Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục được Chính phủ tặng Cờ thi đua trong phong trào Vì An ninh Tổ quốc

Năm 2020, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, nhưng tình hình tội phạm ma túy thế giới, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực “Tam giác vàng” và các tuyến, địa bàn trọng điểm của nước ta vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Một mặt thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covd-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã khắc phục khó khăn, gian khổ, tích cực bám tuyến, bám địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh mạnh với các loại tội phạm về ma túy.

31/12/2020 | Article Rating

- Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tăng mạnh, nhất là ma túy tổng hợp (MTTH). Đây là tuyến chịu tác động nhanh, trực tiếp của tình hình sản xuất, mua bán trái phép ma túy từ khu vực “Tam giác vàng”. Tại khu vực Tây Bắc, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở tuyến biên giới tỉnh Điện Biên, Sơn La và tội phạm ma túy luôn tìm cách thay đổi hướng vận chuyển, trong đó đáng chú ý là có xu hướng dịch chuyển mạnh sang địa bàn các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng

Cờ Thi đua Vì an ninh Tổ quốc của Chính phủ cho lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy

- Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ma túy chủ yếu là heroin được mua bán, vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc. Thời gian gần đây, do lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ biên giới để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tội phạm ma túy có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tuyến này luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, đáng chú ý là các đối tượng người Trung Quốc chuyển vốn, nhân lực, phương tiện, kỹ thuật, nguyên liệu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam để tổ chức sản xuất trái phép ma túy. Lực lượng chức năng đã phát hiện vụ vận chuyển trái phép tiền chất dùng để sản xuất ma túy.

- Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tình hình phức tạp gia tăng, nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Thái Lan, Lào, Campuchia vào Việt Nam bị phát hiện đấu tranh triệt phá với nhiều phương thức, thủ đoạn như vận chuyển ma túy trên xe ô tô có treo logo giả VTV (Đài Truyền hình Việt Nam), giấu ma túy trong ruột bình hình trụ bằng sắt, lốc máy ô tô cũ...; một số đường dây tội phạm từ khu vực Bắc Mỹ, Châu Phi quá cảnh Campuchia về Việt Nam, đưa đi các tỉnh phía Bắc và sang Trung Quốc tiêu thụ.

- Khu vực phía Nam, đặc biệt tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tội phạm ma túy có liên quan đến người nước ngoài diễn biến hết sức phức tạp, trở thành “điểm nóng” ma túy của Việt Nam trong thời gian gần đây, có những vụ thu giữ gần 1.000 bánh heroin và 1 tấn MTTH. Các đối tượng lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, những quy định thuận lợi của Nhà nước trong thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa, chúng dùng thủ đoạn với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” ngụy trang mua bán, vận chuyển, thậm chí sản xuất trái phép ma túy với số lượng lớn.

Đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy giấu trong khối đá granit do người Hàn Quốc cầm đầu bị triệt phá

- Tình trạng tội phạm ma túy sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ ngày càng manh động và nguy hiểm hơn. Đáng chú ý có những vụ, lực lượng chức năng thu giữ rất nhiều vũ khí nóng và có tính sát thương cao; thậm chí có những đối tượng tấn công liều lĩnh làm cán bộ Công an hy sinh, bị thương nặng.

- Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua tuyến đường hàng không nhìn chung số lượng không lớn nhưng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện một số vụ vận chuyển qua tuyến hàng không ở các sân bay.

- Tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba với thủ đoạn rất tinh vi như cất giấu trong các khối đá granit nặng hàng chục tấn. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng cơ chế thông thoáng của hải quan trong xuất, nhập khẩu (hưởng ưu đãi “luồng xanh”), từ đó dễ dàng vận chuyển các container hàng hóa, trong đó có cất giấu ma túy để đưa ra nước ngoài. Xuất hiện tình trạng ma túy trôi dạt vào bờ biển một số tỉnh ven biển miền Trung và vụ ngư dân phát hiện, thông báo cho lực lượng chức năng về 20 kg MTTH dạng đá trôi dạt trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.

- Đã xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng Internet để mua bán trái phép chất ma túy. Đây là một vấn đề đáng báo động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ đoạn của các đối tượng là đưa các chất ma túy vào các loại hàng hóa, thực phẩm như bánh kẹo, nước uống với hình thức hấp dẫn rồi rao bán trên mạng, nhắm đến các đối tượng trẻ tuổi, chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng tuyến bưu điện để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua hình thức chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa với thủ đoạn để lẫn ma túy trong thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, sữa, quần áo... từ các nước châu Âu (Hà Lan, Pháp, Đức, Bỉ) về Việt Nam tiêu thụ và từ Việt Nam đưa đi các nước.

- Tình hình tổ chức sử dụng và chứa chấp sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Thủ đoạn của tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là lợi dụng hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke... để tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép các chất MTTH. Đáng lưu ý là ngay cả trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều cơ sở vẫn lén lút hoạt động hoặc các đối tượng thuê nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy tại đây đã bị phát hiện, bắt giữ.

- Theo thống kê, hiện nay toàn quốc có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng. Đây là nguy cơ gây mất an ninh, trật tự ở nhiều địa phương, gây ra những khó khăn, thách thức rất lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy. Đặc biệt, tình trạng sử dụng trái phép MTTH đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tâm sinh lý người nghiện, nhiều người sử dụng MTTH dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi (ngáo đá) gây ra các vụ án mạng, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông làm chết nhiều người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến TTATXH, gây lo lắng, bất bình trong dư luận xã hội.

