Đẩy mạnh đấu tranh chống tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm

Thời gian qua, tình hình ma túy trên thế giới và trong khu vực diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng, chống ma tuý (PCMT) của nước ta. Trong bối cảnh đó, ngày 09/8/2021, Bộ Công an ban hành Phương án nghiệp vụ số 02 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam. Qua một năm thực hiện, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma tuý đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đề ra nhiều giải pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma tuý từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa.
21/11/2022 | Article Rating

Thực hiện Phương án nghiệp vụ số 02, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an trình Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2021/NĐ-CP, ngày 04/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCMT năm 2021; Nghị định số 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 quy định danh mục các chất ma túy và tiền chất; trình Thủ tướng tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình PCMT giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản chỉ đạo trong công tác PCMT. Đồng thời, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch số 489, ngày 22/11/2021 về tổng rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, kết hợp với rà soát, thống kê đối tượng “ngáo đá” trong toàn quốc; các kế hoạch triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào. Phối hợp với Công an các tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo thực hiện Phương án nghiệp vụ số 02 trên tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam.

Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm tình hình các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, các tụ điểm phức tạp, đối tượng truy nã để tập trung đấu tranh bắt giữ. Cục Cảnh sát ĐTTP về trật tự xã hội đã chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy ban hành hướng dẫn công tác phòng, chống tội phạm hình sự, ma túy của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn; Hướng dẫn tạm thời xử lý tình huống đối tượng “ngáo đá” đang thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý nghiêm việc chấp hành quy định tại cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự không để xảy ra vi phạm pháp luật về ma túy. Công an các địa phương xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để triển khai nghiêm túc, hiệu quả.

Hội nghị song phương cấp Bộ trưởng sơ kết 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an hai nước Việt Nam và Lào về hợp tác PCMT, ngày 26/10/2022.

Tại các tỉnh giáp biên giới, chúng ta thiết lập đường dây nóng trao đổi thông tin kết hợp với hoạt động giao ban định kỳ, điện đàm với lực lượng chức năng nước bạn, qua đó đã xác định tuyến vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia về các điểm tập kết nằm dọc tuyến biên giới rồi vận chuyển vào trong nước tiêu thụ. Công an các địa phương phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan xác định các đường mòn, lối mở mà đối tượng lợi dụng vận chuyển ma túy qua biên giới để có phương án tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ hiệu quả. Trong nội địa, lực lượng công an bám địa bàn triển khai biện pháp đấu tranh “chặn cung, giảm cầu” triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với quy mô lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, các điểm, tụ điểm phức tạp, truy bắt đối tượng truy nã đang lẩn trốn.

Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa các đơn vị, địa phương, đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết các chương trình đã ký kết. Điển hình như Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch phối hợp tập trung đấu tranh giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy tại xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn; Sơ kết công tác phối hợp phòng, chống tội phạm ma túy giữa Công an 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, giữa Công an TP. Hà Nội và Công an tỉnh Hà Nam… Công an các tỉnh giáp Lào triển khai thực hiện cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào năm 2022. Công an tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện Đề án “Xã biên giới sạch về ma túy” tại địa bàn 27 xã biên giới, đến nay bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.

Từ tháng 10/2021 đến nay, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy cả nước đã phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ 24.343 vụ, 36.925 đối tượng, thu giữ 739,1 kg heroin, hơn 2 tấn và gần 3,9 triệu viên ma túy tổng hợp, trên 96 kg thuốc phiện, gần 260 kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan. Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy khởi tố 22.335 vụ, 31.167 bị can. Qua 01 năm thực hiện Phương án nghiệp vụ số 02, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy và Công an các tỉnh, thành phố trọng điểm trên các tuyến tiến hành bắt, vận động đầu thú 239 đối tượng, trong đó phối hợp với lực lượng chức năng của Lào, Campuchia truy bắt, giải về nước 21 đối tượng.

