Chuyển biến bước đầu sau 6 tháng triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021

Ngày 01/01/2022, Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 (gọi chung là Luật PCMT) chính thức có hiệu lực thi hành. Đến nay nhìn chung công tác chỉ đạo triển khai được tiến hành nghiêm túc, kịp thời, khoa học từ Trung ương tới địa phương đảm bảo các điều kiện cần thiết để đưa luật vào cuộc sống góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hiểm hoạ ma tuý.
06/07/2022 | Article Rating

Ngày 22/12/2021, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thi hành Luật PCMT và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cấp xã. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế đánh giá năng lực, công suất của các cơ sở cai nghiện công lập để có phương án tiếp nhận người vào cai nghiện theo diện bắt buộc; bố trí nhân lực, đào tạo, tập huấn chuyên môn đảm bảo đủ số cán bộ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma tuý.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Luật PCMT, tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Bộ Công an tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 365/CĐ-TTg, ngày 20/4/2022 chỉ đạo, đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma tuý và cai nghiện ma tuý theo Luật PCMT gửi các bộ và Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 8276/QĐ-BCA, ngày 13/10/2021 về việc triển khai Luật PCMT; ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BCA, ngày 05/4/2022 quy định biểu mẫu và chế độ báo cáo thống kê về PCMT. Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý ban hành văn bản thông báo công an các địa phương về những quy định mới của Luật PCMT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, đồng thời cung cấp tài liệu, cử báo cáo viên phối hợp tổ chức tập huấn cho các lực lượng trực tiếp thi hành ở cơ sở. Lực lượng công an các địa phương phát huy vai trò là Cơ quan thường trực về PCMT trong phối hợp thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai đã chủ động đánh giá kết quả sau 6 tháng thi hành để tham mưu, đề xuất cấp uỷ, chính quyền các biện pháp khắc phục.

Qua 6 tháng triển khai Luật PCMT, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng. Công tác PCMT nhận được sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan, các kế hoạch, chương trình phòng ngừa, đấu tranh được triển khai liên tục, sâu rộng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia tố giác tội phạm ma tuý; quản lý, giáo dục con em không mắc vào tệ nạn ma tuý; vận động người nghiện tham gia hình thức cai nghiện phù hợp, giúp đỡ người sau cai ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.

 Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật PCMT, ngày 13/6/2022.

Việc quản lý, lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma tuý được luật hoá, họ được quản lý trong 01 năm ngay từ lần đầu phát hiện. Vì vậy, các ban, ngành đã kịp thời phát hiện, quản lý số đối tượng mới sử dụng, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn. Hệ thống biểu mẫu phục vụ việc lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý được quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu trong nghị định của Chính phủ giúp lực lượng công an cấp xã thực hiện thống nhất, khoa học.

Qua rà soát tính đến ngày 15/5/2022, cả nước có 59.537 người sử dụng trái phép chất ma tuý, trong đó có 22.686 người có quyết định áp dụng việc quản lý theo quy định của Luật PCMT. Phần lớn người sử dụng trái phép chất ma tuý có nơi cư trú ổn định. Từ ngày 01/01 - 15/5/2022, có 13.483 người sử dụng trái phép chất ma tuý được đưa ra khỏi danh sách quản lý, trong đó có 5.076 người được xác định là người nghiện ma tuý.

Công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật PCMT đã sát thực, phù hợp với tình hình thực tế, trình tự thủ tục áp dụng chi tiết, đơn giản, rút gọn, thời gian lập hồ sơ chỉ còn 50% so với trước. Theo đó, không quy định việc gửi hồ sơ cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý; việc xác định có hay không có nơi cư trú ổn định được thực hiện theo quy định của Luật Cư trú và xác minh cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 15/5/2022, các địa phương đã lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với 3.511 người nghiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện.

Đối với công tác cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, Chủ tịch UBND cấp huyện giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền cung cấp một hay nhiều dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Hiện nay, cả nước có 77 đơn vị sự nghiệp công lập và 28 tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của Nghị định 116/NĐ-CP, ngày 21/12/2021 của Chính phủ, 97 cơ sở cai nghiện ma tuý công lập với tổng công suất tiếp nhận trên 57.000 người, trong đó có 19 cơ sở bố trí khu cai nghiện riêng cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi.

