Nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy trên tuyến đường biển

Ngày 10/6/2022, tại Hà Nội, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo đối thoại ma túy- hàng hải (MDX). Dự hội thảo có các đại biểu là lãnh đạo cấp phòng, chuyên viên đến từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an); Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (BTL Bộ đội Biên phòng): Cục Nghiệp vụ và pháp luật (BLT Cảnh sát biển) và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan). Tiến sĩ Asyura Salleh, Đại diện Chương trình toàn cầu về phòng, chống tội phạm trên biển của UNODC khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương chủ trì Hội thảo.

13/06/2022 | Article Rating

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Asyura Salleh cho biết: Năm 2021, bất chấp những quy định hạn chế do đại dịch Covid-19, số vụ bắt giữ ma túy trong khu vực tiếp tục gia tăng. Tuyến vận chuyển ma túy chính của các đối tượng chủ yếu từ khu vực Tam giác vàng đến cảng biển của các nước trong khu vực, sau đó vận chuyển ra hải phận quốc tế đến nước thứ ba qua eo biển Malacca (nằm giữa Indonesia, Malaysia và Singapore) - một trong những eo biển nhộn nhịp nhất thế giới. Ma túy được cất giấu trong các công ten nơ hàng hóa, vận chuyển bằng các loại tàu có trọng tải lớn nên rất khó phát hiện, bắt giữ. Loại ma túy cơ quan chức năng các nước thu giữ được chủ yếu là ma túy tổng hợp (Methamphetamine), heroin có nguồn gốc từ Tam giác vàng. Ở chiều ngược lại, các loại ma túy như cocain, cần sa, lá Khát được vận chuyển từ khu vực châu Mỹ, châu Phi qua đường biển vào các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đối thoại ma túy- hàng hải (MDX).

Đánh giá về tình hình tội phạm ma túy trên tuyến đường biển tại Việt Nam, đại biểu Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết: Việt Nam là quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á, có diện tích biển trên 1 triệu km2, có 44 cảng biển nước sâu dọc bờ biển hơn 3.260 km là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, song cũng là tuyến giao thông mà tội phạm ma túy triệt để lợi dụng phạm tội với nhiều thủ đoạn tinh vi như: Thông qua hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường biển để vận chuyển trái phép chất ma túy, tập trung tại các cảng biển: Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh); Cảng Hải Phòng; Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng); Cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu)... Các đối tượng cầm đầu người Đài Loan (Trung Quốc), người gốc Phi dưới sự điều hành của các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế, cấu kết với đối tượng ở các trung tâm ma túy như Tam Giác Vàng, Lưỡi Liềm Vàng, Nam Mỹ hình thành các đường dây vận chuyển ma túy về Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Chúng không trực tiếp vận chuyển ma túy mà thành lập các công ty xuất nhập khẩu làm bình phong, thuê kho hàng tại các tỉnh miền Trung, miền Nam để tập kết ma túy, trà trộn, cất giấu với các loại hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường như hạt nhựa, thiết bị điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ… sau đó ủy thác lòng vòng cho các công ty logistict (công ty vận tải, chuyên chở hàng hóa) để vận chuyển ma túy đi các nước. Chủ động thực hiện các giải pháp đấu tranh với tội phạm vận chuyển ma túy trên tuyến đường biển, từ năm 2019  đến nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các lực lượng chuyên trách trong nước, lực lượng chức năng các nước trong khu vực, tổ chức phòng, chống ma túy quốc tế phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy qua đường biển. Điển hình vụ ngày 17/2/2019, tại tỉnh Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh và Philippin, lực lượng chức năng 2 nước Việt Nam, Philippin triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ khu vực Tam Giác Vàng về Việt Nam sau đó đưa đi nước ngoài bằng đường biển, bắt giữ 13 đối tượng, thu 578 kg ma túy đá; vụ ngày 19/7/2020, tại TP Hồ Chí Minh, triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy bằng đường biển (với thủ đoạn cất giấu ma túy trong các khối đá granit) do nhóm đối tượng người Hàn Quốc cầm đầu; bắt giữ 20 đối tượng, thu 164 kg ma túy tổng hợp dạng đá, 19 bánh heroin, 03 ô tô và nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan.

Các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo

 Tham gia hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến công tác đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm vận chuyển ma túy qua tuyến biển. Hiệu quả hoạt động phối hợp trong nước giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Công an, Quốc phòng, Tài chính; hoạt động hợp tác quốc tế thời gian qua giữa lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam với các tổ chức quốc tế, lực lượng phòng, chống ma túy các quốc gia: Cơ quan bài trừ ma túy Hoa Kỳ (DEA), Cảnh sát liên bang Úc (AFP), Cảnh sát Philipin, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm ma túy hoạt động trên tuyến đường biển trong thời gian tới./.

Nhật Nam