Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước. Với vị trí địa lý thuận lợi cùng chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi, thu hút các nhà đầu tư, những năm qua tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng trở thành địa phương phát triển năng động nhất trong vùng kinh tế trọng điểm. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn liên tục được hình thành đã giúp địa phương xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng mới, hiện đại, từng bước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Với đặc điểm là tỉnh phát triển công nghiệp có nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến việc mua bán, sử dụng tiền chất ma túy trong những lĩnh vực hợp pháp như y tế, công nghiệp; trong đó có những doanh nghiệp nhập khẩu hóa chất là tiền chất với số lượng lớn. Theo thống kê, hiện tỉnh Bình Dương có 22 doanh nghiệp kinh doanh tiền chất, 165 doanh nghiệp có sử dụng tiền chất công nghiệp hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực: sản xuất nhựa, sơn, keo, mực in, chế biến gỗ, sơn gỗ, sản xuất giày dép, chế biến mủ cao su, sản xuất, gia công hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất linh kiện điện tử, xi mạ, dệt nhuộm; 05 công ty sản xuất thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện; 07 cơ sở kinh doanh thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; 42 cơ sở khám chữa bệnh sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất. Mặc dù tất cả các tiền chất đều được đăng ký sử dụng hợp pháp trong nghiên cứu khoa học, y học, công nghiệp…; tuy nhiên nếu không có cơ chế, biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ xảy ra nguy cơ thất thoát vào hoạt động bất hợp pháp như sản xuất trái phép chất ma túy, gây phức tạp về an ninh trật tự.
Ý thức được tầm quan trọng của công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, trong những năm qua UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các các ngành, các cấp quan tâm thực hiện công tác này. Thực hiện các quy định của Chính phủ, ngày 21/9/2011, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các lực lượng: Công an, Công Thương, Y tế và Cục Hải quan tỉnh ký Quy chế số 01 về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh; ngày 29/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2197/QĐ-UBND kiện toàn Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; tiếp đó ban hành Quyết định số 1341, ngày 04/8/2021 kiện toàn Tổ công tác liên ngành, chỉ đạo tập trung thực hiện các nội dung công tác trọng tâm như: Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng và các lực lượng có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các nội dung theo Quy chế phối hợp số 01; tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi lợi dụng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần để sản xuất ma túy tổng hợp bất hợp pháp và vi phạm pháp luật.
Là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống ma túy, Công an tỉnh Bình Dương đã xây dựng các Kế hoạch số 40, Kế hoạch số 41 tổ chức Hội nghị tập huấn các quy định của pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cho cán bộ làm công tác quản lý, kiểm soát tiền chất thuộc các sở, ngành và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan. Tổ chức kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân có các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh Bình Dương; trong đó tập trung kiểm soát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng các chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất trong lĩnh vực y tế và công nghiệp.
Lực lượng Công an phối hợp với Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra cơ sở kinh doanh hóa chất trên địa bàn tỉnh để phòng ngừa sai phạm.
Kết quả năm 2021, Công an tỉnh Bình Dương đã tổ chức tập huấn cho 300 doanh nghiệp và các cá nhân có hoạt động hợp pháp liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tiền chất ma túy trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Từ năm 2017 đến nay, Tổ công tác liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra tổng số 22 doanh nghiệp; đã phát hiện 16 doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong hoạt động mua bán, quản lý sử dụng tiền chất ma túy, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 500 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các ngành Công Thương, Y tế, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đề nghị các lực lượng thường xuyên xây dựng các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo lĩnh vực, ngành nghề phụ trách để kịp thời phát hiện, phòng ngừa sai phạm.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Số lượng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh rất nhiều, nhưng cán bộ làm công tác này còn ít, chưa có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực kiểm soát hợp pháp; việc mua bán tiền chất trong nội địa khó kiểm soát, nhất là đối với các cửa hàng bán hóa chất nhỏ lẻ. Cơ quan cấp phép nhập khẩu tiền chất không gửi thông báo cấp giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần đối với các doanh nghiệp cho Sở, ngành địa phương nên không nắm bắt, kiểm soát toàn diện tình hình.
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát các goạt động hợp pháp liên quna đến ma túy, thời gian tới Công an tỉnh Bình Dương tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Phát huy vai trò là đơn vị đầu mối kết nối các sở, ngành đẩy mạnh công tác kiểm soát, quản lý các hoạt động hơp pháp liên quan đến ma túy. Hàng quý, chỉ đạo Tổ công tác liên ngành kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tổ chức họp đánh giá kết quả công tác, báo cáo UBND tỉnh và các ngành kết quả để kịp thời theo dõi, chỉ đạo. Đề xuất các đơn vị có chức năng cấp phép xuất nhập khẩu tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần khi cấp phép phải thông báo cho các cơ quan chức năng của địa phương theo dõi, quản lý. Đề nghị các sở, ngành theo chức năng, thẩm quyền thường xuyên tuyên truyền, tập huấn về công tác quản lý, sử dụng tiền chất ma túy, chất hướng thần, chất gây nghiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý, sản xuất, kinh doanh tiền chất và kiểm soát chặt chẽ đến khâu cuối cùng là hàng hóa.
Đồng thời chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy lựa chọn cán bộ có trình độ chuyên môn về lĩnh vực hóa chất, tiền chất tham gia các khóa đào tạo, tập huấn của cơ quan cấp trên để phục vụ công tác; làm tốt công tác điều tra cơ bản để nắm chắc tình hình địa bàn; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để chấn chỉnh, khắc phục, xử lý kịp thời sai phạm của doanh nghiệp, cá nhân, với mục đích không để thất thoát vào hoạt động bất hợp pháp của các đối tượng xấu, góp phần phòng ngừa tội phạm sản xuất trái phép chất ma túy/.
Nhật Nam