Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia trong khu vực Đông Nam Á

Tội phạm ma túy đang ngày càng nổi lên là một mối đe dọa an ninh phi truyền thống, không một quốc gia nào có thể một mình đối phó hiệu quả với tội phạm này. Đứng trước vấn đề đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với tội phạm ma túy, đặc biệt là với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
21/09/2022 | Article Rating

Trong những năm qua, tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực luôn có chiều hướng gia tăng. Cùng với sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại ma túy tổng hợp (MTTH), chất hướng thần có xu hướng gia tăng ở hầu hết các quốc gia, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất khó kiểm soát. Tại khu vực ASEAN, sự hình thành Cộng đồng chung và việc Chính phủ các quốc gia đẩy mạnh ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những chính sách thông thoáng sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội, nhưng cũng bị tội phạm ma túy triệt để lợi dụng.

Đồng chí Đại tá Phạm Văn Long, Phó Cục trưởng C04 làm việc với Đoàn đại biểu Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) về tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm ma túy qua biên giới

Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã phối hợp với các quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippin…) đã liên tục triệt phá thành công nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, thu giữ số lượng rất lớn chất ma túy các loại, trong đó chủ yếu là methamphetamine, heroin và ketamine. Điển hình như vụ ngày 23/3/2019, từ nguồn tin của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an Việt Nam) cung cấp, Cơ quan phòng, chống ma túy Phi-líp-pin  (PDEA) đã phát hiện, bắt giữ khẩn cấp tàu biển mang tên Callao Bridge vận chuyển trái phép chất ma túy từ Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) tới cảng công-ten-nơ quốc tế Malia. Khám xét con tàu trên, cảnh sát Phi-líp-pin thu giữ tổng cộng 276 kg ma túy tổng hợp dạng đá (chứa trong 12 bao tải, trị giá khoảng 36 triệu USD). Ngay sau vụ bắt giữ, Tổng thư ký PDEA đã gửi thư cảm ơn đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam và lực lượng Cảnh sát phòng, chống ma túy Việt Nam đã hỗ trợ PDEA trong các chiến dịch ngăn chặn ma túy bất hợp pháp. Mới đây nhất, sau gần 3 năm phối hợp, Cảnh sát Việt Nam và Cảnh sát Hàn Quốc đã tiến hành bắt giữ, trao trả thành công một trong những trùm ma túy khét tiếng nhất khu vực Đông Nam Á. Cụ thể nghi phạm họ Kim, 47 tuổi là người Hàn Quốc và nằm trong nhóm đối tượng truy nã đỏ của Interpol. Kim bị Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (NPA) cáo buộc đã buôn bán ma túy bất hợp pháp lên tới 7 tỷ won (tương đương 5,3 triệu USD) và cầm đầu đường dây ma túy với gần 20 đầu mối. Khi bị truy nã quốc tế, đối tượng đã lẩn trốn tại nhiều quốc gia trong khu vực trước khi bị Cảnh sát Việt Nam bắt giữ tại TP Hồ Chí Minh ngày 17/7/2022. Ngày 19/7/2022, trùm ma túy người Hàn Quốc đã được dẫn độ về nước để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật của xứ sở Kim Chi.

Cơ quan phòng, chống ma túy Phi-líp-pin phát hiện, bắt giữ đường dây tội phạm vận chuyển trái phép 276 kg ma túy tổng hợp (dạng đá) từ nguồn tin co Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam cung cấp

    Thống kê các vụ bắt giữ tội phạm ma túy xuyên quốc gia tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy: Nguồn ma túy chủ yếu từ Lào, Campuchia qua tuyến biên giới đường bộ vận chuyển vào Việt Nam, một phần ma túy được tiêu thụ trong nước còn một phần lớn được vận chuyển đi nước thứ ba như Úc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Phi-lip-pin… Đối tượng cầm đầu chủ yếu là người Hoa hoặc người gốc Hoa, lợi dụng Việt Nam (chủ yếu là các tỉnh phía Nam) làm địa bàn tập kết ma túy để vận chuyển đi nước thứ ba, với thủ đoạn nhờ một số đối tượng người Việt Nam đứng tên thuê các kho bãi để thành lập các cơ sở sản xuất, ngụy trang hoạt động phạm tội ma túy; giấu ma túy  trong các hàng hóa là trà, băng keo nhựa, hạt nhựa, bắp cải, loa thùng, bột hương, tượng gỗ… đóng trong công-ten-nơ vận chuyển ma túy từ Việt Nam ra nước ngoài. Chúng cũng tổ chức thành lập nhiều đường dây vận chuyển trái phép ma túy do người Việt Nam tại Lào và Campuchia cầm đầu, trong đó có nhiều đối tượng trốn truy nã cấu kết với các đối tượng trong nước để hình thành đường dây vận chuyển ma túy vào Việt Nam.

