từ Afghanistan: tính trung bình, mất từ 1 đến 1,5 năm để các chất ma túy có nguồn gốc từ quốc gia này đến được các nước tiêu thụ, tùy thuộc vào khoảng cách. Vì vậy, bất kỳ sự thay đổi nào trong tình hình trồng và mua bán thuốc phiện ở Afghanistan sẽ được phản ánh tại khu vực Trung, Cận Đông và Tây Nam Á vào năm đó và tại châu Âu vào năm tiếp theo.

Lệnh cấm trồng thuốc phiện mà Taliban đưa ra có thể dẫn đến nhiều kết quả trái chiều. Nó có thể làm giảm sản lượng thuốc phiện trong nước, nhưng lại làm gia tăng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo và khả năng người dân bị mất thu nhập từ thuốc phiện chuyển sang các hoạt động bất hợp pháp khác như sản xuất ma túy tổng hợp, trừ khi các loại ma túy thay thế này cũng bị áp dụng lệnh cấm tương ứng. Việc giảm sản lượng thuốc phiện ở Afghanistan cũng có thể dẫn đến việc sản xuất thay thế tại các quốc gia khác, hay việc chuyển đổi từ heroin và thuốc phiện sang các chất ma túy khác như fentanyl (một loại thuốc giảm đau có nguồn gốc từ thuốc phiện, có chức năng tương tự như morphin nhưng hiệu quả hơn nhiều lần).

Như vậy, vấn đề trồng, sản xuất và mua bán trái phép ma túy gốc thuốc phiện ở Afghanistan không chỉ gói gọn trong một quốc gia, mà là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế, tất cả các quốc gia trong khu vực cũng như quốc gia có liên quan. Để hạn chế tới mức thấp nhất việc người dân trồng cây thuốc phiện, sản xuất trái phép các sản phẩm từ thuốc phiện không thể đơn thuần thực hiện bằng một lệnh cấm, mà cần có các giải pháp mang tính toàn diện về phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân. Hơn nữa, ma túy đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu, vì vậy việc giảm sản xuất ma túy gốc thuốc phiện một cách bền vững tại Afghanistan chỉ có thể đạt được nếu có sự chung tay góp sức và hỗ trợ phát triển trong dài hạn của cả cộng đồng quốc tế với kinh nghiệm sẵn có và tiềm lực tài chính dồi dào./.

Nhật Nam