Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 – 2015, với mục tiêu cơ bản là: hàng năm phấn đấu giảm 5% người nghiện ma túy hiện có, giảm 10% thị trấn, xã, phường có tệ nạn ma túy; nâng cao hiệu quả ngăn chặn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy, phấn đấu năm 2015 không còn tụ điểm nóng về tội phạm ma túy, 100% người nghiện có hồ sơ quản lý, được cai nghiện ma túy dưới mọi hình thức; cơ bản không để tái trồng cây có chứa chất ma túy, nhằm đấu tranh làm giảm, đẩy lùi tệ nạn ma túy khỏi đời sống xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, cuộc sống yên bình của nhân dân.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, ngày 08/11/2012, Bộ Công an có Kế hoạch số 262/KH-BCA(C41). Qua khảo sát nắm tình hình, ngày 18/12/2012, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã lựa chọn 12 xã, phường, thị trấn tại 06 tỉnh, thành phố để tiến hành chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, gồm:
- 03 phường loại I (phức tạp về ma túy): phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
- 02 phường loại II: phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; phường Hải Châu II, thành phố Đà Nẵng.
- 04 xã loại III: xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
- 03 xã, phường, thị trấn loại ít phức tạp: xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; phường An Hải Tây, thành phố Đà Nẵng; thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Sau khi nhận được hướng dẫn chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát PCTP, các địa phương đã chỉ đạo xã, phường, thị trấn củng cố, lập Ban chỉ đạo. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nên nhiều xã, phường đã có nghị quyết của Đảng ủy phân công trách nhiệm cụ thể, giao cho công an là lực lượng chủ công nòng cốt chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Tích cực mở nhiều lớp tuyên truyền về tác hại phòng chống ma túy cho cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp của xã, phường và tuyên truyền tới từng người dân ở những tổ dân phố, xóm bản có tình hình phức tạp về tội phạm ma túy, lập pano, áp phích củng cố hệ thống truyền thanh của xã, hàng ngày có 15 – 20’ vào các giờ cao điểm để tuyên truyền về phòng, chống ma túy, đặc biệt lập hộp thư tố giác tội phạm, điện thoại nóng để nhân dân biết tham gia tố giác tội phạm, những thông tin tố giác tội phạm đều được đảm bảo bí mật điều tra xử lý đúng mức, được nhân dân tin tưởng tích cực tham gia tố giác tội phạm như ở xã Lam Cốt - Bắc Giang. Qua hai năm thực hiện tại 12 xã, phường, tình hình tội phạm ma túy đều giảm từ 05 đến 15% như tại phường Phương Lâm, xã Trung Sơn, tỉnh Hòa Bình, xã Lam Cốt, Bắc Giang, phường Mỹ Thạch, An Giang,…
Nhằm đấu tranh làm giảm, đẩy lùi tệ nạn ma túy khỏi đời sống xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự ATXH, phát triển kinh tế. Qua thực tiễn công tác xây dựng địa bàn không ma túy xin được rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, phòng chống ma túy là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, tốn nhiều công sức. Do vậy, đòi hỏi phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phải thành lập ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch hoặc Bí thư Đảng ủy xã, phường làm Trưởng ban. Sự vào cuộc quyết liệt của các nghành, các cấp, nhất là các tổ chức xã hội như: mặt trận, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, tổ dân phố, bí thư chi bộ, trong đó công an xã, phường là lực lượng chủ công nòng cốt.
Hai là, thường xuyên quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thực tiễn cho thấy, nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền, công tác phòng ngừa sẽ làm giảm tình hình tội phạm, giảm tác hại cho xã hội, ở nơi đó nhân dân phấn khởi, chuyên tâm lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc.
Tuyên truyền phải có nội dung sâu rộng phong phú như tuyên truyền về pháp luật, tác hại của tệ nạn ma túy, gương người tốt việc tốt. Hình thức tuyên truyền như tờ rơi, áp phích, truyền thanh xã, báo chí, phim ảnh, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, tiểu phẩm có liên quan đến phòng, chống ma túy, lập các hộp thư, điện thoại nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia tố giác tội phạm.
Đối tượng tuyên truyền tập trung vào các lứa tuổi 13 – 40, là những đối tượng dễ bị mua chuộc lôi kéo vào tệ nạn và tội phạm ma túy.
Giao cho các đoàn thể, tô dân phố, nhà trường, dòng họ quản lý giáo dục con em không để sa vào tệ nạn. Nếu có biểu hiện nghiện ma túy, biểu hiện mua bán, vận chuyển ma túy chính quyền, công an xã, phường phải gọi hỏi, giáo dục tại cộng đồng, tại gia đình, nhà trường, dòng họ.
Ba là, kết hợp tuyên truyền, giáo dục phải làm tốt công tác cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, tích cực tuyên truyền, vận động người nghiện điều trị thay thế bằng methadon, quản lý sau cai không để tái nghiện. Nếu người nghiện không từ bỏ ma túy, tiếp tục tái nghiện thì lập hồ sơ đưa đi trung tâm cai nghiện bắt buộc.
Bốn là, phải có chính sách hỗ trợ việc làm, hỗ trợ cho vay tín dụng, tạo cuộc sống cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương phải tăng cường chính sách xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Năm là, đối với công an là lực lượng chủ công, nòng cốt phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng kế hoạch phân công cụ thể cho các đồng chí Ban chỉ đạo, các đoàn thể thực hiện từng phần việc, từng thời gian cụ thể, thường xuyên đôn đốc thực hiện. Hàng quý, năm phải sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân lập nhiều thành tích trên mặt trận phòng, chống ma túy.
Tích cực gọi hỏi, răn đe, giáo dục cá biệt những đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán, vận chuyển và nghiện ma túy, phải tích cực đấu tranh xử lý những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, lưu manh, chuyên trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, tái nghiện lập hồ sơ đề nghị đưa đi trung tâm giáo dục, giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện bắt buộc, để quản lý, giáo dục họ thành người lương thiện.
Công tác phòng, chống ma túy là việc làm khó khăn, phực tạp, đòi hỏi phải có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của đoàn thể, cấp ủy, phải có cán bộ chuyên trách, đầu tư kinh phí, làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, không để tình hình ma túy phức tạp mới làm mà phải làm từ lúc tình hình ma túy chưa phức tạp như ở Yên Mô, Ninh Bình; Tân Lạc, Bắc Giang,...
Mô hình “xây dựng xã phường không có ma túy” là việc làm rất thiết thực, có hiệu quả, đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp chỉ đạo, cấp kinh phí thường xuyên để mô hình được nhân rộng hoạt động có hiệu quả, góp phần ngăn chặn làm giảm tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy, mang lại bình yên cuộc sống cho nhân dân./.
Phạm Văn Chình