Trước tình hình trên, kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có lĩnh vực phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trong khuôn khổ hợp tác đa phương ASEAN, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, chủ động tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy với các nước trong khu vực, cả trong cơ chế hợp tác cấp quan chức cấp cao ASEAN (ASOD) và cơ chế hợp tác cấp Bộ trưởng ASEAN (AMMD) về vấn đề ma tuý. Bên cạnh các Hội nghị cấp cao, các nước ASEAN cũng đã phối hợp triển khai nhiều sáng kiến hợp tác khu vực nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma tuý xuyên quốc gia, cụ thể như việc: Thành lập Trung tâm thông tin hợp tác phòng, chống ma túy ASEAN (ASEAN-NACRO), nhằm tăng cường hợp tác (trao đổi, chia sẻ thông tin, điều phối các hoạt động) phòng, chống ma túy giữa các nước trong khu vực; sáng kiến Tổ công tác kiểm soát ma túy qua đường hàng không ASEAN (AAITF) vào năm 2011; thành lập Tổ công tác ASEAN về phòng, chống ma túy xuyên quốc gia tại các cảng biển quốc tế (ASITF)...

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình ma tuý thế giới, khu vực, năm 2019, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia (diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 09-13/9/2019). Ngoài việc thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng 10 nước/đối tác về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, Hội nghị cũng đã có những phiên họp mang tính chuyên sâu nhằm trao đổi nghiệp vụ điều tra, chia sẻ thông tin đối tượng, đường dây vận chuyển ma túy; đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm kịp thời ứng phó với tình hình ma tuý thế giới, khu vực và ở mỗi nước.

Cùng với việc tăng cường hợp tác đa phương trong khuôn khổ ASEAN về phòng, chống ma tuý, Việt Nam cũng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả đặc biệt là các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Với phương châm hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả, lực lượng chức năng của Việt Nam đã phối hợp với các nước phát hiện, bắt giữ nhiều vụ án ma tuý lớn, triệt phá nhiều đường dây tội phạm ma tuý xuyên quốc gia. Đồng thời đã thiết lập đường dây nóng và thường xuyên trao đổi thông tin về phòng, chống ma tuý với các cơ quan hành pháp các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thời gian tới, dự báo tình hình ma tuý trong khu vực và trên thế giới sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, các lực lượng chức năng của Việt Nam (chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) cần quán triệt tinh thần Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, trong đó xác định: “tội phạm và tệ nạn ma túy là vấn đề mang tính toàn cầu”, phải “đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phối hợp hành động chung để giải quyết vấn đề ma túy”. Trên cơ sở đó cần chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng các nước ASEAN thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, theo hướng ổn định, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự tin cậy lẫn nhau; tiếp tục duy trì và củng cố quan hệ hợp tác với ASEAN về phòng, chống ma túy, tạo điều kiện đẩy mạnh trao đổi thông tin, tình hình, xu hướng và chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống ma túy; triển khai Kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Tam giác vàng, giai đoạn 2020-2022.

Phối hợp triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên phạm vi lãnh thổ mỗi nước; tổ chức xác lập chuyên án chung đấu tranh với các đường dây tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia. Đối với các lực lượng thực thi pháp luật các nước, thông qua khuôn khổ hợp tác khác trong khu vực như ASEANAPOL, INTERPOL cần đẩy mạnh phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm về ma tuý nói riêng; xem xét khả năng thiết lập mạng lưới sĩ quan liên lạc, đường dây nóng, cung cấp thông tin, hỗ trợ lẫn nhau về mặt kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác điều tra, bắt giữ tội phạm ma túy./.

Nhật Nam