Công an tỉnh Điện Biên bắt, giải về nước Nguyễn Đình Kiên, đối tượng trốn truy nã 07 năm tại Lào, ngày 04/11/2022.

Công an các địa phương trọng điểm trên tuyến chủ động rà soát, đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm mua bán, tàng trữ, chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hoạt động phức tạp, gây bức xúc dư luận tại cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, khu vực giáp ranh, địa điểm công cộng, chung cư, khu nghỉ dưỡng, nơi tổ chức sự kiện có đông người tham gia. Kết quả, đã triệt xóa, vô hiệu hóa, đưa ra khỏi diện 243 điểm, 46 tụ điểm, hiện còn 225 điểm, 14 tụ điểm phức tạp đang được tập trung đấu tranh ngăn chặn. Công an cơ sở nắm địa bàn đấu tranh, xử lý 1.185 vụ, xử lý hình sự 1.997 đối tượng, xử lý hành chính 5.099 đối tượng về hành vi liên quan đến ma túy và các vi phạm pháp luật khác tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, trong đó có nhiều vụ việc phát hiện, bắt giữ xuất phát từ nguồn đơn thư tố giác và kiểm tra hành chính đột xuất.

Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị tuyên phạt 3/4 bị cáo mức án tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về trong nước tiêu thụ, ngày 09/11/2022.

Thực hiện Luật PCMT năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Công an các địa phương tổ chức rà soát, phân loại quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Đối với số người nghiện phát hiện sau ngày 01/01/2022 được thực hiện theo quy định của Luật PCMT và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCMT, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tính đến ngày 14/9/2022, cả nước có 201.594 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (giảm 45.054 người so với năm 2021), 52.903 người sử dụng trái phép chất ma túy, 16.082 người quản lý sau cai, 37.333 người tham gia điều trị thay thế bằng methadone, đồng thời xác định 1.439 đối tượng “ngáo đá”. Hiện cả nước có 2.965 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, trong đó có 2.263 cơ sở y tế cấp xã, 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập có công suất tiếp nhận điều trị phục hồi cho gần 58.000 người.

Dự báo thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy ở nước ta nói chung và trên 4 tuyến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta còn cao, trong khi đó hiệu quả công tác cai nghiện còn thấp, đây cũng là nguyên nhân gây mất ổn định an ninh trật tự. Từ tình hình, kết quả sau một năm thực hiện Phương án nghiệp vụ số 02, Công an các đơn vị, địa phương cần đánh giá kỹ tình hình tội phạm ma túy, nhận định đầy đủ, dự báo vấn đề phức tạp sẽ phát sinh trong tương lai từ đó bổ sung nhiệm vụ, giải pháp. Các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tham mưu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 36/CT-TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Luật PCMT năm 2021, Chương trình PCMT giai đoạn 2021 - 2025.

Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy tập trung đấu tranh bóc gỡ toàn bộ đường dây tội phạm ma túy hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, các điểm tập kết ma túy ở khu vực biên giới; truy bắt đối tượng truy nã; đấu tranh mở rộng các vụ án đã khám phá, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Phối hợp, hiệp đồng tác chiến với Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong đấu tranh ngăn chặn nguồn ma túy tại cửa khẩu, biên giới, trên biển, với tinh thần lấy lực lượng Công an là chủ trì, nòng cốt trong hoạt động PCMT. Ở trong nước, các lực lượng kiên quyết đấu tranh ngăn chặn hoạt động trồng cây có chứa chất ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy.

Các ban, ngành làm tốt công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, khuyến khích cai nghiện tự nguyện; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối, sử dụng các loại hóa chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có liên quan đến tiền chất ma túy. Các lực lượng tăng cường hợp tác quốc tế về PCMT, nhất là với Trung Quốc, Lào, Campuchia trong trao đổi thông tin, phối hợp xác lập chuyên án điều tra chung, bắt giữ đối tượng truy nã lẩn trốn ở mỗi nước, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ phòng, chống tội phạm ma túy.

Kim Long