Việt Nam - Thái Lan tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy

Thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thái Lan về hợp tác kiểm soát ma túy, các chất hướng thần và tiền chất (ký năm 1998); được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, vừa qua đoàn công tác của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam do đồng chí Thiếu tướng Đinh Văn Chuyền, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị song phương Việt Nam - Thái Lan lần thứ 14 về hợp tác phòng, chống ma túy, diễn ra tại tỉnh Pạ-chuột-ki-ri-khăn, Vương quốc Thái Lan.
04/10/2022 | Article Rating

Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo kết quả triển khai các hoạt động hợp tác về phòng, chống ma túy giữa Việt Nam - Thái Lan và những kết quả đạt được từ sau Hội nghị song phương lần thứ 13 (diễn ra tại Việt Nam), đoàn đại biểu 2 nước đã thông báo cho nhau về tình hình, kết quả công tác phòng, chống ma túy của mỗi nước. Đại biểu đại diện đoàn Thái Lan cho biết: Trong những năm qua, tình hình ma túy tại Thái Lan tiếp tục diễn biến phức tạp, loại ma túy chủ yếu là hồng phiến (YABA) và ma túy đá. Thái Lan hiện có khoảng trên 1 triệu người người sử dụng ma túy, trong đó có hơn 30.000 người nghiện đã được điều trị trong năm 2022. Trong các loại ma túy, hồng phiến là loại ma túy được sử dụng cao nhất, chiếm tỷ lệ trên 75%. Người sử dụng ma túy chủ yếu ở độ tuổi từ 18-34, chiếm tỷ lệ 57% trong tổng số người sử dụng ma túy toàn quốc.

Đoàn đại biểu 2 nước tham dự Hội nghị song phương Việt Nam – Thái Lan về hợp tác phòng, chống ma túy lần thứ 14

Với đặc điểm là một trong những quốc gia nằm tiếp giác khu vực Tam Giác Vàng, Thái Lan đang phải đối mặt với thực trạng là nước nằm trên tuyến đường trung chuyển ma túy quốc tế từ khu vực này đi các nước khác và các khu vực trên thế giới. Ma túy được các đường dây tội phạm vận chuyển vào Thái Lan theo 3 tuyến chính gồm: (1) Khu vực Tam Giác Vàng vào phía Bắc Thái Lan (các tỉnh Chiềng Mai, Chiềng Rai), được đưa sâu vào nội địa trước khi đến Thủ đô Băng Cốc; (2) Khu vực Tam Giác Vàng qua Myanmar, vào phía Tây Thái Lan (tỉnh Tạc) đến Thủ đô Băng Cốc; (3) Khu vực Tam Giác Vàng đi qua Lào, vào phía Đông Bắc Thái Lan (tỉnh Nỏng Khai, Lơi, Bưng Kan) đến Thủ đô Băng Cốc. Ma túy được tập kết tại Băng Cốc và các tỉnh lân cận, sau đó một phần được tiêu thụ trong nước, phần lớn còn lại được vận chuyển ra nước ngoài theo đường bộ sang Malaysia, Indonesia và theo hướng biển qua các cảng ở Băng Cốc, cảng Lẻm-cha-băng đi các nước Úc, Niu-di-lân, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và đi các nước Châu Âu.

Về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chủ yếu là vận chuyển ma túy theo đường tiểu ngạch vào Thái Lan tập kết, sau đó cất giấu ma túy lẫn với hàng hóa, nông sản hoặc các khoang kín của phường tiện để đưa đi tiêu thụ. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường xuyên sử dụng nhiều phương tiện, đi thành đoàn, có xe dò đường và thường xuyên liên lạc để tránh các trạm, chốt kiểm soát ma túy của lực lượng Cảnh sát. Năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 ở Thái Lan vẫn diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ trên 346 nghìn vụ với trên 360 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 597 triệu viên hồng phiến (tăng 61% so với năm 2020), trên 450 nghìn viên Ecstasy, 22 tấn ma túy đá (tăng 20%), 3,37 tấn heroin (tăng 85%), 67,8 tấn cần sa (tăng 295%), 1,3 tấn ketamin.

