Hàng năm, Công an thành phố (CATP) tiến hành thống kê, rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy, qua đó xác định heroin là loại ma túy được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, số người sử dụng ma túy tổng họp (MTTH) có xu hướng gia tăng, thay thế dần ma túy truyền thống. Số này chủ yếu tập trung ở độ tuổi thanh thiếu niên, sử dụng với hình thức tụ tập đông người trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, khách sạn, nhà nghỉ. Số người sử dụng MTTH gia tăng, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện, bị lạm dụng trên địa bàn gần đây chứa hóa chất độc hại tác động đến hệ thần kinh trung ương gây rối loạn tâm, sinh lý, mất kiểm soát nhận thức, hành vi (“ngáo đá”) tiềm ẩn nguy cơ cao phạm tội hình sự và vi phạm pháp luật.
Trước thực trạng quản lý người sử dụng trái phép MTTH (chủ yếu là methamphetamine) dẫn đến đến suy giảm chức năng nhận thức, rối loạn hành vi còn nhiều bất cập, vướng mắc gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, xử lý đối tượng, sau khi lấy ý kiến góp ý của các đơn vị chuyên môn, ngày 11/6/2020, CATP ban hành Hướng dẫn số 22/HD-CAHN-PC04 hướng dẫn tạm thời về tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định đưa vào diện quản lý và biện pháp xử lý đối với người sử dụng trái phép MTTH dẫn đến suy giảm nhận thức, rối loạn loạn thần trên địa bàn (Hướng dẫn số 22). Đây là căn cứ để công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã chủ động kiểm danh, kiểm diện, quản lý chặt chẽ số người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy ở ngoài cộng đồng, đặc biệt là số sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” và đề ra biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp, kịp thời. Công an các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, lập danh sách thống kê số người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy; phân loại đưa vào danh sách quản lý số đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá”; thường xuyên xét nghiệm số đối tượng nghi nghiện, hoặc bị bắt giữ trong các vụ vi phạm hành chính, phạm tội hình sự để bổ sung vào danh sách quản lý, tránh bỏ sót; đưa người nghiện mới vào danh sách quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đồng thời vận động người nghiện tham gia các hình thức cai nghiện phù hợp. Công an cơ sở thực hiện các biện pháp phòng ngừa có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, cộng đồng, chính quyền địa phương nơi cư trú qua đó phát hiện, thông báo kịp thời khi đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Tổ chức kiểm tra hồ sơ quản lý đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” qua đó thẩm định, đánh giá, đề ra biện pháp phòng ngừa. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo khi có vụ việc do đối tượng gây ra, kịp thời nắm bắt, xác minh thông tin do báo chí phản ánh, người dân tố giác để xử lý kịp thời không để gây ra dư luận xấu trên địa bàn.
Tư vấn điều trị cho người nghiện ma túy trên địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên.
CATP phối hợp với các cơ quan truyền thông của trung ương và Hà Nội đăng, phát sóng đưa tin hàng tuần về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, biểu dương, kkhen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc. Cung cấp thông tin về phòng, chống tội phạm cho Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội để xây dựng “Bản tin 141” phát trên sóng truyền hình vào khung giờ cố định hàng ngày; tiếp nhận thông tin người dân phản ánh về tình hình an ninh trật tự thông qua fanpage “Công an thành phố Hà Nội” và Cổng thông tin điện tử CATP nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và triển khai dịch vụ công trực tuyến của đơn vị. Lực lượng công an vận động người dân phát hiện, cung cấp thông tin tố giác tội phạm ma túy qua hòm thư, đường dây nóng, phát phiếu thu tin, gọi hỏi, răn đe, giáo dục đối tượng trên địa bàn phụ trách nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa.
Đối tượng “ngáo đá” trèo lên mái chùa Cót, quận Cầu Giấy gây mất an ninh trật tự.
Cán bộ, chiến sỹ tăng cường bám sát, nắm vững tình hình cơ sở, thường xuyên đánh giá phân loại địa bàn phức tạp về ma túy, chủ động rà soát, quản lý chặt chẽ đối tượng tại nơi cư trú nhằm đảm bảo luôn giữ thế chủ động tấn công. Thông qua điều tra, thống kê, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã phân công trách nhiệm về quản lý địa bàn, đối tượng cho từng cấp, từng lực lượng, từng cán bộ, chiến sỹ để chủ động có biện pháp đấu tranh ngăn chặn hành vi phạm tội về ma túy, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy ở ngoài cộng đồng ổn định cuộc sống. Các đơn vị thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát tại địa bàn phức tạp có nhiều người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy, địa bàn giáp ranh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có vụ việc do đối tượng “ngáo đá” gây ra.
Bị cáo Dương Quang Bình giết em rể sau khi sử dụng ma túy, rượu nhận bản án tử hình do Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt ngày 21/7/2021.
Sau một tháng thực hiện rà soát theo Hướng dẫn 22, toàn thành phố đã bổ sung 321 đối tượng vào danh sách quản lý, trong đó có 09 đối tượng “ngáo đá”, 312 đối tượng có nguy cơ “ngáo đá”. Tính đến ngày 14/6/2021, CATP bổ sung mới 326 đối tượng vào danh sách quản lý để chủ động đánh giá biểu hiện, diễn biến hoạt động qua đó tiến hành phân loại, đề xuất chuyển loại, đưa đối tượng ra khỏi diện quản lý theo tiêu chí cụ thể, không để đối tượng ở ngoài cộng đồng gây ra vụ việc phức tạp khiến dư luận bức xúc. Các lực lượng đang quản lý 04 đối tượng “ngáo đá”, lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc đối với 42 trường hợp, vận động 95 trường hợp có nguy cơ “ngáo đá” đi cai nghiện. Từ tháng 6/2020 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 02 vụ việc, do 02 đối “ngáo đá” gây ra. Điển hình ngày 28/7/2020, tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, đối tượng Nguyễn Sỹ Cốp sau khi sử dụng MTTH có biểu hiện hoang tưởng đã dùng dao sát hại vợ mình.
Trong thời gian tới, công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 22 gắn với đánh giá kết quả, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để khắc phục nhằm đưa công tác quản lý đối tượng đi vào nề nếp. Trước mắt phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn về việc phát hiện sớm đối tượng có biểu hiện rối loạn thần kinh cấp tính để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn họ gây ra hành vi nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Rà soát, đối chiếu danh sách bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để bổ sung, đưa vào danh sách quản lý đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”.
Đẩy mạnh công tác nắm tình hình địa bàn, xử lý nghiêm hành vi mua bán, tàng trữ, chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Rà soát, đưa vào danh sách quản lý toàn bộ đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện và nguy cơ “ngáo đá”, theo dõi di biến động, biểu hiện hành vi để có biện pháp giải quyết với từng trường hợp cụ thể. Đối tượng có biểu hiện loạn thần, hoang tưởng cần nhanh chóng cách ly ra khỏi cộng đồng, không để gây ra hành vi vi phạm pháp luật.
Phối hợp với các đơn vị trong công tác quản lý hành chính về an ninh ninh trật tự, tuần tra kiểm soát địa bàn, đồng thời vận động nhân dân phát hiện, tố giác đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Thường xuyên gọi hỏi, răn đe, giáo dục, cảm hóa đối tượng; thu thập tài liệu để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân thành phố đưa ra xét xử điểm vụ án do đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” gây ra nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Phối hợp với ngành y tế chẩn đoán, xét nghiệm phân loại, theo dõi, lập hồ sơ quản lý để phòng ngừa, ngăn chặn người sử dụng MTTH có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội./.
Kim Long