Quản lý tốt các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý để giữ bình yên trên thành phố mang tên Bác

TP. Hồ Chí Minh được xác định vừa là địa bàn tiêu thụ vừa là nơi bị các đối tượng lợi dụng để vận chuyển trái phép ma tuý từ nước ngoài về tập kết rồi đưa đi các địa phương, nước thứ ba. Do vậy công tác phòng, chống ma tuý nói chung, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý nói riêng luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn quan tâm đẩy mạnh.

31/12/2021 | Article Rating

Toàn thành phố hiện có 479 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp; 180 cơ sở kinh doanh thuốc thú y; 156 cơ sở đăng ký kinh doanh hoặc mở văn phòng đại diện tại Trung tâm dược phẩm, trang thiết bị y tế để hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất, nhập khẩu, phân phối các loại tân dược, trong đó có thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện và nhiều hiệu thuốc tân dược phân bố tại khu dân cư. Các cơ sở kinh doanh thuốc thú y chủ yếu tập trung tại Quận 12 và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè… Công tác kiểm tra, kiểm soát người, hàng hoá xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất ở TP. Hồ Chí Minh còn gặp nhiều khó khăn do mỗi năm các cảng xuất đi 2,5 triệu container, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp đón tới 38 triệu lượt khách đến và đi. Trong khi đó số lượng máy soi chiếu container còn thiếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiểm tra, phát hiện, xử lý, thu giữ ma tuý, tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn từ nhiều loại hoá chất được mua bán phổ biến tại chợ Kim Biên, Quận 5.

Từ năm 2011 đến nay, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma tuý, tiền chất, tân dược có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần, thu giữ 39,56 kg heroin, 83,24 kg cocain, 60,58 kg ma tuý “đá”, 508,57 kg ketamin, 121,49 kg ma tuý MDMA, 177,96 kg cần sa, 2.945,68 kg lá khát, 45.000 viên Tenamfetamine, 30.000 viên Tramadol, 2,753 kg Dental-9-Tetrahydrocanabinol, 94 kg tiền chất psuedoephedrine, ephedrine và phenmetrazine, trên 122.000 lọ/viên tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần. Năm 2014, Hải quan thành phố bắt giữ 10 vụ vận chuyển tiền chất, thu giữ 42,66 kg psuedoephedrine. Năm 2015, số vụ bắt giữ giảm dần, từ năm 2017 đến nay chưa phát hiện vụ việc nào. Nguyên nhân do công tác kiểm soát, quản lý thuốc chứa psuedoephedrine được siết chặt, nhiều công ty dược thay thế chất này bằng các loại hoạt chất khác trong quá trình sản xuất thuốc điều trị cảm cúm. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay, Công an thành phố (CATP) đã thu giữ một số chất gây nghiện, hướng thần như: Codein, Bromazepam, Tiletamine, Nitrazepam, Nimetazepam… được sử dụng trong các thuốc điều trị bệnh. Số lượng bị thu giữ không nhiều song là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng thất thoát tiền chất  vào mục đích sản xuất trái phép ma tuý. Hiện tại, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tập trung rà soát, phát hiện nguồn gốc các chất gây nghiện, hướng thần đã phát hiện, thu giữ để xử lý triệt để.

Lực lượng công an phối hợp với các ban, ngành chức năng phát hiện, bắt giữ 17.349 vụ, 37.264 đối tượng phạm tội về ma tuý. Qua thống kê, hiện nay toàn thành phố 28.523 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, trong đó có 12.596 người có mặt tại địa bàn (chiếm 44,16%) tổng số người nghiện ma tuý. Điển hình năm 2017, CATP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp xác lập, khám phá đường dây sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý do Văn Kính Dương cầm đầu. Dương là đối tượng bị Công an tỉnh Thanh Hoá truy nã về hành vi trốn khỏi nơi giam giữ sau đó bỏ trốn vào TP. Hồ Chí Minh. Khi nghiên cứu tìm ra công thức sản xuất, các đối tượng thu mua safole (tinh dầu xá xị) đưa về Đồng Nai, Khánh Hoà chế ra “thuốc lắc” rồi đưa vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Vật chứng thu giữ trong vụ án lên tới 133 kg “thuốc lắc” (tương đương 400.000 viên).

Dẫn giải Văn Kính Dương (áo xám) cùng đồng phạm đến phiên toà.

