Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu các bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Ủy ban Quốc gia), Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy từ ngày 1-30/6/2021 với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy".
Qua 20 năm triển khai Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg ngày 13/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ, Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6) và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (ngày 26/6) đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân, thể hiện sự đồng thuận và cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay ngăn chặn hiểm họa ma túy.
Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy
Để các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy; Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy được tổ chức đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Ủy ban Quốc gia), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy từ ngày 1-30/6/2021 với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy".
Tháng hành động là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống ma túy trên phạm vi toàn quốc, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội trong công tác phòng, chống ma túy. Các hoạt động của Tháng hành động cần được triển khai thiết thực, hiệu quả, tạo hiệu ứng về truyền thông, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhiệm vụ triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021 gồm: tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, đặc biệt là những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khác gồm: tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng như băng rôn, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền; tuyên truyền trên hệ thống thông tin và truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh truyền thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động...
Ngành chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học.
Huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy; tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông, hỗ trợ cai nghiện và hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng...; mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; tăng cường quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng quảng cáo, lôi kéo sử dụng, mua bán trái phép các chất ma túy trên mạng xã hội; truy tố và xét xử các vụ án ma túy điểm để tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, không để phát sinh tệ nạn ma túy; kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy.
Ngọc Bảo