Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) với những thành tựu to lớn, đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy đang triệt để lợi dụng thành tựu của khoa học, công nghệ (KHCN) để thực hiện tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Thực tiễn công tác đấu tranh, cơ quan điều tra đã nhận diện một số thủ đoạn mới của tội phạm ma túy là: Triệt để lợi dụng sự phát triển của Internet, mạng xã hội cũng như các ứng dụng OTT (Zalo, Viber, Messenger, Instagram, Wechat…) để liên lạc gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra của cơ quan chức năng; chúng lập ra các “nhóm kín” trên các trang mạng xã hội để mua bán, trao đổi trái phép chất ma túy giữa các thành viên trong nhóm; lợi dụng sự phát triển của KHCN để phạm tội khi gửi/nhận hàng hóa qua các công ty dịch vụ giao nhận hàng hóa (có thể gửi hàng tự động với hệ thống máy tính không cần đến nhân viên) hoặc qua dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ đang phát triển rất mạnh tại các thành phố, đô thị lớn.
Đoàn khảo sát làm việc với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy về công tác nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ phục vụ nhiệm vụ phòng, chống ma túy.
Để đối phó với thực trạng trên, công tác nghiên cứu khoa học phòng, chống tội phạm ma túy đã đề ra một số vấn đề cần phải giải quyết, đó là: Từng bước kiềm chế, ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài vào nước ta và từ nước ta đi nước thứ ba, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế; giải quyết vấn đề người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy đang có chiều hướng gia tăng, cũng như hậu quả do việc sử dụng ma túy gây ra để hạn chế tới mức thấp nhất nguồn cầu; không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu quả tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống ma túy và tăng cường lực lượng, phương tiện, điều kiện đảm bảo, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, căn cứ vào Chương trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong phòng chống tội phạm ma túy của Bộ Công an (thuộc Chương trình số 14), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã nghiên cứu, đăng ký và đang triển khai thực hiện 03 nhiệm vụ khoa học về các nội dung: Xây dựng bản lĩnh người cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đáp ứng yêu cầu công tác và chiến đấu trong tình hình mới; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật do người sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp bị rối loạn loạn thần cấp gây ra và nhiệm vụ về xây dựng hệ thống phòng ngừa nghiệp vụ nhằm phát hiện, theo dõi tội phạm ma túy. Đến nay các nhiệm vụ trên đều được triển khai đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu chất lượng và đang tiếp tục được thực hiện các bước tiếp theo.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đại tá Nguyễn Thế Hải, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an, Trưởng đoàn khảo sát cho biết: Chương trình số 14 được hai Bộ ký kết vào ngày 30/12/2020 sau khi tiến hành tổng kết công tác phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020 nhằm định hình cho một lĩnh vực của ngành KH&CN, là phát triển và ứng dụng KH&CN phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đối với công tác phòng, chống ma túy, trong Chương trình số 14, Bộ Công an đã ban hành chương trình riêng nhằm tăng cường tiềm lực khoa học, đầu tư mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả công tác này trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí cũng cho biết, qua theo dõi, Cơ quan quản lý khoa học của Bộ Công an đánh giá cao công tác nghiên cứu khoa học của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thời gian qua, trong đó có việc nghiên cứu, triển khai 03 nhiệm vụ khoa học nêu trên. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng đoàn khảo sát đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khẩn trương giải ngân nguồn kinh phí khoa học đã được cấp; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng dụng KHCN trong công tác phòng, chống ma túy để Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện, “đặt hàng” các đơn vị nghiên cứu khoa học, các học viện, trường CAND và các nhà khoa học để áp dụng hiệu quả trong thực tiễn đấu tranh với tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng./.
Nhật Nam