Với vai trò chủ công, nòng cốt trong công tác này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ban hành Điện chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy (TPMT) xuyên quốc gia; ngày 23/9/2020, ban hành Điện về rà soát, thống kê tình hình TPMT do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam để đề xuất giải pháp đấu tranh ngăn chặn. Công an các địa phương căn cứ vào chỉ đạo của Bộ xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ phương án phòng ngừa, đấu tranh.
Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy chủ động tham mưu Bộ Công an, Chính phủ tổ chức các hội nghị, ký thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy (PCMT). Điển hình như Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả công tác PCMT xuyên quốc gia với sự tham gia của Cảnh sát các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Mianmar, Úc, Hoa Kỳ. Hội nghị đã tuyên bố chung đề nghị các nước xác lập chuyên án chung, cử lực lượng sang phối hợp đấu tranh, bắt giữ, dẫn độ tội phạm. Bước đầu Việt Nam phối hợp với lực lượng chức năng của Lào, Trung Quốc tiến hành chuyên án đấu tranh chung, mở ra hướng hợp tác mới. Công an các địa phương xây dựng triển khai đồng bộ kế hoạch, quy chế phối hợp đấu tranh chống TPMT với các tỉnh giáp biên của nước bạn. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về PCMT cũng được các đơn vị quan tâm đẩy mạnh nhất là tại địa bàn trọng điểm, khu du lịch, đô thị lớn có nhiều người nước ngoài đến lưu trú.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã khắc phục khó khăn, thường xuyên bám tuyến địa bàn, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng đấu tranh bắt giữ 271 vụ, 334 đối tượng là người nước ngoài phạm tội về ma túy ở Việt Nam, thu giữ 558.241 viên + 4.643,295 kg ma túy tổng hợp (MTTH), 260,674 kg cocain, 1.253 bánh + 602,21 kg heroin, 507,5 kg ketamin, 160,8 kg cần sa, 22,4 kg thuốc phiện, 140 lít dung dịch methamphetamine, 60 tấn hóa chất, tiền chất cùng nhiều tài sản, phương tiện liên quan.
Các đối tượng nước ngoài phạm tội về ma túy ở nước ta đều có điểm chung là câu kết với đối tượng trong nước để hình thành đường dây phạm tội có quy mô lớn, liên quan đến nhiều địa bàn. Trong đó, lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ 65 vụ, 81 đối tượng là người Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) phạm tội về ma túy. Các đối tượng lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế của nước ta để nhập cảnh, liên kết với đối tượng trong nước lập công ty sản xuất, kinh doanh làm “bình phong” cho hoạt động phạm tội. Đối tượng người Trung Quốc còn móc nối với người Việt Nam thu gom heroin từ khu vực Tam giác vàng đưa về nước tiêu thụ.
Lực lượng chức năng đã bắt giữ 112 vụ, 141 đối tượng là người Lào phạm tội về ma túy chủ yếu tại các tỉnh Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. Các đối tượng người Lào thường tập kết heroin, MTTH từ khu vực Tam giác vàng về gia công, đóng gói rồi vận chuyển vào Việt Nam để đưa sang nước thức ba tiêu thụ. Thực tế công tác đấu tranh chống TPMT trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đang rất phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự. Chúng ta đã phát hiện, bắt giữ 17 vụ, 24 đối tượng là người Campuchia phạm tội về ma túy chủ yếu tại tuyến biên giới Tây Nam và khu vực phía Nam. Đối tượng người Campuchia câu kết với số người Việt Nam sang làm ăn, đánh bạc, du lịch, thăm thân… để vận chuyển ma túy về nước tiêu thụ bằng xe ô tô mang logo giả của cơ quan, tổ chức, giấu ma túy trong hàng hóa, thuê người vận chuyển qua biên giới về tập kết tại TP. Hồ Chí Minh để chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ. Bên cạnh đó, ta đã phát hiện, bắt giữ 20 vụ, 26 đối tượng là công dân Úc, Hoa Kỳ, Canada, người gốc Phi phạm tội về ma túy chủ yếu tại khu vực phía Nam. Đối tượng lợi dụng, lôi kéo một số người Việt Nam ra nước ngoài nhận ma túy rồi cất giấu trong cơ thể, giầy dép, hàng mẫu, hộp quà… vận chuyển về trong nước tiêu thụ.
Trong đó, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy trực tiếp bắt giữ, thụ lý, điều tra 20 vụ, 50 đối tượng là người nước ngoài phạm tội về ma túy. Điển hình vào ngày 18/7/2020, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp với các lực lượng liên quan phá đường dây vận chuyển ma túy cất giấu trong lô đá granit từ TP. Hồ Chí Minh sang Hàn Quốc tiêu thụ bằng đường biển do đối tượng Kim Soonsik cần đầu, đã bắt, khởi tố 24 bị can liên quan, thu giữ tổng số 164 kg MTTH, 19 bánh heroin cùng nhiều vật chứng liên quan.
Chukwuemeka và Ochie, cùng quốc tịch Nigeria bị Công an TP. Hồ Chí Minh bắt giữ về hành vi mua bán trái phép ma túy, tháng 9/2020.
Thời gian tới, tình hình TPMT nói chung, người nước ngoài phạm tội về ma túy nói riêng ở nước ta sẽ còn diễn biến phức tạp. Ở trong nước, việc xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy mới khó kiểm soát, việc sử dụng MTTH gia tăng trong một bộ phận giới trẻ, song việc hiệu quả công tác cai nghiện còn hạn chế là nguyên nhân gia tăng nguồn “cầu” về ma túy. Để giải đáp vấn đề trên, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy cần làm tốt công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình để tham mưu lãnh đạo Bộ Công an đề xuất Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng dự thảo Đề án tổng thể PCMT qua biên giới trình Chính phủ ký ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực cho công tác đấu tranh.
Tham mưu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh đấu tranh truy quét đường dây TPMT hoạt động xuyên quốc gia. Với các chuyên án có đối tượng người nước ngoài, ngay từ khi xác lập, các đơn vị cần phối hợp giám sát chặt chẽ để đảm bảo yêu cầu khi phá án là bắt được đối tượng người nước ngoài và toàn bộ đường dây. Công an các địa phương làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, xác minh hoạt động nghi vấn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cho thuê kho, xưởng có liên quan đến người nước ngoài nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội về ma túy thông qua hoạt động của công ty “bình phong”.
Các ngành triển khai hiệu quả Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan. Tăng cường phối hợp giữa Cảnh sát ĐTTP về ma túy với lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, quản lý xuất nhập cảnh, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển trong phòng, chống TPMT ở biên giới, cửa khẩu, cũng như nội địa; nắm tình hình người nước ngoài tại cơ sở lưu trú, cơ sở sản xuất kinh doanh có thuê lao động nước ngoài, cơ sở dịch vụ vui chơi, giải trí; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới để phát hiện, bắt giữ kịp thời nguồn ma túy xâm nhập vào trong nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác TPMT nói chung, người nước ngoài phạm tội về ma túy nói riêng, không tiếp tay cho đối tượng chuyển lậu ma túy từ bên ngoài vào nội địa tiêu thụ.
Kim Long