Một số giải pháp trọng tâm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong thời gian tới

Sau 03 năm thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị (Khóa XII), công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau, cần khẩn trương khắc phục trong thời gian tới.
18/11/2022 | Article Rating

Theo đó, sau 03 năm thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khẩn trương, nghiêm túc; tạo được sự chuyển biến tích cực trong cả nhận thức và hành động, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Đặc biệt, công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy được triển khai quyết liệt với phương châm “phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa”, “triệt phá toàn bộ đường dây, bắt giữ đối tượng chủ mưu cầm đầu”. Trong đó, lực lượng Công an đã phát huy vai trò chủ trì, nòng cốt; phối hợp với các lực lượng chuyên trách thuộc Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển tăng cường công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy. Số vụ, số đối tượng phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tăng qua từng năm và tăng đáng kể so với giai đoạn trước khi thực hiện Chỉ thị 36 (tăng gần 17% số vụ và hơn 14% số đối tượng); triệt phá nhiều đường dây, tổ chức tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia, bắt giữ nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đối tượng truy nã về ma túy lẩn trốn ở nước ngoài. Qua đó, đã góp phần bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân và phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Ngày 15/10/2022, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy triệt phá đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ 04 đối tượng, thu 58 kg ma túy dạng đá, 40 bánh heroin.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình thực hiện Chỉ thị số 36 vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Việc triển khai ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn hình thức, mới chỉ dừng lại ở việc quán triệt, ban hành kế hoạch thực hiện nhưng thiếu sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ, chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, khoa học. Công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng của các lực lượng chức năng ở một số địa phương (cấp cơ sở) chưa được tiến hành thường xuyên, sâu sát, chặt chẽ. Kết quả phát hiện, bắt giữ các loại tội phạm về ma túy tuy cao nhưng chưa tương xứng với thực tiễn tình hình; chưa giải quyết được một cách căn bản, hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới tại một số địa bàn trọng điểm.

Bên cạnh đó, các mặt công tác như: tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy; công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện, giáo dục dạy nghề, hỗ trợ, quản lý người nghiện sau cai, người sử dụng trái phép chất ma túy; công tác rà soát, thống kê về phòng, chống ma túy; xã hội hóa, huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực địa phương phục vụ công tác phòng, chống ma túy ở một số nơi,  trong một số thời điểm còn nhiều sơ hở, hạn chế và chưa thực sự chủ động dẫn đến hiệu quả chưa cao. Do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm và tệ nạn ma túy, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ANTT tại các địa phương.

Sở dĩ còn những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là cấp ủy, chính quyền một số đơn vị địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống ma túy; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ; còn có tư tưởng coi đó là trách nhiệm riêng nên “khoán trắng” cho lực lượng Công an và một số ngành chức năng. Đội ngũ nhân lực làm công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy ở một số đơn vị địa phương còn thiếu; năng lực trình độ không đồng đều. Trong công tác đấu tranh, lực lượng chuyên trách tại một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, vì vậy kết quả đấu tranh với tội phạm ma túy chưa tương xứng với tình hình thực tế. Bên cạnh đó một bộ phận người dân ở các địa bàn phức tạp, vùng sâu, vùng xa, miền núi khó khăn về kinh tế, trình độ văn hóa nhận thức còn hạn chế nên dễ bị tội phạm lợi dụng lôi kéo, mua chuộc, tiếp tay cho các hành vi phạm tội như tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy.

Bên cạnh đó, nước ta đang phải chịu những tác động trực tiếp của tình hình ma túy thế giới và khu vực; các đối tượng phạm tội về ma túy hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh; triệt để lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý nhà nước về ANTT, quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để gia tăng các hoạt động phạm tội về ma túy. Hơn nữa, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 mới có hiệu lực nên bước đầu nhiều địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai, dẫn đến kết quả một số mặt công tác chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thành ủy Phan Rang- Tháp Chàm tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 36 và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Từ việc chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 36; đồng thời nhận định tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, Đảng ủy Công an Trung ương đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới, cụ thể là: 

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Kế hoạch của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 36; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, triển khai thực hiện có hiệu quả 15 dự án thuộc chương trình; chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy với các nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy.

2. Tập trung thực hiện tốt các mặt công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tăng cường quản lý đối tượng liên quan đến ma túy; thực hiện hiệu quả công tác giải quyết điểm, tụ điểm và chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì của lực lượng Công an, trực tiếp là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy từ trung ương đến địa phương; thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống ma túy trên tuyến, địa bàn trọng điểm, bắt giữ cả đường dây, đối tượng cầm đầu; ngăn chặn không để tội phạm ma túy lợi dụng Việt Nam làm địa bàn sản xuất, tàng trữ, trung chuyển ma túy.

3. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về ANTT, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; thường xuyên rà soát, thống kê, đánh giá chính xác tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân phục vụ công tác phòng, chống ma túy. Chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện, công tác cai nghiện ma túy và quản lý người nghiện sau cai.

4. Cùng với việc kiện toàn, nâng cao năng lực; ưu tiên đầu tư nguồn lực, kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy, Đảng ủy Công an Trung ương cũng chỉ đạo cần tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, nhất là với các nước láng giềng. Đẩy mạnh hợp tác với các nước để ngăn chặn tình trạng vận chuyển ma túy qua đường hàng không về Việt Nam và ngược lại; phối hợp xác minh, bắt giữ các đối tượng phạm tội về ma túy đang hoạt động, đối tượng truy nã đang lẩn trốn ở mỗi nước đề chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa các loại tội phạm về ma túy./.

Nhật Nam