Nóng bỏng ma túy tuyến biên giới Việt - Lào

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới Việt – Lào những năm qua, các lực lượng chức năng đã tích cực đấu tranh, trấn áp, triệt xóa nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn ở Nghệ An, Sơn La, Điện Biên. Nhiều cán bộ, chiến sỹ của Bộ đội Biên phòng, Công an đã bị thương và anh dũng hy sinh góp phần mang lại bình yên cho các bản làng nhưng tình hình tội phạm ma túy còn nhiều diễn biến phức tạp, đầy cam go và quyết liệt.
14/08/2014 | Article Rating
Nước ta đường biên giới giáp với Lào dài 2067 km, gồm 10 tỉnh của Việt Nam dọc biên giới là: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Tiếp giáp với 10 tỉnh của Lào là: Phong Sa Lỳ, Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Savanakhet, Sê Kông, Khăm Muộn, Acwtap và Salavan. Có 07 cửa khẩu quốc tế, 06 cửa khẩu quốc gia, 13 cửa khẩu địa phương và hàng trăm đường tiểu ngạch, sông suối qua lại biên giới. Có 35 huyện, 138 xã, 01 thị trấn giáp với nước bạn Lào.
Do điều kiện địa lý tự nhiên, biên giới Việt Nam – Lào ở gần khu vực “Tam giác vàng”, là địa bàn phức tạp về ma túy của thế giới. Trong những năm qua, ma túy ở khu vực “Tam giác vàng” luôn luôn gia tăng. Theo thông báo của UNODC, lượng ma túy sản xuất tại khu vực “Tam giác vàng” năm 2013 tăng 26%, khoảng trên 700 tấn ma túy các loại và 1,4 tỷ viên ma túy tổng hợp. Đồng thời hai nước cũng đang chịu ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực, mặt trái của việc hội nhập kinh tế thị trường nên tội phạm ma túy còn nhiều tiềm ẩn phức tạp. Trong thời gian gần đây, qua công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy cho thấy, việc tái trồng cây thuốc phiện và một số loại cây có chứa chất ma túy có chiều hướng phức tạp trở lại ở một số địa bàn khu vực biên giới khó kiểm soát. Mua bán, vận chuyển heroin, ma túy tổng hợp (ATS), thuốc tân dược gây nghiện, tiền chất có chiều hướng tăng mạnh. Tập trung ở một số tuyến, địa bàn: cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên), Pa Háng và Chiềng Khương (Sơn La), Na Mèo (Thanh Hóa), Thanh Thủy và Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị). Địa bàn tàng trữ ma túy phức tạp là các xã biên giới thuộc khu vực Vân Hồ, Mộc Châu, Sông Mã (Sơn La), Mường Nhé (Điện Biên), Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương (Nghệ An), Quan Hóa, Mường Lát (Thanh Hóa), Hương Sơn (Hà Tĩnh), Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuyến phức tạp là tuyến đường 6, đường 7, đường 8, đường 9, đường 48 và đường 217 là những tuyến trọng điểm vận chuyển ma túy từ các địa bàn biên giới vào sâu trong nội địa.
Đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy thường là người dân tộc thiểu số khu vực biên giới hai nước, có quan hệ thân tộc, làm ăn qua lại biên giới, có cuộc sống khó khăn, hạn chế về nhận thức, bị đối tượng ma túy lợi dụng, mua chuộc để vận chuyển ma túy, tạo thành các tụ điểm ma túy phức tạp, lái xe khách, xe quá cảnh, công nhân các công ty liên doanh có các công ty đầu tư tại Lào thường đi lại qua biên giới.
Công dân hai nước lợi dụng buôn bán, sinh sống, làm ăn, thăm thân, du lịch, chữa bệnh, du học để vận chuyển ma túy, tiền chất qua lại biên giới.
Đặc biệt nhóm đối tượng là công dân hai nước phạm tội ma túy trong các vụ án đang điều tra, hoặc các đối tượng có lệnh truy nã về ma túy lẩn trốn, móc nối với người bản xứ để mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn về Việt Nam.
Tuyến vận chuyển ma túy chủ yếu bằng đường bộ, đường hàng không, lợi dụng xe chở hàng hóa nhiều, cồng kềnh như xe chở gỗ, hoa quả, đồ hóa mỹ phẩm, lương thực (ngô, sắn,…), hàng đông lạnh để cất giấu ma túy, lợi dụng xe du lịch mang biển kiểm soát Lào; tự tạo ra các vách ngăn, bí mật khó kiểm tra trên các linh kiện phương tiện giao thông để cất giấu và vận chuyển ma túy vào sâu trong nội địa tiêu thụ (như vụ Tráng A Tàng).
Sử dụng đông người để vận chuyển ma túy, trong đó có đối tượng mang hàng, có đối tượng cảnh giới, có đối tượng mang vũ khí để bảo vệ. Khi phát hiện chúng chống trả quyết liệt, hoặc chạy vào rừng, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra truy bắt của các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.
Do tình hình kinh tế của đồng bào dân tộc còn khó khăn, lợi nhuận mua bán ma túy lớn, nên tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới hai nước thời gian tới vẫn có diễn biến phức tạp và quyết liệt. Theo điều tra của các lực lượng chức năng, hiện nay trên tuyến biên giới Việt – Lào phát hiện nhiều đường dây vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” vào các tỉnh bắc Lào và tập kết tại một số tụ điểm sát biên giới Việt Nam ở Mường Mày (Phong Sa Lỳ); Mường Hợp (Luông Pha Băng); Sốp Bâu, Xiêng Xọ, Viêng Thoong (Hủa Phăn); Pa Hốc – Na Ư, Na Luông – Pa Thơm (Điện Biên); Pa Háng – Lóng Sập, Xiềng Khun – Chiềng Khương (Sơn La); Khằm Nàng – Pù Nhi – Trung Lý (Thanh Hóa); Nậm Bống – Quế Phong, Pha Vén – Nậm Cắn (Nghệ An); Lạc Xao – Cầu Treo (Hà Tĩnh); Đen Sa Vẳn – Lao Bảo (Quảng Trị).
Mặc dù những năm qua, các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy của các địa phương giáp với biên giới Lào đã tích cực đấu tranh triệt phá được nhiều đường dây mua bán ma túy từ Lào về Việt Nam. Bình quân mỗi năm bắt khoảng 4.000 vụ, trên 5.000 đối tượng. Nhưng tình hình tội phạm trên tuyến biên giới Việt – Lào vẫn diễn biễn phức tạp, xu hướng ngày càng quyết liệt hơn. Các đối tượng mua bán ma túy bị khởi tố, trốn sang Lào tiếp tục thu gom lượng ma túy lớn đưa về Việt Nam tiêu thụ. Nhiều vụ chúng mua bán, vận chuyển hàng trăm bánh heroin, hàng vạn viên ma túy tổng hợp, như vụ Nguyễn Văn Hoành vận chuyển 180 bánh heroin qua cửa khẩu Lao Bảo – Quảng Trị; Lê Mạnh Lương vận chuyển 199 bánh heroin qua cửa khẩu Cha Lo; ngày 26/5/2009 Công an Thanh Hóa bắt Siểng Phết thu 462.000 viên (= 41,5kg) ma túy tổng hợp. Ngày 26/8/2012, công an Hòa Bình bắt 03 đối tượng người Lào vận chuyển 100 bánh heroin.

