Tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy giữa Việt Nam và Singapore

Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 22/9/2022, đồng chí Đại tá Phạm Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) đã có buổi làm việc với bà Le-Du-San, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội nhằm cung cấp thông tin, trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác hợp tác phòng, chống ma túy giữa hai nước. Tham dự buổi làm việc có đại diện một số đơn vị thuộc C04, Cục Đối ngoại, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an).
26/09/2022 | Article Rating

Tại buổi làm việc, bà Le-Du-San, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội cho biết: Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đang diễn ra tại New York (Mỹ) với nhiều phiên họp. Trong đó tại phiên họp về vấn đề ma túy, nhóm một số quốc gia dự kiến trình lên Đại hội đồng nghị quyết do họ soạn thảo kêu gọi các quốc gia thành viên bỏ hình phạt tử hình với tội phạm ma túy. Đây là vấn đề không mới, đã được đưa ra trong nhiều năm, nhưng chưa được các quốc gia thành viên thông qua. Đối với Singapore, quan điểm của quốc đảo Sư tử là mỗi quốc gia có quyền tư pháp của mình và không nhất trí nội dung như dự thảo nghị quyết đã đề ra. Đồng thời phản đối ý tưởng không hình sự hóa vấn đề ma túy mà một số nước đang vận động, kêu gọi thực hiện. Đối với vấn đề này, Ngoại trưởng Singapore đã có thư gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam để thông tin, bày tỏ quan điểm và rất vui mừng vì hai nước có chung mục tiêu xây dựng một khu vực ASEAN không ma túy.

Đồng chí Đại tá Phạm Văn Long, Phó Cục trưởng C04 làm việc với Bà Le-Du-San, Bí thư   Thứ nhất Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội về công tác hợp tác quốc tế   phòng, chống ma túy

Cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề ma túy tại Singapore, bà Le-Du-San cho biết: Tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở nước này phần lớn đều xuất phát từ khu vực Tam giác vàng, qua Malaysia vào Singapore. Hai năm gần đây, các lực lượng thực thi pháp luật nước này bắt giữ số lượng ma túy ít hơn so với những năm trước do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng số người sử dụng ma túy dưới 30 tuổi tăng lên 34%; giá ma túy cũng tăng do nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, sau khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, hoạt động mua bán, sử dụng ma túy có dấu hiệu gia tăng. Hai phương thức phạm tội phổ biến được phát hiện ở Singapore là: các băng nhóm tội phạm sử dụng thiết bị bay (nhất là thiết bị bay không người lái) để vận chuyển ma túy và dấu ma túy trong các sản phẩm nông nghiệp để mua bán bất hợp pháp. Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Singapore mong muốn Đại tá Phạm Văn Long chia sẻ quan điểm và một số thông tin liên quan đến tình hình tội phạm ma túy ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, đồng chí Đại tá Phạm Văn Long, Phó Cục trưởng C04 cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Đại sứ quán Singapore đối với công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam, đồng chí cho biết: Do ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình thế giới và khu vực, tình hình ma túy tại Việt Nam từ năm 2021 đến nay vấn tiếp tục diễn biến phức tạp và tiểm ẩn nhiều yếu tố khó lường; đặt ra nhiều thách thức, khó khăn đối với công tác phòng, chống ma túy. Trước tình đó, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác phòng, chống ma túy; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia với mục tiêu từng bước ngăn chặn, kiềm chế, đầy lùi ma túy; thực hiện mục tiêu chung xây dựng khu vực ASEAN không có ma túy như đã cam kết.

Quan điểm của Việt Nam là cương quyết không hợp pháp hóa chất ma túy; quyết tâm không để trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế; thực hiện hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm ma túy thông qua hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính… và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Việt Nam không hình sự hóa các quan hệ dân sự; nhưng cũng kiên quyết đấu tranh, xử lý vấn đề tội phạm ma túy – một trong những loại tội phạm nguy hiểm, là nguyên nhân của nhiều loại tội phạm khác. Đối với tệ nạn ma túy (vấn đề người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy), pháp luật Việt Nam thể hiện nguyên tắc nhân đạo khi cho họ được chủ động lựa chọn, tham gia các hình thức cai nghiện và tổ chức quản lý để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của ma túy đối với cá nhân, gia đình.

Chính phủ, Bộ Công an Việt Nam cũng luôn coi trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế cả về đa phương và song phương; đặc biệt coi trọng hợp tác với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Singapore thông qua các cơ chế hợp tác: cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng  ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD), Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy (ASOD); các sáng kiến, tổ công tác ASEAN về phòng, chống ma túy. Đặc biệt thời gian gần đây lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước trong khu vực (Lào, Campuchia, Phi-líp-pin…) triển khai chuyên án chung đấu trang triệt phá các đường dây ma túy xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã về ma túy lẩn trốn trên lãnh thổ của nhau.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Đại tá Phạm Văn Long, Phó Cục trưởng C04 và bà Le-Du-San, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội thống nhất sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền của hai nước tiếp tục củng cố và đẩy mạnh các nội dung, hoạt đông hợp tác về phòng, chống ma túy trong cơ chế hợp tác đa phương ASEAN hiện có, ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tư pháp, xây dựng thể chế phòng, chống ma túy; nghiên cứu triển khai các sáng kiến phòng, chống ma túy, hỗ trợ các nguồn lực về trang bị, tổ chức khóa tập huấn nâng cao nghiệp vụ phòng, chống ma túy, đặc biệt tại các sân bay, cảng biển. Với tư cách là quốc gia phát triển, có trình độ khoa học công nghệ hiện đại, đề nghị phía Singapore quan tâm, hỗ trợ nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trong công tác kiểm soát việc vận chuyển ma túy quả đường chuyển phát nhanh, hàng không và vận chuyển quốc tế logistics; kinh nghiệm trong phát hiện, bắt giữ các đường dây vận chuyển ma túy có sử dụng công nghệ cao (dùng tiền ảo, mạng xã hội, mạng chìm…). Tiến tới lực lượng chức năng 2 nước sẽ tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, xác lập chuyên án chung để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, bảo đảm an ninh trật tự của mỗi quốc gia và trong khu vực./.

 Nhật Nam