Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 43 về vấn đề ma túy

Từ ngày 30/10 - 04/11/2022, tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 43 về vấn đề ma túy (ASOD 43) với sự tham dự của 120 đại biểu đại diện Cơ quan phòng, chống ma túy (PCMT) 10 nước ASEAN; 03 nước đối tác đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Nga) và các đối tác quốc tế gồm: Cơ quan PCMT và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Cảnh sát Liên bang Úc. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị do đồng chí Thiếu tướng Đinh Văn Chuyền, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an làm Trưởng đoàn.
21/11/2022 | Article Rating

Hội nghị ASOD 43 diễn ra gồm các phiên họp toàn thể và phiên họp nhóm thảo luận các chuyên đề về giáo dục phòng ngừa; cai nghiện và phục hồi; thực thi pháp luật và nghiên cứu phát triển thay thế cây trồng có chứa chất ma túy. Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Hội nghị tham vấn giữa ASOD 43 với các nước đối tác đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Nga.

Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị ASOD 43 chụp ảnh lưu niệm.

Tại Hội nghị, các đại biểu nhận định tình hình ma túy thế giới và khu vực ASEAN hiện vẫn diễn biến phức tạp. Nguồn cung ma túy tổng hợp (MTTH)  tiếp tục gia tăng. Theo báo cáo của UNODC năm 2021, số lượng methamphetamine bị thu giữ ở khu vực Đông và Đông Nam Á lên tới 172 tấn, trong đó có hơn 1 tỷ viên MTTH (gấp 7 lần so với năm 2011) và khoảng 79 tấn ma túy “đá”. Số lượng heroin thu giữ ở một số nước có dấu hiệu gia tăng như: Malaysia 2,2 tấn, Myanmar bắt giữ 2,5 tấn và Thái Lan 3,5 tấn.

Khu vực Tam giác vàng tiếp tục là điểm nóng về trồng cây thuốc phiện và sản xuất MTTH ở Đông Nam Á và thế giới. Năm 2021, diện tích trồng cây thuốc phiện ở Myanmar tăng thêm 2%, từ 29.500 ha lên 30.200 ha; sản lượng tăng 4%, từ 406,08 tấn lên 423 tấn. Các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 và sự bất ổn chính trị ở khu vực Tam giác vàng để gia tăng hoạt động phạm tội về ma túy. Đáng chú ý là MTTH được sản xuất với số lượng lớn sau đó vận chuyển đến Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam tiêu thụ và đưa đi nước thứ ba đang là vấn đề nhức nhối của ASEAN. Tình trạng lạm dụng MTTH và các chất kích thích ở một bộ phận giới trẻ đang trực tiếp ảnh hưởng đến hội nhập kinh tế và gây bất ổn cho khu vực. Năm 2021, theo báo cáo của Indonesia có hơn 3,6 triệu người sử dụng ma túy, Campuchia có hơn 16.000 người sử dụng ma túy, Lào có hơn 90.000 người sử dụng ma túy.

Xu hướng mua bán, phân phối ma túy qua các trang mạng trực tuyến, sử dụng thanh toán bằng tiền ảo (bitcoin, eherum) trong giới trẻ dần phổ biến ở Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Tuy nhiên, hiện tại các nước đang còn hạn chế trong việc điều tra vụ ma túy qua mạng. Phương thức hoạt động của đối tượng ngày càng tinh vi như cất giấu ma túy trong khoảng trống của tàu chở hàng, va ly hành lý, trong vỏ gói trà, đế giày dép… để vận chuyển qua biên giới.

Trước tình hình trên, Cơ quan PCMT các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực góp phần đẩy lùi vấn nạn ma túy được ghi nhận tại Hội nghị lần này. Các nước phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác ASEAN bảo vệ cộng đồng chống ma túy trái phép giai đoạn 2016 - 2025, Kế hoạch hành động ASEAN chống sản xuất, mua bán ma túy bất hợp pháp tại khu vực Tam giác vàng 2020 - 2022. Năm 2021, các nước tích cực tham gia hợp tác đa phương thông qua khuôn khổ hợp tác và các cuộc họp thường niên như: Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 7 qua hình thức trực tuyến do Campuchia chủ trì, Hội nghị ASOD 42 qua hình thức trực tuyến do Lào chủ trì, Hội thảo mạng lưới giám sát ma túy lần thứ 12 và 13 theo hình thức trực tuyến do Thái Lan tổ chức.