Trước tình hình trên, cấp uỷ, chính quyền thành phố đã quan tâm chỉ đạo các ban, ngành tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc quản lý, không để thất thoát. Công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện trong lĩnh vực công nghiệp, y tế được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Hoá chất, Luật Dược, Luật Thú y. Nhiều giải pháp về quản lý, kiểm soát được các sở, ngành chức năng triển khai đồng bộ, định kỳ các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực này đều báo cáo số liệu xuất, nhập khẩu, tồn trữ hiện có làm cơ sở để kiểm tra, đối chứng thực tế. Căn cứ vào mức độ vi phạm, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ xử lý theo quy định qua đó tạo hiệu quả răn đe. Ngoài ra, các sở, ngành thông qua việc kiểm tra đã nhắc nhở, chấn chỉnh doanh nghiệp chấp hành tốt quy định của pháp luật trong việc phát triển sản xuất, đồng thời không để thất thoát tiền chất vào sản xuất ma tuý.

Thành phố hiện có 1.282 cơ sở bán buôn và 6.573 cơ sở bán lẻ được cấp phép kinh doanh tân dược, trong đó nhiều cơ sở có phạm vi kinh doanh thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất và thuốc dạng hỗn hợp có chứa thành phần trên. Từ năm 2012 đến nay, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thành lập nhiều đoàn thanh tra xuống cơ sở kiểm tra hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng, tồn trữ nguyên liệu dùng làm thuốc là dược chất gây nghiện, hướng thần, tiền chất; thuốc dạng phối hợp có chứa chất gây nghiện, hướng thần, tiền chất trên địa bàn. Thành lập Hội đồng tư vấn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho cơ sở kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Sở Công thương tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 31/2015/QĐ-UBND, ngày 30/6/2015 ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động hoá chất; Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND, ngày 15/11/2016 ban hành Quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tồn trữ và vận chuyển hoá chất nguy hiểm trên địa bàn. Thành phố tăng cường thanh, kiểm tra các điều kiện hoạt động an toàn gắn với xử lý vi phạm, nhất là đối với tiền chất công nghiệp, tuyên truyền vận động doanh nghiệp, người dân phát hiện, ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng tiền chất trái pháp luật. Định kỳ hành năm, Sở tổ chức kiểm tra việc lập hồ sơ theo dõi riêng các tiền chất công nghiệp, hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, chế độ báo cáo. Tính đến ngày 15/7/2021, thành phố có 479 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoá chất có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được Sở Công thương thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Các mặt hàng chủ yếu là axeton, tuluen, metyl etyl keton, axit anhydric, piperonal dùng phổ biến trong sản xuất công nghiệp. Trong năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid -19, công tác thanh, kiểm tra chủ yếu tập trung vào số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, có nguy cơ mất an toàn trong hoạt động hoá chất.

Hàng năm, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng, triển khai kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát và phòng, chống ma tuý. Đơn vị thường xuyên chỉ đạo tổ chức lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát vi phạm trong địa bàn hoạt động hải quan nhằm phòng, ngừa, phát hiện, ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép ma tuý, tiền chất qua biên giới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hải quan thành phố đã làm thủ tục xuất nhập khẩu trên 25.000 tấn, trên 48.000 lít tiền chất các loại với 672 tời khai của 281 doanh nghiệp. Hải quan thành phố phối hợp với Tổ công tác liên ngành kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý Trung ương kiểm tra công tác quản lý tiền chất xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu, đến nay chưa phát hiện sai phạm lớn về phía doanh nghiệp. CATP tiếp tục thu thập, bổ sung thông tin thường xuyên vào hồ sơ về lĩnh vực tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; lập danh sách các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần; những đơn vị bị xử phạt làm cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình hành động của Tổ công tác liên ngành thành phố. Lực lượng công an chủ động rà soát, phát hiện vi phạm để xử lý nghiêm, đồng thời tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương có biện pháp kiểm soát phù hợp với tình hình thực tế.

Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường trao đổi thông tin, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực quản lý, kiểm soát tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần qua đó đề xuất xử lý vi phạm nếu có. CATP phối hợp với các sở, ngành kịp thời báo cáo, tham mưu chính quyền chỉ đạo công tác quản lý, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý. Trao đổi với các ngành về tình hình xuất, nhập khẩu, sử dụng tiền chất trên địa bàn để có hướng đấu tranh ngăn chặn tình trạng thất thoát tiền chất vào mục đích sản xuất trái phép ma tuý. Các sở, ngành phối hợp tập huấn cho các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc chứa tiền chất theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đề xuất đầu tư trang thiết bị, phương tiện soi chiếu, bộ kít xét nghiệm hiện đại gắn với tập huấn chuyên môn cho cán bộ để kịp thời phát hiện, xử lý vụ việc vận chuyển trái phép ma tuý tại địa điểm làm thủ tục hải quan. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về ma tuý, tiền chất ma tuý, chất gây nghiện, chất hướng thần và kết nối với cơ quan chức năng để cập nhật, theo dõi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để đấu tranh ngăn chặn từ sớm, từ xa không để nguồn ma tuý từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa./.

Thành Sơn