Với mục tiêu nâng cao nâng cao nhận thức, trách nhiệm, từ đó vận động các cấp, các ngành và toàn dân chung tay đẩy lùi tệ nạn xã hội từ năm 2018 đến nay, các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an phối hợp với VTV, VOV, TTX, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền trên cơ sở bám sát nhiệm vụ được giao tại Đề án 2140 và các chương trình công tác hàng năm của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền nhất là trong Tháng hành động, Ngày quốc tế và toàn dân phòng, chống ma túy (PCMT) (26/6), Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7), Ngày quốc tế phòng, chống HIV/AIDS (01/12).
Các bộ, ngành đã định hướng cho các cơ quan truyền thông tập trung khai thác, phản ánh khía cạnh mới trong công tác phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm. Tuyên truyền, phản ánh ý kiến của chuyên gia, đại biểu Quốc hội, cử tri về quá trình xây dựng, sửa đổi luật; quyền và lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV, người nghiện ma túy, người bán dâm; hệ thống chăm sóc y tế; mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tội phạm, tệ nạn xã hội, giúp người yếu thế tái hòa nhập cuộc sống; kết quả công tác hợp tác quốc tế và những tiến bộ y học, chính sách phúc lợi, mô hình hiệu quả của các nước mà chúng ta cần tham khảo, học tập.
Đoàn viên huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ tham gia tuyên truyền PCMT.
Trong quá trình tác nghiệp, VTV duy trì việc đưa tin, bài phản ánh qua các bản tin thời sự hàng ngày, Chuyển động 24h, Chào buổi sáng, Cuộc sống thường ngày trên kênh VTV1, bản tin trên kênh VTV8, VTV9. Phản ánh chuyên sâu dưới dạng phóng sự, ký sự, phim tài liệu, tọa đàm như: Vấn đề hôm nay (VTV1), An ninh và cuộc sống (VTV2). Đài khai thác các phim tài liệu, phim khoa học nước ngoài từ nhiều nguồn có nội dung về phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm phát trên các kênh. Bên cạnh đó, VTV triển khai nhiều hình thức tuyên truyền dưới dạng phim tài liệu dài tập, phim truyền hình, clip cổ động, bàn tròn trực tuyến trên Báo điện tử VTV News. Từ năm 2018 đến nay, số chương trình tăng theo từng năm, được phủ sóng trên tất cả các kênh của Đài, những tin, bài nổi bật đều được đăng tải lại trên báo điện tử VTV News và ứng dụng xem truyền hình VTV Go.
VOV thực hiện các chương trình tọa đàm trực tiếp, chương trình chuyên đề về công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm trên hệ thống phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in trực thuộc, thông qua hình thức đưa tin, phóng sự, tọa đàm, chuyên mục, quảng bá, khách mời phòng thu. Đài tuyên truyền bằng 12 tiếng nước ngoài và tiếng Việt cho đồng bào ở xa Tổ quốc kênh VOV5; tuyên trên kênh VOV4 bằng 13 tiếng dân tộc tại 06 khu vực trên cả nước giúp đồng bào tiếp cận những thông tin cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm. Một số chương trình được nhà đài livetream trên mạng xã hội với lượng theo dõi đông đảo, đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời cho công chúng cả nước.
TTX thông qua gần 60 sản phẩm thông tin dưới dạng báo in, bản tin, báo ảnh, truyền hình bằng tiếng Việt, 12 tiếng dân tộc thiểu số, 10 tiếng nước ngoài đã truyên truyền về công tác PCMT, mại dâm, HIV/AIDS. TTX cung cấp thông tin, hình ảnh phục vụ hệ thống báo chí và trực tiếp đăng tải hơn 9.000 tin, bài, ảnh đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. TTX duy trì chuyên mục “Phòng, chống HIV/AIDS” của Ban Biên tập trong nước; chuyên trang, chuyên mục “Vấn đề quan tâm”, “Vấn đề hôm nay”, “Pháp luật” trên Báo điện tử baotintuc.vn, Báo Tin tức; chuyên mục “An sinh xã hội”, “Bản tin thời sự hàng ngày” trên kênh truyền hình Thông tấn, duy trì thông tin trên trang web, các mạng xã hội (fanpage, facebook, zalo, youtube). Ngoài ra, Báo ảnh Dân tộc miền núi, Báo Thể thao và Văn hóa đăng tải nhiều thông tin đặc sắc về công tác này ở các địa phương trọng điểm.