Các nước trong khối tiếp tục triển khai dự án xây dựng Cổng thông tin giáo dục phòng ngừa ma túy ASEAN với nhiều thông tin liên quan được cập nhật tại trang web: www.aseanpde.org. Hiện trang web đăng tải nhiều tài liệu, video, clip, phim ngắn về công tác PCMT của  các nước Singapore, Thái Lan, Philippines. Các nước được khuyến khích chia sẻ thông tin, tài liệu có liên quan làm phong phú thêm nội dung nhằm tạo cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên về giáo dục, phòng ngừa ma túy trong khu vực. Năm 2022, ASEAN xuất bản Báo cáo giám sát ma túy ASEAN năm 2021, qua đó đánh giá tình hình ma túy trong khu vực, nhận định xu hướng mới và ghi nhận nỗ lực của toàn khối trong công tác PCMT. Lễ công bố Báo cáo được tổ chức tại phiên khai mạc Hội nghị ASOD 43.

Tại Hội nghị này, các nước ghi nhận nỗ lực của khối trong thời gian qua và nhất trí đẩy mạnh biện pháp tiếp cận cân bằng trong giảm cung và giảm cầu ma túy, nâng cao hiệu quả chia sẻ thông tin, kinh nghiệm PCMT giữa các nước. Cụ thể, Bản mô tả chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác ASEAN về cai nghiện ma túy và phục hồi do Philippines chủ trì xây dựng dự thảo, sau đó các nước sẽ có ý kiến tham gia trước khi được thông qua tại Hội nghị ASOD 44, dự kiến do Myanmar tổ chức vào năm 2023. Hội nghị thông qua Kế hoạch hành động của Mạng lưới giám sát ASEAN 2022 - 2023, theo đó Malaysia sẽ tổ chức hội thảo lần thứ 14, Thái Lan tổ chức hội thảo lần thứ 15 để dự thảo, chỉnh sửa và thông qua Báo cáo giám sát ma túy ASEAN 2022. Báo cáo này sẽ được thông qua tại Hội nghị ASOD 44. Các nước thống nhất thông qua Cảnh sát Liên bang Úc trở thành đối tác đối thoại của Hội nghị ASOD. Hội nghị tham vấn ASOD - Úc sẽ được tổ chức liền kề với Hội nghị ASOD trong thời gian tới.

          Tại Hội nghị, đại diện của Myanmar, Thái Lan, Lào, UNODC kêu gọi các nước trong khối tăng cường công tác kiểm soát nhằm ngăn chặn tiền chất thất thoát vào các “công xưởng ma túy” ở khu vực Tam giác vàng. Singapore đề nghị Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm, tác động từ việc cho phép sử dụng cần sa vào mục đích y tế, giải trí. UNODC đề nghị các nước tăng cường lực lượng hành pháp tại khu vực biên giới, nhất là dọc tuyến sông Mê Công, đẩy mạnh chia sẻ thông tin, giáo dục phòng ngừa ở khu vực Tam giác vàng. Philippines, Indonesia, Thái Lan đề nghị Ban Thư ký ASEAN phối hợp với các nước dự thảo Bộ chỉ dẫn kỹ thuật, trong đó nêu cụ thể vấn đề xây dựng triển khai dự án hợp tác nhằm kêu gọi tài trợ phục vụ công tác PCMT trong khu vực từ các nước đối tác đối thoại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga.

Tại Hội nghị này, đồng chí Thiếu tướng Đinh Văn Chuyền, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại phiên họp toàn thể thể hiện quan điểm, lập trường của Việt Nam trong công tác PCMT, những kết quả nổi bật của lực lượng chức năng trong đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, đồng thời ủng hộ quan điểm, lập trường của ASEAN vì một cộng đồng không ma túy. Đoàn đại biểu nước ta tham dự phiên chào xã giao Ngài Tổng Thư ký, Bộ Nội vụ Malaysia và tham dự các phiên họp nhóm, họp tổ công tác, phiên tham vấn với các nước đối tác đối thoại. Đoàn Việt Nam gặp gỡ, giao lưu với Ban Thư ký và đoàn đại biểu các nước tham dự Hội nghị qua đó bày tỏ sự cảm ơn các nước đã hỗ trợ công tác PCMT của nước ta những năm qua và mong muốn thắt chặt mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Nguyễn Hiếu