Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội, các loại hình kinh doanh dịch vụ, trong đó có cơ sở kinh doanh (CSKD) có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) cũng phát triển nhanh chóng đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều CSKD có điều kiện hoạt động biến tướng hoặc bị tội phạm lợi dụng chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gây nhức nhối xã hội và phức tạp về ANTT tại nhiều địa phương.


09/05/2022 | Article Rating

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến tháng 6 năm 2021, cả nước có 147.012 CSKD có điều kiện về ANTT; trong đó có 4.255 CSKD có điều kiện về ANTT có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy hoặc có liên quan đến ma túy. Trên cơ sở thực hiện toàn diện công tác điều tra cơ bản, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (ĐTTP về ma túy) toàn quốc đã chủ động nắm chắc tình hình; xây dựng nhiều phương án, kế hoạch đấu tranh triệt xóa thành công các vụ việc đối tượng lợi dụng CSKD có điều kiện về ANTT để phạm tội ma túy. Trong số đó, các vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý tại các CSKD có điều kiện về ANTT chiếm tỉ lệ cao; trong khi số vụ tổ chức sử dụng, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý chiếm tỷ lệ thấp hơn do việc chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong 02 năm gần đây (năm 2020 và năm 2021) số vụ tổ chức, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý tăng cao do pháp luật đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác này. Cụ thể, năm 2020, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy toàn quốc đã bắt giữ 1.109 vụ, 1.155 đối tượng; năm 2021 bắt giữ 1.405 vụ, 1.705 đối tượng về hành vi tổ chức, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Đây là con số đáng báo động, đặc biệt khi số vụ phạm tội về ma tuý tại các CSKD có điều kiện về ANTT gia tăng với số đối tượng tham gia ngày càng đông và thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi.

Thực tiễn công tác đấu tranh cho thấy, trong số 23 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT (theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ) thì loại hình CSKD có điều kiện về ANTT bị tội phạm ma túy lợi dụng họa động chủ yếu là: kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, dịch vụ cho thuê lưu trú, kinh doanh casino... Đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật chủ yếu là đối tượng có tiền án, tiền sự về ma túy, hoạt động chuyên nghiệp; đối tượng trong danh sách quản lý nghiệp vụ của ngành Công an. Nhưng nguy hiểm hơn, đối tượng phạm tội về loại này ngày càng mang tính tự phát và đa dạng về thành phần lứa tuổi, trong đó có cả công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên.

 Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng rất tinh vi, xảo quyệt với các phương thức phổ biến là: Lợi dụng nhu cầu giải trí ngày càng cao của mọi tầng lớp trong xã hội đặc biệt là thanh thiếu niên, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để móc nối với các đối tượng là chủ các CSKD, nhân viên, quản lý... hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp hoạt động phạm tội về ma túy như tàng trữ, mua bán, chứa chấp, tổ chức sứ dụng trái phép chất ma túy về ma túy. Loại ma túy được sử dụng phổ biến là cần sa và các loại ma túy tổng hợp (thuốc lắc, ma túy dạng đá).

Quá trình phạm tội, các đối tượng tổ chức phân công vị trí, vai trò cụ thể: có đối tượng đứng ra tổ chức, đối tượng cung cấp ma túy, đối tượng hướng dẫn việc sử dụng, đối tượng cảnh giới... Điển hình như vụ ngày 16/9/2019, vào khoảng 0h 30 phút cùng ngày, tổ công tác Đội 4, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Phú Xuyên bất ngờ kiểm tra quán karaoke “Cường đô la” (địa chỉ tại xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) phát biện, bắt giữ hơn 10 đối tượng đang tổ chức “bay lắc”. Đấu tranh tại chỗ với 12 đối tượng, cơ quan Công an xác định đối tượng Dương Ngọc Bảo Long và vợ là Nguyễn Thị Lệ có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; thu giữ vật chứng gồm 01 túi nilon đựng 05 viên nén màu xanh, 03 túi nilon chứa tinh thể màu trắng (đều là ma túy tổng hợp). Để tổ chức hoạt động phạm tội, ngoài việc thuê người canh gác, quản lý, điều hành, vợ chồng Long còn lôi kéo hai con ruột vào làm nhiệm vụ canh gác, báo động khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra... Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, hoạt động này lại mang tính tự phát, phát sinh sau khi các đối tượng tổ chức ăn uống, sinh nhật rồi nảy sinh ý định sử dụng ma túy để thể hiện “đẳng cấp”; sử dụng ma túy để tìm cảm giác mạnh hoặc kích thích sinh hoạt tình dục.

