Qua thống kê và thông qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện các trường hợp vi phạm chủ yếu là lái xe kinh doanh vận tải hoạt động đường dài (chiếm 51%); lái xe ô tô con và lứa tuổi thanh niên chiếm 49%. Các loại ma túy được phát hiện trong cơ thể người vi phạm chủ yếu là Methamphetamin, Amphetamin và một số loại ma túy thuộc nhóm Opiate (có nguồn gốc chiết xuất từ cây thuốc phiện). Trong khi ma túy tổng hợp dạng Amphetamin rất nguy hiểm, người sử dụng bị ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, gây ảo giác, dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức, hành động trong trạng thái tinh thần kích động mạnh. Phương tiện do họ điều khiển chủ yếu là các xe có tải trọng lớn, chạy đường dài, xe khách chở nhiều người hoặc xe con có gia tốc lớn nên khi tai nạn thường gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vụ việc xảy ra hồi 18h30 ngày 03/04/2022, xe ô tô 7 chỗ ngồi biển kiểm soát 43A-505.82 do tài xế Lương Duy Tân, SN 1980, trú tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng điều khiển khi đang lưu thông với tốc độ rất nhanh trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thì bất ngờ mất lái va chạm với xe ô tô 16 chỗ ngồi và tiếp tục lao lên vỉa hè, đâm vào tiệm bánh mì Đồng Thạnh (số 60A, Điện Biên Phủ). Vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 6 người bị thương, trong đó có tài xế, 3 người lớn và 2 cháu nhỏ. Rất may các nạn nhân sau khi được cấp cứu đã không nguy hiểm tới tính mạng. Kết quả xét nghiệm nhanh, nam tài xế dương tính với ma túy và khai nhận có sử dụng rượu bia trước đó. Ngày 12/7/2022, Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai vụ lái xe gây tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thu hút sự chú ý của dư luận. Tại phiên tòa, lái xe Nguyễn Trần Hoàng Phong, 34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp khai, ngày 30/01/2020 đã dùng giấy phép lái xe giả thuê xe Mercedes tự lái chở theo 4 người đi từ phường 2, quận Tân Bình đến trước số nhà 123 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận thì gây tai nạn. Xe của Phong mất lái lao sang trái làn đường, tông vào xe máy do ông Lê Mạnh Thường (tài xế Grap) điều khiển, chở chị Nguyễn Thị Bích Hường (tiếp viên hàng không) chạy chiều ngược lại. Hậu quả làm ông Thường tử vong sau khi đưa đi cấp cứu tại bệnh viện; chị Hường bị đa chấn thương, mang thương tật 79%. Phong đến cơ quan công an đầu thú và có kết quả kiểm tra dương tính với chất ma túy. Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận tuyên phạt Phong 7 năm 6 tháng tù; bồi thường cho các nạn nhân gần 2 tỉ đồng.
Hiện trường vụ tai nạn do tài xế tài xế Lương Duy Tân gây ra sau khi sử dụng trái phép chất ma túy
Nguyên nhân của tình trạng còn nhiều lái xe sử dụng ma túy, chất gây nghiện trong thời gian qua là do nhiều lái xe nghiện ma túy từ trước, không có ý thức tuân thủ pháp luật, cố tình vi phạm mặc dù biết hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội. Một số đối tượng là thanh thiếu niên do ăn chơi, đua đòi, thích tìm cảm giác mạnh nên đã sử dụng ma túy trước khi điều khiển xe. Hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải còn hạn chế, một số doanh nghiệp vận tải buông lỏng vấn đề này, không thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát lái xe, chỉ chú trọng vào lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh. Trong khi hiện nay, pháp luật đã quy định nhiều nội dung về trách nhiệm của chủ phương tiện về quản lý, tuyển dụng, tập huấn lái xe, theo dõi thiết bị giám sát hành trình hoặc phải có bộ phận theo dõi an toàn giao thông.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương giao thông đường bộ đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong
Mặc dù tình trạng lái xe vi phạm về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra rất đáng báo động, tuy nhiên các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm nêu trên còn thiếu hoặc chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Khoản 3, Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: Đối với các trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, tước giấy phép lái xe đối đa lên tới 24 tháng. Mức phạt tiền có thể lên tới 40 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô dương tính với chất ma túy; 8 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) dương tính với chất ma túy.
Tuy nhiên, các quy định liên quan đến đào tạo, cấp, đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải hiện nay lại chưa có quy định về việc thu hồi giấy phép lái xe đối với các trường hợp vi phạm điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc bị phát hiện nghiện ma túy. Thông tư liên tịch số 25 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe cũng chỉ quy định các trường hợp khi khám sức khỏe mà dương tính với chất ma túy thì không đủ điều kiện lái xe theo quy định. Vì vậy, các trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe đối đa đến 24 tháng, chưa có quy định cụ thể nào về thu hồi, tịch thu giấy phép lái xe hoặc không cấp lại vĩnh viễn đối với các trường hợp vi phạm.
Trước thực trạng nêu trên, giải pháp trước mắt lực lượng Cảnh sát giao thông cần phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền việc chấp hành quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân, tập trung vào người điều khiển phương tiện giao thông như: lái xe khách, xe tải, xe đầu kéo chạy đường dài... Tăng cường phát hiện, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, tái phạm để tăng tính răn đe và phòng ngừa chung. Công an các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra đôn đốc cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; duy trì và thực hiện nghiêm túc các kế hoạch của Bộ Công an về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Trong đó chú trọng công tác điều tra cơ bản, nắm chắc các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là vận tải đường dài, có số lượng đầu xe lớn; hoạt động trên địa bàn có nhiều nhà hàng, quán bar, vũ trường, khu vực có nhiều người nghiện, có tình hình ma túy phức tạp… Tăng cường kiểm soát và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị để phát hiện hành vi vi phạm đối với người điều khiên xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Trường hợp phát hiện lái xe dương tính với chất ma túy thì thông qua biện pháp nghiệp vụ, tiếp tục kiểm tra, xác minh để phát hiện, thu thập tài liệu, vật chứng có liên quan để xử lý (có thể xử lý hình sự) theo quy định pháp luật. Quá trình xử lý cần kiểm tra, rà soát kỹ trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, trong hệ thống cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng và thông báo cho chính quyền địa phương (nơi lái xe cư trú) tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Về lâu dài, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020) theo hướng: Thu hồi giấy phép lái xe đối với những người nghiện ma túy, dương tính với chất ma túy khi bị phát hiện điều khiển phương tiện giao thông; chỉ tổ chức cho học lại và cấp giấy phép lái xe mới khi họ đã đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của ngành Y tế. Bộ Y tế cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp luật mới quy định về khám sức khỏe đối với lái xe theo hướng: Bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người nghiện ma túy, dương tính với chất ma túy là trường hợp không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện, phải thu hồi giấy phép lái xe. Đồng thời quy định rõ những trường hợp sau khi cai nghiện hoặc bị phát hiện dương tính với chất ma túy phải theo dõi trong khoảng thời gian nhất định và kiểm tra sức khỏe không có chất ma túy trong cơ thể thì mới đủ điều kiện để tham gia học, cấp lại giấy phép lái xe.
Cùng với đó, ngành Giao thông vận tải cần khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe; ngành Y tế xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe và kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Công an để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát hiện, xử lý người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy để góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng./.
Minh Anh