Báo động tình trạng người dân trồng và sử dụng trái phép các sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên toàn quốc, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện tình trạng người dân trồng và sử dụng trái phép cây có chứa chất ma túy (cây thuốc phiện, cây cần sa); là nguy cơ tiềm ẩn của tội phạm sản xuất trái phép chất ma túy, gây mất an ninh trật tự. Thực trạng trên đang đặt ra những yêu cầu cấp bách  trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý với các cá nhân vi phạm.

27/04/2021 | Article Rating

Theo báo cáo Quý I năm 2021 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, từ đầu năm đến nay trên phạm vi toàn quốc, tình trạng người dân trồng và sử dụng trái phép sản phẩm từ các loại cây có chứa chất ma túy (cây thuốc phiện, cây cần sa) diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: TP Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Đắk Nông, Đắk Lắk... Thủ đoạn phổ biến là trồng tại nhà riêng, vườn nhà hoặc trồng đan xen với cây công nghiệp, nông nghiệp... để ngâm rượu, chữa bệnh hoặc sử dụng vào mục đích khác. Điển hình như trong hai ngày 21/3/2021 và ngày 27/3/2021, Công an TP Hà Nội phát hiện hai hộ dân trồng tổng số 415 cây thuốc phiện trên diện tích 10m2 và trong thùng xốp, chậu nhựa trong vườn nhà. Trước đó, ngày 05/3/2021, Công an huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) phát hiện, nhổ bỏ trên 1.500 cây cần sa được trồng trái phép trong rẫy cà phê; ngày 19/02/2021, Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phát hiện vụ trồng cây thuốc phiện, cần sa trong khu vực vườn nhà của người dân, phá nhổ hơn 3.000 cây. Cuối tháng 12/2020, Công an huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông phát hiện vụ trồng cây cần sa quy mô lớn trong khu vực rẫy cà phê của người dân, tạm giữ 02 đối tượng, nhổ bỏ, tiêu hủy gần 1.500 cây cần sa. Trong 3 tháng đầu năm 2021, tại một số xã của thị xã Sa Pa (Lào Cai), lực lượng công an cơ sở liên tục phát hiện tình trạng người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông) lén lút trồng cây thuốc phiện trên các nương ruộng thành từng luống như rau ăn. Khi bị phát hiện, phá nhổ họ đều khai nhận do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, kinh tế khó khăn nên trồng cây thuốc phiện bán cho khách du lịch để tăng nhu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Trong các vụ việc trên, người dân chỉ bị xử lý hành chính (do chưa đến mức xử lý hình sự) nên hiệu quả răn đe thấp, dẫn đến tình trạng trồng cây chứa chất ma túy vẫn có nguy cơ diễn ra tại nhiều địa phương, không kể ở khu vực nông thôn, miền núi hay thành thị.

Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang phát hiện, triệt phá diện tích lớn cây thuốc phiện, cây cần sa được người dân trồng trong vườn nhà.

Từ những vụ việc trên cho thấy, tình trạng người dân trồng, sử dụng cây có chất ma túy đang gia tăng và có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Cùng với việc một số đối tượng cố ý trồng cây thuốc phiện để kiếm lời; không ít trường hợp người dân trồng cây thuốc phiện do thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc khi bị phát hiện thì viện lý do đời sống khó khăn, phải tìm kế sinh nhai khiến cơ quan chức năng gặp nhiều lúng túng trong xử lý, chủ yếu là nhắc nhở hoặc xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến hiệu quả răn đe không cao. Vì vậy, nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì tình trạng trồng, sử dụng sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy sẽ có nguy cơ lan rộng, bị tội phạm lợi dụng vào hoạt động sản xuất ma túy trái phép gây phức tạp về ANTT.

Cây thuốc phiện được trồng tại nương rẫy của người dân ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) bị cơ quan Công an phát hiện, phá nhổ.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tình trạng trên, trong thời gian tới Công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính và công an cơ sở (cấp xã) cần tập trung một số giải pháp trọng tâm như: Chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về những tác hại, ảnh hưởng của việc sử dụng cây thuốc phiện, cây cần sa và những sản phẩm từ cây thuốc phiện, cây cần sa đối với sức khỏe con người. Tuyên truyền những quy định, chế tài xử phạt nghiêm khắc của pháp luật (nhất là Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy năm 2021) đối với các hành vi liên quan đến việc trồng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép cây thuốc phiện, cây cần sa. Vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống ma túy; kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm ma túy,  các hành vi trồng cây có chứa chất ma túy trái phép tại nhà riêng, vườn nhà, các địa điểm công cộng... của các đối tượng với cơ quan chức năng.

Tăng cường công tác quản lý địa bàn, đối tượng để nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm ma túy; trên cơ sở đó có phương án phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả; rà soát, phát hiện các vụ việc trồng cây có chứa chất ma túy để nhanh chóng triệt xóa và triển khai các biện pháp phòng chống tái trồng; hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp, hỗ trợ về lực lượng, phương tiện giúp Công an các quận, huyện, thị xã tập trung đấu tranh với các đối tượng, đường dây tội phạm về ma túy; chỉ đạo lực lượng công an cơ sở (nhất là công an cấp xã) tăng cường công tác quản lý hành chính, rà soát nắm chắc nhân hộ khẩu đề phòng ngừa, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các đối tượng trồng, chế biến, sử dụng trái phép sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện những đối tượng có nghi vấn liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, đặc biệt là việc rao bán hạt giống, hướng dẫn phương thức, cách trồng cây có chứa chất ma túy trên mạng internet (qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram…) để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.

Bên cạnh đó, hiện nay Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới, một số nước trong khu vực Đông Nam Á có chủ trương hợp pháp việc hóa trồng, sử dụng cần sa nhằm tạo sức hút cho các ngành du lịch, dịch vụ để phát triển kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề cua dịch Covid-19. Vì nằm trong cùng khu vực, lại có đường biên giới dài nên chủ trương trên của các quốc gia chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta. Do đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhất là lực lượng Công an cần nắm chắc tình hình để tham mưu Chính phủ chủ động có các giải pháp đối phó nhằm thực hiện nhất quán quan điểm “không hợp pháp hóa các chất ma túy” được nêu tại Chỉ thị 36 - CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị; đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của chủ trương trên đối với công tác phòng, chống ma túy và tình hình ANTT của đất nước./.

                                                                             Nhật Nam