Công tác cai nghiện ma túy và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới

Ngày 07/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 424/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020, trong đó đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm kiềm chế, tiến tới kéo giảm tội phạm và tệ nạn ma túy ở trong nước. Báo cáo tổng kết Chương trình cho thấy nhiều lĩnh vực đã đạt kết quả tích cực, trong đó có công tác cai nghiện; tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn khi một số mục tiêu chưa đạt, là cơ sở để cơ quan soạn thảo  cân nhắc xây dựng nội dung này trong chương trình giai đoạn 2021 - 2025.

29/03/2021 | Article Rating

Kết quả cai nghiện chưa bền vững

Theo báo cáo tổng kết Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở nước ta liên tục tăng, từ năm 2016 đến năm 2019; hiện cả nước hiện có hơn 235 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, chiếm khoảng 0,24% dân số cả nước, tăng trên 10% (tương đương 24.262 người) so với năm 2016 (với 210.751 người); trung bình mỗi năm tăng 2,5%. Tuy nhiên, nếu thống kê cả số người nghi nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy thì con số còn cao hơn nhiều. Về thành phần, tỷ lệ người nghiện là nam giới chiếm khoảng 97%, nữ giới chiếm khoảng 3%. Đáng báo động, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến; tỷ lệ sử dụng MTTH chiếm 70-80% trong tổng số người nghiện.

Sử dụng trái phép chất ma túy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý, thậm chí cả tính mạng người sử dụng; tỷ lệ người nghiện, sử dụng ma túy vi phạm pháp luật và phạm các tội hình sự khác khá cao (chiếm khoảng 34% trong tổng số các vụ phạm tội); đặc biệt nhiều người sử dụng MTTH trong thời gian dài dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi, “ngáo đá” gây rối trật tự công cộng, tai nạn giao thông, thậm chí gây ra các vụ án mạng, giết người dã man… làm lo lắng, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện Chương trình PCMT, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan chủ trì đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác dự phòng nghiện ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai; chỉ đạo toàn ngành và hướng dẫn các địa phương tập trung triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, cải thiện hệ thống cơ sở vật chất. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 113 cơ sở cai nghiện (97 cơ sở công lập và 16 cơ sở tự nguyện). Kết quả, đã tổ chức cai nghiện cho 162.225 lượt người tại cơ sở cai nghiện, tăng hơn 10% số lượt người cai nghiện (tương đương gần 17 nghìn người nghiện) so với 5 năm giai đoạn 2011-2015. Hiện 15/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng với số người được cai nghiện là 22.284 người; đã tổ chức dạy văn hóa, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho 76.318 người; quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng cho trên 116 nghìn người nghiện.

Hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học viên cai nghiện ở các Trung tâm cai nghiện của TP Hồ Chí Minh

Nhìn chung, sau gần 4 năm thực hiện Chương trình, công tác điều trị và cai nghiện đã được quan tâm triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế như: số người nghiện liên tục tăng qua từng năm, là một trong những nguyên nhân làm tăng số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy (trung bình mỗi năm tăng 2,5%); hiệu quả công tác cai nghiện, nhất là cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn rất thấp, tỷ lệ tái nghiện cao; số người được cai nghiện tại cộng đồng và dạy nghề, tạo việc làm còn ít; việc huy động nguồn lực xã hội tham gia còn hạn chế. Công tác quản lý sau cai nghiện hiệu quả còn thấp, các hoạt động tư vấn, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ học nghề vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; thiếu cơ sở tạo việc làm ổn định cho người nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Cấp ủy đảng, chính quyền ở nhiều đơn vị, địa phương (nhất là cấp cơ sở) chưa thật sự quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác PCMT; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về yêu cầu, nhiệm vụ của công tác này; còn có tư tưởng coi đó là trách nhiệm riêng của ngành Công an, “khoán trắng” cho lực lượng chuyên trách nên chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên hạn chế về mặt nhận thức, có lối sống lệch lạc đã sa vào tệ nạn ma túy dẫn đến phát sinh người nghiện mới. Hiện nay việc xác định tình trạng nghiện, công tác rà soát, thống kê người nghiện ma túy còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập do thiếu quy định xác định tình trạng nghiện; tiêu chí thống kê người nghiện còn chung chung, phần lớn mang tính chủ quan; số người sử dụng MTTH khó phát hiện. Bên cạnh đó việc ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật hướng dẫn về PCMT còn chậm, thiếu thống nhất và đồng bộ nên rất khó khăn trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là các quy định về công tác cai nghiện còn nhiều vướng mắc giữa Luật PCMT và Luật xử lý vi phạm hành chính.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả

Theo đánh giá của UNODC, thời gian tới tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường; Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam tiếp tục là trung tâm sản xuất, tiêu thụ ma túy lớn của thế giới. Đáng chú ý số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta sẽ tiếp tục tăng, ngày càng tập trung vào giới trẻ, thanh thiếu niên với xu hướng sử dụng MTTH và các loại ma túy mới thay thế cho các loại ma túy có nguồn gốc tự nhiên như heroin, thuốc phiện. Do đó, công tác cai nghiện trong tình hình mới sẽ đặt ra nhiều yêu cầu, khó khăn hơn, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp mới đồng bộ và thực sự hiệu quả.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCMT nói chung, công tác cai nghiện nói riêng, thời gian tới các bộ, ngành thành viên Ủy ban Quốc gia cần nghiên cứu, tham mưu xây dựng, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành hệ thống văn bản pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác này. Tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm ma túy và công tác cai nghiện ma túy; có chế độ chính sách đặc thù để tạo động lực, khuyến khích, động viên, thu hút nguồn nhân lực có trình độ tham gia công tác cai nghiện ma túy.

Học viên cai nghiện ở  Trung tâm Cai nghiện ma túy và Chăm sóc đối tượng xã hội tỉnh Thái Bình học nghề may gia công

Cùng với việc tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án phòng, chống tội phạm ma túy và cai nghiện ma túy, phải chú trọng việc thực hiện Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; trong đó tập trung nguồn lực cho công tác dự phòng, can thiệp sớm đối với người có hành vi sử dụng ma túy, lạm dụng ma túy nhằm ngăn chặn sự gia tăng người nghiện mới. Đồng thời không ngừng nâng cao hiệu quả việc tổ chức cai nghiện để kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn ma túy.

Với vai trò là các cơ quan chủ trì, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế cần tham mưu cho cơ quan soạn thảo Chương trình PCMT giai đoạn 2021 – 2025 đề ra chỉ tiêu phù hợp đối với công tác cai nghiện và phòng, chống tái nghiện; tránh đề ra một số chỉ tiêu cao (như việc kéo giảm 1% số người nghiện hiện có mỗi năm; giảm 1% số xã, phường, thị trấn có ma túy so với năm trước…) dẫn đến không đạt như trong Chương trình PCMT đến năm 2020; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa tái nghiện sau cai; đa dạng hóa, từng bước xã hội hóa các hình thức cai nghiện ma túy. Nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện; hỗ trợ, nhân rộng các mô hình cai nghiện có hiệu quả; triển khai quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tổng hợp. Quan tâm bảo đảm nguồn lực cho công tác cai nghiện ma túy, trong đó chú trọng việc rà soát, xây dựng phương án đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ trong các cơ sở cai nghiện ma túy; đề nghị các địa phương quan tâm bổ sung ngân sách bảo đảm cho công tác cai nghiện và có chính sách huy động các nguồn kinh phí hợp pháp từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân ở địa phương phục vụ công tác này./.

                                                                                      Nhật Nam