Ngày 08/4/2021, Khoa Khám bệnh - Cấp cứu, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đã tiếp nhận học sinh nam L.H.T.A. 16 tuổi, ở quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng trong tình trạng lơ mơ, nói nhảm, tê toàn thân, tay chân có dấu hiệu co rút. Theo lời kể của giáo viên, A. sau khi được bạn cho uống loại thuốc không rõ nhãn hiệu có biểu hiện lơ mơ, tê toàn thân. Qua thăm khám bước đầu, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị ngộ độc chất kích thích tác động lên hệ thần kinh gây ức chế. Bệnh nhân được cho thở oxy đảm bảo hô hấp, gắn monitor theo dõi huyết động liên tục, an thần giãn cơ, đặt đường truyền, xét nghiệm các tiền chất gây nghiện. Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực theo dõi, điều trị trong tình trạng ổn định. Bác sĩ Đỗ Văn Tá, Khoa Khám bệnh - Cấp cứu cho biết bệnh nhân đã nuốt phải tinh dầu của thuốc lá điện tử nên dẫn đến các biểu hiện trên.
Gần đây, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã điều trị cho một số bệnh nhân đang là học sinh đến từ tỉnh Yên Bái. Theo thông tin từ gia đình, ban đầu các em được cho và sau đó phải mua một loại thuốc lá mới xuất hiện, được mua bán trên mạng xã hội. Học sinh sử dụng và sau đó có biểu hiện tinh thần bất thường, tay chân “khua khoắng” liên tục như sử dụng ma túy, đến mệt lả rồi ngủ thiếp đi. Qua kiểm tra cho thấy loại thuốc lá này chứa loại hóa chất mới, rất khó nhận biết, phải qua nhiều lần xét nghiệm mới phát hiện được. Tháng 3/2021, Trung tâm chống độc tiếp nhận trường hợp nam giới 23 tuổi có biểu hiện hoang tưởng, kích động dữ dội sau khi dùng thuốc lá điện tử. Qua xét nghiệm phát hiện có chứa cần sa trong loại thuốc lá điện tử mà thanh niên này sử dụng.

Trào lưu hút thuốc lá điện tử đang đầu độc giới trẻ.
Ngày 22/12/2020, sau giờ ra chơi em V.A.D. (lớp 8, Trường THCS Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) bị chóng mặt và ngất xỉu ở ngoài cửa lớp. Phát hiện sự việc, nhân viên y tế nhà trường tiến hành sơ cứu rồi đưa vào Bệnh viện đa khoa Ngô Quyền cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định D. có biểu hiện bị cảm nên đã truyền nước, sau đó em hồi phục sức khỏe, được cho về nhà theo dõi. Qua kiểm tra, nhà trường xác định trong giờ ra chơi, D. đi vào nhà vệ sinh và được B. (học sinh cùng khối) cho hút thuốc lá điện tử rồi ngất xỉu khi về đến lớp. Em B. đã thừa nhận loại thuốc lá điện tử trên là hàng trôi nổi, mua trên mạng xã hội. Theo thầy Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, việc học sinh sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học là vi phạm nội quy nên buộc phải thi hành kỷ luật, theo đó nhà trường đã tạm đình chỉ học tập 03 ngày đối với em D. và tạm đình chỉ học tập 07 ngày đối với em B..
Thuốc lá điện tử hầu hết đều chứa nicotin, gây tổn hại cho não bộ, nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên. Phơi nhiễm nicotin cấp tính do nuốt, hít dung dịch trong thuốc lá điện tử hay bị bắn vào mắt, dính trên da có tác hại lớn. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho việc học tập, học sinh không nên sử dụng thuốc lá điện tử và các chất lạ khi chưa biết rõ nguồn gốc. Thạc sỹ, bác sỹ Vũ Văn Thành, Bệnh viện Phổi Trung ương cảnh báo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tác động rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là giới trẻ. Thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2005 đến nay đã có nhiều ca tử vong vì sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới gây tổn thương nhu mô phổi, viêm phổi. Đây đều là tổn thương cấp tính.

Tinh dầu là hàng trôi nổi chứa hóa chất độc hại.
Các thành phần có trong thuốc lá thế hệ mới ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút. Nicotin sử dụng kéo dài gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Propylene glycol có thể tạo thành propyleneoxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng. Glycerin/glycerol gốc thực vật khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, có thể gây kích ứng đường hô hấp trên, các kim loại nặng trong khói thuốc cũng là chất gây ung thư. Khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lâu dài, người sử dụng sẽ mắc các bệnh lý mãn tính như tim mạch, ung thư. Tổ chức Y tế thế giới khẳng định không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử ít gây hại hơn so với thuốc lá điếu truyền thống. Đây là một dạng sản phẩm thuốc lá nên chúng không thể được coi là công cụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hiệu quả. Ngược lại, người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vẫn có nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu thông thường và thực tế có nhiều người sử dụng đồng thời cả hai loại này.

Thuốc lá điện tử dễ dàng mua trên mạng xã hội.
Hiện nay, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta đang phải đối mặt với những thách thức từ tỉ lệ hút thuốc lá điện tử có xu hướng tăng. Năm 2019, kết quả đợt khảo sát do Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành cho thấy, có tới 2,6% học sinh từng sử dụng thuốc lá thế hệ mới. Trong đó, tỉ lệ sử dụng thường xuyên là 0,8% và có dấu hiệu cho thấy những con số này đang gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở giới trẻ. Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cũng cho thấy, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành có xu hướng tăng từ 0,2% năm 2015 lên 0,7% năm 2020.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, thuốc lá điện tử là mặt hàng không được bầy bán công khai như thuốc lá điếu truyền thống. Việc buôn bán loại mặt hàng cấm này chủ yếu qua kênh cá nhân gắn với mác “hàng xách tay”, “quà biếu”… không có bất cứ tem nhãn cảnh báo như thuốc lá điếu truyền thống. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người rao bán công khai các loại thuốc lá nung nóng, xì gà, tinh dầu thuốc lá điện tử, shisa có giá trị lớn. Không loại trừ việc đối tượng xấu trà trộn, pha chế các chất ma túy vào thuốc lá điện tử, shisa để dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên sử dụng rồi sa vào con đường nghiện ngập.
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, ma túy trong cộng đồng, cần có sự vào cuộc tích cực của các ngành hải quan, công an, quản lý thị trường, thông tin truyền thông nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử trôi nổi, nhất là việc quảng cáo, mua bán trên mạng xã hội, tại nơi công cộng; xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu theo quy định của pháp luật. Ngành y tế cần đầu tư nâng cao năng lực xét nghiệm, phân tích tìm ra hóa chất độc hại trong tinh dầu thuốc lá điện tử qua đó xây dựng phác đồ điều trị ngộ độc. Đối với thanh thiếu niên cần có sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường để con em mình không bị sa đà vào trào lưu đầy tai hại này./.
Lạc Viên