Cơ sở cai nghiện ma tuý số 6 Hà Nội khám sức khoẻ cho học viên.

Sau khi Luật có hiệu lực, Sở Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện về nhân sự, trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo đủ điều kiện để triển khai công tác xác định tình trạng nghiện ma tuý gắn với tập huấn cho cán bộ chuyên trách. Đến nay đã có 28 tỉnh công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, trong đó có 07 tỉnh công bố đến cấp xã. Lực lượng công an phối hợp với các ban, ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả việc xác định tình trạng nghiện ma tuý, tăng cường rà soát, lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Cơ quan có thẩm quyền được tạm giữ người nghi nghiện theo thủ tục hành chính, từ đó giảm tình trạng bỏ trốn, từ chối đến nơi xác định tình trạng nghiện. Các trường hợp phải xác định tình trạng nghiện được quy định rõ ràng, cụ thể theo hướng quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý được áp dụng ngay từ lần đầu phát hiện hành vi. Do đó cơ quan công an có đầy đủ tài liệu, căn cứ khách quan cung cấp cho bác sỹ để xác định các tiêu chí chẩn đoán tình trạng nghiện, tránh được việc đối tượng chống đối, không khai báo triệu chứng lâm sàng. Các tiêu chí chẩn đoán được áp dụng chung đối với tất cả các loại ma tuý, so với trước đây chỉ áp dụng đối với nhóm chất dạng thuốc phiện và ma tuý tổng hợp dạng ATS.

Tính đến ngày 15/5/2022, cả nước có 189.963 người nghiện ma tuý có danh sách quản lý và 27.096 người đang quản lý sau cai nghiện. Có 104.815/189.963 người nghiện ở ngoài cộng đồng, trong đó có 45.995 người chưa tham gia bất kỳ biện pháp cai nghiện nào; 7.415 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; 42.490 người điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; 22.870 người đang cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện công lập; 3.067 người đang cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập; có 50.381 người chấp hành án hình sự trong trại giam; 8.821 người đang ở trong trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, nhà tạm giữ, trại tạm giam. Số người nghiện được đưa ra khỏi danh sách là 8.252 người, trong đó 3.785 người hoàn thành chương trình cai nghiện trước ngày 01/01/2022 không bị quản lý sau cai; quản lý sau cai từ trước năm 2021 đến nay hết thời hạn quản lý mà không phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý.

Phát huy thành tích đạt được thời gian tới, lực lượng công an tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và toàn dân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật PCMT gắn với tiến hành kiểm tra, hướng dẫn để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thi hành. Khảo sát tại địa bàn trọng điểm phức tạp về tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý, các địa phương có số liệu tăng, giảm bất thường, số liệu báo cáo chưa đầy đủ để có kế hoạch giải quyết triệt để. Rà soát, đánh giá đúng thực trạng người nghiện đang thi hành án hình sự trong các trại giam để có giải pháp phòng ngừa khi họ mãn án trở về tái hoà nhập cộng đồng. Lực lượng công an các cấp quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý ở cơ sở gắn với đẩy mạnh đấu tranh triệt xoá các đường dây, tụ điểm, điểm phức tạp về ma tuý; kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn… không để đối tượng lợi dụng mua bán, chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Sử dụng hiệu quả hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để cập nhập thông tin người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý vào hệ thống phục vụ việc quản lý.

Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao nhằm hạn chế phát sinh người nghiện mới. Rà soát, đánh giá, đầu tư nhân rộng các mô hình PCMT hoạt động hiệu quả gắn với việc giữ vững số xã, phường, thị trấn không có ma tuý.

Các ngành Công an, Y tế và Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh biện pháp xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đảm bảo an ninh trật tự cơ sở điều trị, quản lý sau cai, quản lý người nghiện, người điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện ở ngoài cộng đồng, nhất là số đối tượng sử dụng ma tuý tổng hợp có biểu hiện loạn thần, hoang tưởng, không để xảy ra vụ  việc gây mất an ninh trật tự. Đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn ưu đãi giúp người sau cai ổn định cuộc sống, giảm nguy cơ tái nghiện qua đó từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hiểm hoạ ma tuý ra khỏi đời sống./.    

Kim Long