Đặc biệt những năm gần đây, các đối tượng người Lào móc nối với người Việt Nam, tổ chức thành từng tốp từ 05 đến 07 đối tượng, có tốp 10 đến 20 đối tượng, có trang bị vũ khí vượt biên giới, vận chuyển ma túy vào Việt Nam qua các địa bàn ở Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, gây tình hình phức tạp. Các lực lượng chức năng đã xây dựng kế hoạch đấu tranh truy bắt. Điển hình như ngày 26/7/2013, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các đơn vị bắt Tráng A Tàng, thu giữ 265 bánh heroin giấu trong thùng xe ô tô 2 đáy. Tại địa bàn huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, ngày 18/6/2014, đã bắt 02 đối tượng người Lào, thu giữ 40 bánh heroin; Ngày 19/7/2014, bắt 05 đối tượng người Lào thu giữ 110 bánh heroin và 5 khẩu súng các loại…

 

Ảnh: Tráng A Tàng và 265 bánh heroin giấu trong thùng xe ô tô bán tải

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới Việt – Lào những năm qua, các lực lượng chức năng đã tích cực đấu tranh, trấn áp, triệt xóa nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn ở Nghệ An, Sơn La, Điện Biên. Nhiều cán bộ, chiến sỹ của Bộ đội Biên phòng, Công an đã bị thương và anh dũng hy sinh góp phần mang lại bình yên cho các bản làng nhưng tình hình tội phạm ma túy còn nhiều diễn biến phức tạp, đầy cam go và quyết liệt.
Để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với tội phạm ma túy trong tuyến biên giới Việt - Lào. Các lực lượng phòng, chống ma túy của Việt Nam phải phối hợp tốt với lực lượng phòng, chống ma túy của Lào. Hàng tháng, quý các lực lượng phải tổ chức giao ban trao đổi kinh nghiệm ở các cấp, nhất là cấp tỉnh khu vực biên giới. Thường xuyên thông báo cho nhau thông tin về tình hình, cũng như thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy khu vực biên giới.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào quần chúng bảo vệ an ninh được tổ chức ở các xã, khu vực biên giới, để nhân dân biết về tác hại nguy hiểm của tội phạm ma túy, từ đó tích cực tham gia phòng, chống ma túy.
Tăng cường lực lượng, tích cực đấu tranh triệt xóa truy bắt các đối tượng phòng, chống ma túy túy tại các địa bàn trọng điểm ở tuyến biên giới như: Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã – Sơn La, Na Ư – Điện Biên, Tương Dương, Quế Phong (Nghệ An), Mường Lát, Quan Hóa – Thanh Hóa./.
Công Trình.