Các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an đẩy mạnh truyền thông trên website, cổng thông tin điện tử, báo, tạp chí, bản tin trực thuộc. Phối hợp với cơ quan báo chí xây dựng phóng sự, video clip phát trên sóng phát thanh, truyền hình, phát hành tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở. Lãnh đạo bộ và cấp cục trực thuộc tham gia trao đổi, chia sẻ thông tin tại các chương trình tọa đàm, khách mời phòng thu, phỏng vấn chuyên gia. Đặc biệt, ngày 11/10/2020, Bộ Công an phối hợp với VTV tổ chức chương trình Giao lưu nghệ thuật và Lễ tôn vinh điển hình tiên tiến trong PCMT có chủ đề “Đóa hồng yêu thương”, với sự tham gia của 208 đại biểu đại diện cho hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ nữ thuộc lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và công dân nữ toàn quốc. Bộ Y tế cập nhật ứng dụng từ mạng xã hội để xây dựng chuyên mục: Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Xóm cầu vồng, Tôi hẹn, K=K, PrEP nhằm cung cấp thông tin, quảng bá dịch vụ, đặt lịch hẹn tư vấn, xét nghiệm HIV, dự phòng phơi nhiễm cho các nhóm nam quan hệ đồng tính, người bán dâm, người chuyển giới, người nghiện ma túy có nguy cơ cao, bị kỳ thị.
Tôn vinh điển hình tiên tiến trong PCMT.
Thời gian qua, các bộ luôn quan tâm nâng cao năng lực truyền thông cho đội ngũ người làm báo. Điển hình, Bộ Công an tổ chức cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông tham gia tập huấn nâng cao trình độ lý luận, kỹ năng tuyên truyền, đi thực tế viết bài về công tác PCMT tại tỉnh Quảng Ninh, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Bộ Y tế phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc thi viết về đề tài phòng, chống HIV/AIDS năm 2017, tổ chức tập huấn và đi thực tế viết bài cho phóng viên, biên tập viên. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo định hướng tuyên truyền cho phóng viên về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nhân Tháng hành động PCMT (tháng 6) hàng năm, kết hợp tổ chức đoàn phóng viên đi tìm hiểu thực tế viết bài tại cơ sở cai nghiện ma túy. Các bộ quan tâm cử cán bộ làm đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin với các đơn vị trong thực hiện Đề án 2140 nhân dịp Tháng hành động PCMT, Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS hàng năm, cử cán bộ, phóng viên tham dự, đưa tin các đợt cao điểm truyền thông, sự kiện quan trọng. Sự phối hợp này giúp nội dung tuyên truyền sâu sắc, sát thực, mang hơi thở cuộc sống. Bên cạnh đó, hệ thống cộng tác viên trải rộng trên toàn quốc đã cung cấp nguồn tin, bài dồi dào, đảm bảo tính cập nhật, đa dạng về vùng miền góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.
Tỉnh Hòa Bình tuyên truyền hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống HIV/AIDS, năm 2019.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Đề án, thời gian tới các bộ là cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia tiếp tục phối hợp với cơ quan truyền thông xây dựng Đề án tăng cường phối hợp truyền thông giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng tiếp tục duy trì, đẩy mạnh truyền thông đến cấp tỉnh, giữa cấp tỉnh với trung ương để tạo sự thống nhất, nhiều chiều trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tăng thêm số lượng tác phẩm về đề tài PCMT, AIDS, mại dâm, mua bán người.
Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng ngừa, tuyên truyền, trong đó tập trung vào kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên cấp trung ương, cấp tỉnh và giáo viên khối trường học. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên gắn với việc đi cơ sở, trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với nhân vật để phản ánh chính xác, khách quan, tránh bôi đen, tô hồng.
Đầu tư biên soạn tài liệu từ nhiều nguồn đảm bảo tính đồng bộ trong tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức truyền thông PCMT, mại dâm, lây nhiễm HIV. Các ngành phối hợp với các nhà mạng viễn thông truyền tải thông điệp đến thuê bao điện thoại di động, xây dựng sản phẩm truyền thông phù hợp với độ tuổi thanh thiếu niên phát trên youtube, facebook, zalo…, lồng ghép chủ đề phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong các show truyền hình thực tế, có đông khán giả theo dõi. Đặt hàng, xây dựng phim truyền hình, phim tài liệu dài tập phát sóng trên VTV; đặt hàng VOV, TTX sản xuất video clip ngắn phát trên sóng và các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, Tik Tok. Tổ chức các cuộc thi viết về đề tài PCMT, mại dâm, HIV/AIDS, mua bán người kết hợp với trao giải vào những đợt liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc qua đó tạo ra làn sóng truyền thông có diện bao phủ rộng, có chiều sâu lan tỏa trong đời sống.
Các bộ tiếp tục chỉ đạo cơ quan tham mưu tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin và định hướng nội dung tuyên truyền cho cơ quan truyền thông, lồng ghép với hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất nội dung tuyên truyền, có cơ chế đặt hàng sản phẩm truyền thông và tổ chức cho phóng viên chuyên trách đi thực tế cơ sở. Đối với các cơ quan truyền thông cần thường xuyên xây dựng tin, bài theo nội dung định hướng của các cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia. Tạo điều kiện cho phóng viên, biên tập viên tham gia hội thảo, tập huấn, đi thực tế cơ sở để phản ánh vấn đề mang tính thời sự, hấp dẫn, hiệu quả. Ưu tiên bố trí kinh phí xây dựng chương trình truyền thông có chất lượng về đề tài PCMT, mại dâm, AIDS phát sóng vào khung giờ vàng hàng ngày./.
Thành Sơn