Về nguồn ma túy, đa số đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều tàng trữ sẵn các loại ma túy (chủ yếu là tổng hợp, cần sa). Một số trường hợp mang tính tự phát hoặc không có sự chuẩn bị trước, đối tượng cầm đầu dùng điện thoại, mạng xã hội liên hệ với các đối tượng đầu nậu mua ma túy về sử dụng, nhưng có sự hưởng ứng của các đối tượng tham gia. Không ít vụ, xảy ra tình trạng cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng ma túy tổng hợp khi nạn nhân mặc dù không muốn, hoặc không có ý định sử dụng chất ma túy, nhưng vẫn bị các đối tượng ép buộc, lôi kéo sử dụng chất ma túy để đạt được mục đích riêng của chúng.

Trước thực trạng trên, thời gian qua lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy toàn quốc đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm ma túy tại các CSKD có điều kiện về ANTT. Với vai trò là cơ quan thường trực phòng, chống ma túy của Bộ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tham mưu cho Bộ Công an ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động tại các cơ CSKD có điều kiện về ANTT. Trên cơ sở đó, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy toàn quốc chú trọng thực hiện công tác điều tra cơ bản để nắm chắc tình hình điểm, tụ điểm, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh bắt giữ, điều tra, xử lý các vụ việc đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Kết quả, trong 5 năm từ năm 2017 đến 2021, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy toàn quốc đã khởi tố gần 9.600 vụ phạm tội về ma tuý tại CSKD có điều kiện về ANTT với hơn 13.000 bị can. Vật chứng thu giữ gồm 1.317,2 gam heroine, 7.293 viên ma tuý tổng hợp, 6.618 gam ma tuý tổng hợp và nhiều tài liệu, tài sản có liên quan. Những thành tích đó đã từng bước ngăn chặn, kiềm chế tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần bảo đảm ANTT tại các địa phương; đồng thời tạo hiệu ứng tuyên truyền vận động người dân, nhất là thanh thiếu niên nâng cao hiểu biết, không hoạt động phạm tội hoặc vi phạm pháp luạt về ma túy.

Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy chủ trì, phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Ninh bắt quả tang 211 đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại khách sạn Family 88888, phường Tân Hồng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Mặc dù đã đặt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên thời gian tới do dịch Covid-19 được kiểm soát, các CSKD có điều kiện về ANTT hoạt động bình thường trở lại sẽ là điều kiện để tội phạm ma túy tăng cường hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm ma túy tại các CSKD có điều kiện về ANTT, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung công tác trọng tâm sau: (1). Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo, tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025; (2). Chủ động đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, trong đó kịp thời nhận diện những thay đổi trong phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy tại CSKD có điều kiện về ANTT để có giải pháp, biện pháp đấu tranh phù hợp. Thực hiện công tác ĐTCB theo 5 lĩnh vực của hệ lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy trên toàn quốc; trong đó cần đặc biệt quan tâm đến công tác điều tra cơ bản theo lĩnh vực phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và lĩnh vực phòng, chống tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Trên cơ sở kết quả công tác điều tra, chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này; (3). Thực hiện hiệu quả công  tác nghiệp vụ cơ bản, tổ chức phân công, phân cấp cụ thể cho từng cấp công an, trong đó đặc biệt quan tâm thực hiện tại lực lượng công an cơ sở (cấp xã), do đây là địa bàn theo dõi, phối hợp quản lý trực tiếp đối với các CSKD có điều kiện về ANTT cũng như số đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Từ đó phát huy vai trò lực lượng công an cấp xã, đồng thời gắn trách nhiệm để không xảy ra tình trạng thờ ơ, buông lỏng, thậm chí là tiếp tay, bảo kê cho tội phạm; (4). Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xã hội, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính và các lực lượng khác trong Công an nhân dân như: Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát kinh tế, lực lượng kỹ thuật hình sự, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.., để chủ động phát hiện, đấu tranh, bắt giữ xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật tại CSKD có điều kiện về ANTT. Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan để đấu tranh với tội phạm tại CSKD có điều kiện về ANTT hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển do đây là địa bàn nhạy cảm, các đối tượng thường tìm cách hoạt động trong khi công tác quản lý lại có sự đan xen, chồng lấn giữa nhiều lực lượng./.

Nhật Nam