Công an tỉnh Thái Bình - Cơ quan thường trực tích cực tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện Chỉ thị số 36 gắn với thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy (PCMT). Đơn vị tham mưu tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban chỉ đạo 138). Lực lượng công an phối hợp với các sở, ngành tích cực triển khai thực hiện Luật PCMT năm 2021, Tháng cao điểm PCMT (tháng 6), tập trung vào lĩnh vực chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp; xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn về ma túy; quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai.
Tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị và triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 09/7/2022.
Công tác PCMT được gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức đảng, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đồng thời coi đây là tiêu chí đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức đảng hàng năm. Nổi bật là, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức họp liên ngành, hướng dẫn, chỉ đạo các lực lượng chức năng giải quyết những vụ án về ma túy phức tạp, nghiêm trọng đúng người, đúng tội, không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình ban hành nghị quyết xây dựng lực lượng chuyên trách PCMT và tội phạm vững mạnh, toàn diện trong tình hình mới, gắn công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Công an tỉnh ban hành chỉ tiêu công tác bắt giữ, xử lý đối tượng, giải quyết tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy gắn với trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ quản lý địa bàn. Các tổ chức cơ sở đảng đưa công tác PCMT là một nội dung trong các kỳ sinh hoạt, phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động gia đình và người dân thực hiện tốt quy định pháp luật về PCMT, đồng thời tham gia nhận quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại địa bàn.
Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Thái Bình quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hướng về cơ sở, phù hợp từng địa bàn. Nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, hướng vào tác hại của tệ nạn ma túy, thủ đoạn hoạt động của đối tượng, cập nhật các loại ma túy mới xuất hiện, dấu hiệu nhận biết người nghiện để kịp thời can thiệp, xử lý. Công tác tuyên truyền giúp thay đổi nhận thức, giảm kỳ thị đối với người nghiện, đồng thời biểu dương những tấm gương sáng trong công tác PCMT, người cai nghiện thành công có cuộc sống ổn định.
Các thôn, xóm, khu phố đưa nội dung về phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy vào các hương ước, quy ước làng, thôn, tổ dân phố và tiêu chí xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa. Toàn tỉnh hiện xây dựng, duy trì 1.328 mô hình tự quản quả góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: “Xã không ma túy” ở xã Hồng Giang, huyện Đông Hưng; “Khu dân cư tự quản” ở xã Bình Định, huyện Kiến Xương; “Dòng học an toàn, đoàn kết văn hóa” của dòng học Bùi Đăng, xã Đồng Phú, huyện Đông Hưng; “Đội thanh niên, sinh viên tự quản” của Trường Đại học Y Thái Bình và Đại học Thái Bình; “Tổ tự quan an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông” của Hội Cựu chiến binh xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà; “Gia đình phụ nữ không có ma túy” của xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương; “Phân xưởng tự quản” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen… Hưởng ứng Tháng hành động PCMT (tháng 6) hàng năm, cùng với việc mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy, công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh với quy mô lớn. Các ban, ngành tổ chức đăng tải tin bài phổ biến, giáo dục pháp luật, kết quả đấu tranh, kẻ vẽ băng rôn, khẩu hiệu, nói chuyện thời sự tại cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia.
Lực lượng công an, bộ đội biên phòng tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nắm tình hình địa bàn, tập trung lực lượng, phương tiện đẩy mạnh đấu tranh triệt xóa các đường dây, tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy. Công an tỉnh mở nhiều đợt tấn công trấn áp tội phạm ma túy, triệt xóa 42 đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ tỉnh ngoài về Thái Bình tiêu thụ; triệt xóa 164 lượt tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy; xác lập 68 chuyên án đấu tranh bắt giữ 1.350 vụ, 1.929 đối tượng; khởi tố 1.291 vụ, 1.484 bị can. Lực lượng chức năng thu giữ 7,17 kg heroin, trên 60 kg ma túy tổng hợp, 03 kg thuốc phiện, 1.114 cây có chức chất ma túy, 07 khẩu súng, 28 viên đạn cùng nhiều vật chứng liên quan. Điển hình ngày 28/9/2021, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng triệt xóa đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Sơn La về Thái Bình tiêu thụ do anh em đối tượng Hà Duy Thái và Hà Văn Thịnh, trú tại xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy cầm đầu; thu giữ 13 bánh heroin, hơn 11 kg + 30.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vũ khí, vật chứng liên quan.
Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ đối tượng Hà Duy Thái.
Tòa án hai cấp phối hợp với công an và viện kiểm sát hai cấp đưa ra xét xử 1.042 vụ, 1.238 bị cáo đảm bảo nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, trong đó xét xử lưu động 111 vụ án điểm có tác dụng răn đe tội phạm và phòng ngừa xã hội.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý người nghiện, thực hiện hiệu quả hình thức cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, giúp đỡ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, lực lượng công an chủ trì phối hợp với các sở, ngành rà soát, lập hồ sơ quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy để có biện pháp cai nghiện, quản lý sau cai phù hợp. Hiện, toàn tỉnh đang quản lý 2.628 người nghiện, 1.909 người sử dụng trái phép chất ma túy; lập 783 hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đưa đưa đi cai nghiện bắt buộc 493 trường hợp. Các điểm tư vấn tổ chức tư vấn cho gần 400 lượt người nghiện và thân nhân; tiếp nhận, tổ chức cai nghiện cho 497 lượt người. Tỉnh Thái Bình duy trì hoạt động điều trị thay thế bằng methadone tại 09 cơ sở điều trị, 06 điểm phát thuốc cho 1.444 bệnh nhân. Quá trình trị liệu, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tình trạng tiếp tục sử dụng ma túy và vi phạm pháp luật trong khi điều trị đã giảm, không phát hiện người nhiễm HIV mới sau khi điều trị. Các sở, ngành tăng cường quản lý, giáo dục người nghiện, quản lý sau cai, hỗ trợ vay vốn giúp gia đình người nghiện phát triển kinh tế. Điển hình như, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề gia công cơ khí, may công nghiệp, thủ công mỹ nghệ tại cơ sở cai nghiện, đồng thời tạo điều kiện giúp cho học viên có cơ hội tìm được việc làm ổn định cuộc sống. Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện Thái Thụy, Đông Hưng, Quỳnh Phụ cho gia đình hội viên có người thân nghiện ma túy vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Phát huy thành tích đạt được thời gian tới, tỉnh Thái Bình tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác PCMT, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các sở, ngành coi tuyên truyền, giáo dục là biện pháp cơ bản trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, hướng về cơ sở, kết hợp tuyên truyền diện rộng với vận động cá biệt đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Củng cố, nhân rộng các mô hình tự quản với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trước mắt là chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy để xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn, lành mạnh.
Lực lượng chức năng tập trung đấu tranh tập trung nắm tình hình, xác định đường dây, tụ điểm, đối tượng có điều kiện phạm tội về ma túy để tập trung đấu tranh, ngăn chặn nguồn ma túy từ bên ngoài xâm nhập địa bàn; kiên quyết bóc gỡ các điểm, tụ điểm hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc quản lý tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện; quản lý cư trú; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, không để đối tượng lợi dụng sản xuất trái phép chất ma túy, hình thành điểm, tụ điểm tệ nạn ma túy, mại dâm.
Các sở, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện gắn với quản lý và tạo việc làm sau cai; mở rộng chương trình cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế bằng methadone nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho công tác cai nghiện; các sở, ngành chú trọng quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy ở địa bàn cơ sở, lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để kiềm chế, làm giảm số người nghiện, hạn chế phát sinh người nghiện mới, giảm tỷ lệ tái nghiện và vi phạm pháp luật.
Bá Thái