Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, năm 2020 tuyến đường biển tiếp tục bị các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng để đẩy mạnh hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá nhiều chuyên án; thu khối lượng lớn chất ma túy.
Điển hình như vụ ngày 19/7/2020, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các lực lượng Biên phòng, Hải quan triệt phá đường dây mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường biển do đối tượng người Hàn Quốc cầm đầu, bắt giữ 04 đối tượng (trong đó có 02 đối tượng người Hàn Quốc, 02 đối tượng người Trung Quốc); thu giữ 40 kg ma túy tổng hợp (MTTH) cùng nhiều vật chứng, tài liệu liên quan. Điều tra mở rộng, lực lượng Công an bắt giữ tổng cộng 24 đối tượng; thu 164 kg MTTH, 19 bánh heroin. Thủ đoạn của các đối tượng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là giấu ma túy trong các khối đá granit đưa vào các công ten nơ, dùng tàu biển để vận chuyển đi nước thứ ba. Gần đây nhất vụ ngày 16/12/2020, kiểm tra vỏ công ten nơ gửi tại Khu Công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), lực lượng chức năng phát hiện vỏ công ten nơ có vách sau được gia cố bí mật, là nơi cất giấu 665,2 kg cần sa (được ép khô thành bánh, bên ngoài dán nhãn hàng thực phẩm). Được biết lô hàng được vận chuyển bằng tàu biển cập cảng Lạch Huyện, Hải Phòng ngày 11/12; sau khi thông quan, hàng hóa được vận chuyển về kho tại Hà Nội để trả hàng. 4 ngày sau, vỏ công ten nơ được vận chuyển về bãi công ten nơ ở Hải Phòng chờ đóng hàng mới thì bị khám xét, phát hiện có giấu ma túy. Trước đó, đã xuất hiện nhiều vụ các gói ma túy tổng hợp trôi dạt vào bờ biển một số tỉnh ven biển miền Trung được ngư dân phát hiện, thông báo cho lực lượng chức năng. Có vụ lực lượng Bộ đội Biên phòng thu giữ 20 kg MTTH dạng đá trôi dạt trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Campuchia - Thái Lan…
Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển ma tuý với khối lượng lớn bằng đường biển (giấu trong các khối đá granit) qua cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh do đối tượng người Hàn Quốc cầm đầu.
Từ những vụ việc trên và thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho thấy, thời gian gần đây, tuyến đường biển đang bị các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng để đẩy mạnh hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy (chủ yếu là heroin, ketamine, MTTH dạng đá) với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba. Địa bàn trọng điểm là các cảng biển tại khu vực phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng Cái Mép, cảng Tiên Sa; phía Bắc là các cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng cơ chế thông thoáng của hải quan trong xuất, nhập khẩu (hưởng ưu đãi “luồng xanh”), đưa ma túy vào các công ten nơ để vận chuyển ra nước ngoài. Tuyến đường chính là ma túy chuyển từ khu vực Tam giác vàng vào Việt Nam; tập kết tại các kho hàng thuê sẵn. Sau đó bí mật cất giấu trong các loại hàng hóa xuất khẩu như: đá granit, hạt nhựa, loa thùng, thiết bị điện tử, máy cẩu từ tính, máy ép bao bì... , đóng vào các công ten xuất đi Hàn Quốc, Philipine, Đài Loan, Hồng Kông, Úc... bằng đường biển. Các vụ bị phát hiện trên tuyến này chủ yếu do các tổ chức tội phạm người Trung Quốc, Đài Loan câu kết với người Việt Nam, Lào, Philipine thực hiện.
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ lượng lớn ma tuý tổng hợp trong một vụ trôi dạt tại khu vực biển phía Nam năm 2020
Trong bối cảnh tình hình ma túy trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, lượng ma túy sản xuất tại các khu vực Tam giác vàng, Lưỡi liềm vàng, khu vực Nam Mỹ…vẫn rất lớn, lại khó tiêu thụ do hầu hết các quốc gia phải đóng cửa hoặc thắt chặt kiểm soát biên giới để phòng, chống dịch Covid -19. Trong khi số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy ở hầu hết các khu vực, các quốc gia không giảm, vẫn có nhu cầu ma túy cao thì bằng mọi cách, tội phạm sẽ không ngừng hoạt động để có nguồn cung nhằm thu siêu lợi nhuận từ hoạt động phạm tội này.
Việt Nam có vị trí địa lý gần khu vực Tam giác vàng, hiện đang khai thác 44 cảng biển nước sâu trải dài trên 3.260 km bờ biển từ Bắc vào Nam; lại có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ giao thương với nhiều quốc gia, khu vực. Vì vậy, sẽ khó tránh khỏi tình trạng bị chức tội phạm ma túy quốc tế lợi dụng, đẩy mạnh hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy bằng đường biển. Trong khi phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng rất tinh vi; các “mắt xích” trong đường nằm ở nhiều quốc gia… khiến việc thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh thông tin và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp lực lượng để đấu tranh của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy trên tuyến đường biển trong thời gian tới, góp phần bảo đảm an ninh trật tự của đất nước, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng và nhân dân cần không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác đấu tranh với tội phạm ma túy; quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư: “ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế” được nêu tại Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm ma túy nói chung và tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy trên tuyến đường biển nói riêng.
Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Công an, chủ công là Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cần tăng cường phối hợp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản. Tập trung nắm và đánh giá đúng thực trạng tình hình; rà soát, phân loại, giám sát chặt các đường dây tội phạm ma túy, đối tượng nghi vấn (cả người nước ngoài và người Việt Nam) cũng như các địa bàn trọng điểm về ma túy trên tuyến biển. Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp lực lượng Hải quan phát hiện các lô hàng nghi vấn của các đối tượng để theo dõi, giám sát. Khi đã phát hiện các đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội về ma tuý cần tập trung lực lượng để xác lập chuyên án đấu tranh; bóc gỡ triệt phá các đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia trên tuyến đường biển. Đồng thời cần coi trọng công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm ma túy; tăng cường phối hợp với cơ quan phòng, chống ma tuý của các nước tại Việt Nam như: Cảnh sát Liên bang Úc (AFP), Cơ quan bài trừ ma túy Bộ Tư pháp Hòa Kỳ (DEA), Công an Trung Quốc, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANAPOL)… nhằm tranh thủ các nguồn lực và kinh nghiệm của các đối tác; phối hợp trong đào tạo, tập huấn, kịp thời thu thập thông tin, tình hình về các đối tượng người nước ngoài, người Việt Nam nghi vấn vận chuyển ma tuý qua đường biển để chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh./.
Anh Nam