Tuy nhiên, trên cơ sở 24 luật và các quy định liên quan, Thái Lan đã xây dựng Bộ luật về phòng, chống ma túy, có hiệu lực từ ngày 09/11/2021, trong đó có việc đưa cây cần sa ra khỏi danh mục các chất ma túy. Tại Thái Lan, cần sa được quản lý như một loại thảo dược, người dân được quyền đăng ký, xin phép trồng cây cần sa để sử dụng vào mục đích y tế. Việc mua bán, vận chuyển cần sa qua biên giới sẽ chỉ vi phạm quy định Hải quan với hình phạt thấp hơn so với tội phạm ma túy. Văn phòng Ủy ban kiểm soát ma túy Thái Lan đang xây dựng dự thảo luật kiểm soát việc trồng, mua bán cần sa, quy định về độ tuổi, giới tính của người có thể sử dụng cần sa. Mục tiêu là để người dân có thể tiếp cận và sử dụng lợi ích của cần sa trong lĩnh vực y tế và không để cần sa bị lợi dụng vào các mục đích bất hợp pháp.

Tại Hội nghị, đoàn đại biểu hai nước đã trao đổi, thảo luận về một số hoạt động, kết quả hợp tác quan trọng mà hai bên đã đạt được từ sau Hội nghị song phương lần thứ 13; thảo luận về nội dung hợp tác giảm cầu, hợp tác hành pháp và trao đổi phương hướng hợp tác đấu tranh phòng, chống ma túy giữa hai nước trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Trong công tác trao đổi thông tin, hai bên thống nhất duy trì và phát huy hiệu quả đường dây nóng đã được thiết lập; cử cán bộ trực tiếp là đầu mối liên lạc giữa Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Tham tán công sứ về ma túy (Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội). Trong công tác điều tra, tùy từng trường hợp cụ thể, hai bên báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thành lập tổ công tác chung trực tiếp làm việc tại hiện trường để tiến hành điều tra chung, thẩm vấn hoặc tổ chức các cuộc họp trực tuyến chia sẻ thông tin kịp thời, hiệu quả về các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia; phối hợp điều tra mở rộng, thu thập các chứng cứ có liên quan nhằm triệt phá toàn bộ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy, truy bắt đối tượng truy nã lẩn trốn trên lãnh thổ của nhau. Trên thực tế, được sự cho phép của lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam, hiện C04 đang tham gia chuyên án do Cảnh sát Thái Lan thực hiện; tổ chức xác minh, cung cấp thông tin về một số đối tượng người Việt Nam có liên quan đến đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia liên quan đến hai nước Thái Lan và Lào.

Đoàn đại biểu Việt Nam thăm và làm việc với Sư đoàn Cảnh sát biên giới, Cảnh sát hoàng gia Thái Lan

Đối với công tác giám định ma túy, hiện Thái Lan phát hiện nhiều loại ma túy mới, cả dạng viên và dạng bột. Kết quả giám định phát hiện thành phần các loại ma túy này gồm nhiều chất ma túy khác nhau, điển hình như bột trà sữa có thành phần chính là Diazepam và các chất ma túy khác như Ketamin; ma túy cà phê (đóng gói trong bao bì cà phê), nước vui có thành phần chính là MDMA (Ecstasy). Phía Thái Lan đề nghị Việt Nam chia sẻ thông tin, cung cấp kết quả giám định các vụ việc tương tự nếu có; đồng thời thường xuyên chia sẻ thông tin và kết quả giám định, truy nguyên nguồn gốc ma túy trong các vụ án lớn mà phía Việt Nam phát hiện, bắt giữ nhằm xác định có hay không mối liên kết giữa các đường dây tội phạm ma túy ở Việt Nam, Thái Lan và trong khu vực.

Hai bên cũng thống nhất tăng cường trao đổi thông tin tiền xuất khẩu các loại tiền chất, hóa chất bao gồm các chất thuộc danh mục quản lý theo hệ thống thông báo tiền xuất khẩu trực tuyến (PEN-Online) và nằm ngoài danh mục thông qua hệ thông báo cáo của Trung tâm điều phối sông Mê Công an toàn về kiểm soát ma túy (Trung tâm SMCC). Phía Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong nước để phát hiện các lô hàng hóa là caffein xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thông báo cho Thái Lan cũng như các nước có liên quan để phối hợp giám sát. Đối với việc triển khai Trung tâm SMCC giữa 6 nước (Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) giai đoạn 2019-2022; được sự cho phép của Chính phủ, Bộ Công an Việt Nam, hiện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang tiến hành hoàn thiện trụ sở để đón đại biểu các nước sang làm việc trong Quý I/2023.

Bên lề Hội nghị, Đoàn đại biểu Việt Nam đã thăm và làm việc tại Trung đoàn huấn luyện không quân, thuộc Sư đoàn Cảnh sát biên giới, Tổng tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Năm 2023 theo thứ tự luân phiên, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà chủ trì tổ chức Hội nghị song phương Việt Nam - Thái Lan về hợp tác phòng, chống ma túy lần thứ 15./.

Nhật Nam