Kết quả trong năm 2020 (từ 15/12/2019 đến 14/11/2020), lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia; triệt xóa nhiều tụ điểm ma túy phức tạp, làm chuyển biến tình hình ở một số “điểm nóng”. Cụ thể, đã phát hiện, bắt giữ 24.548 vụ, 36.404 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ: 738.35 kg heroin; 3.430,8 kg + 2.066.637 viên MTTH; 254,4 kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan đến vụ án. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 12,85% số vụ, tăng 9,15% số đối tương; vật chứng thu giữ: heroin giảm 47%; MTTH giảm 37,02% số kg, tăng 113,24% số viên; cần sa giảm 55,92%. (số vụ bắt giữ vượt hơn 9% so với chỉ tiêu Chương trình công tác năm 2020 đề ra). Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma tuý cả nước khởi tố mới 21.376 vụ/ 27.433 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 22.148 vụ/28.252 bị can.

Trong đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 114 vụ, 348 đối tượng, thu giữ: 266,9 kg heroin; 1.057,8 kg + 271.970 viên MTTH; 1,99 kg cần sa; 0,62 kg cocain; 20 khẩu súng cùng nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến các vụ án. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tăng 32,8%, số đối tượng tăng 23,0% tuy nhiên vật chứng thu giữ giảm (trừ MTTH dạng viên tăng 17%): heroin giảm 56,4%, MTTH giảm 47,6% số kg. Cục đang thụ lý điều tra 27 vụ, 104 bị can.

Bên cạnh công tác đấu tranh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng chú trọng công tác tuyên truyền PCMT, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn; nhận thức của cán bộ, nhân dân về tác hại của ma túy và trách nhiệm PCMT được nâng lên rõ rệt. Công tác kiểm soát và quản lý các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác hợp tác quốc tế về PCTP ma túy ngày càng được tăng cường và mở rộng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc đã đạt được trong năm 2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy được Chính phủ tặng Cờ thi đua trong phong trào Vì An ninh Tổ quốc năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ tặng 01 Thư khen, 01 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 02 cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND; 45 cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở. Bộ Công an tặng 44 Bằng khen (11 lượt tập thể, 33 cá nhân). Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tặng 78 lượt Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTP ma túy.

Phát huy những thành tích đạt được trong năm 2020, tiếp nối truyền thống Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch, phương án, biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh trấn áp có hiệu quả với tội phạm ma túy, góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội và kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Tăng cường kiểm tra, giải quyết các điểm, tụ điểm sản xuất, mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép các chất ma túy phức tạp, gây bức xúc dư luận. Phối hợp đề xuất đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tệ nạn ma túy, ngăn chặn “nguồn cung”, làm giảm “nguồn cầu” và tác hại của ma túy, trọng tâm là:

- Quán triệt thực hiện nghiêm túc công tác trọng tâm năm 2021 của Đảng ủy Công an Trung ương đề ra là: “Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục tăng cường cơ sở, tạo chuyển biến toàn diện về ANTT tại cơ sở” và Phương châm hành động của toàn lực lượng CAND năm 2021: “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”.

- Tiếp tục tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Đảng, Nhà nước ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025.

- Tiếp tục hoàn thành xây dựng, báo cáo Bộ Công an trình Chính phủ phê duyệt và tham mưu triển khai thực hiện Đề án “Tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới đến năm 2025” nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, từ sớm tình trạng vận chuyển trái phép ma túy vào nước ta và đi nước thứ ba. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, triển khai thực hiện Quyết định thay thế Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển.

- Tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ hợp thứ 10 và báo cáo Bộ Công an, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 11. Tham mưu triển khai thi hành Luật sau khi được Quốc hội thông qua. Triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

- Tham mưu và chỉ đạo triển khai mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.Trong đó, tập trung cao ở các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm: Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia; tuyến đường biển, đường hàng không, bưu điện; địa bàn các thành phố lớn, địa bàn giáp ranh, địa bàn đô thị hóa nhanh; lĩnh vực quản lý tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và thuốc thú y có chứa chất ma túy; hệ loại đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam lợi dụng đầu tư, sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác để phạm tội về ma túy... Toàn lực lượng tập trung đấu tranh các chuyên án lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia… với tinh thần là triệt phá, bóc gỡ toàn bộ tổ chức, đường dây tội phạm ma túy, bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đồng thời chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, liên hoàn các biện pháp nghiệp vụ để tập trung phòng ngừa, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, đấu tranh khám phá có hiệu quả các đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy, với phương châm ngăn chặn từ xa, từ sớm ma túy thẩm lậu vào nước ta.

- Phối hợp tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác dân vận trên lĩnh vực phòng, chống ma túy; duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội.

- Tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Cục với các đơn vị, địa phương trong công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác quản lý cư trú, nhất là quản lý người nước ngoài, công tác quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT.

- Tập trung củng cố tài liệu chứng cứ, sớm kết thúc điều tra đối với các vụ án đang thụ lý điều tra, đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra mở rộng triệt để các vụ án ma túy, sớm đưa các đối tượng phạm tội ra truy tố, xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tăng cường phối hợp với liên ngành tư pháp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết dứt điểm các vụ án ma túy có vướng mắc, khó khăn trong quá trình điều tra xử lý.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan thực hiện tốt công tác theo dõi, quản lý về các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; kiểm soát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất theo quy định của pháp luật... Trên cơ sở đó, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để đề xuất biện pháp xử lý, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả, nhất là đối với tình trạng lợi dụng các hoạt động này để phạm tội về ma túy.

- Chỉ đạo hệ lực lượng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan làm tốt công tác rà soát, thống kê, theo dõi, quản lý người sử dụng trái phép ma túy và người nghiện ma túy. Lập danh sách các đối tượng nghiện ma túy nặng, bị rối loạn loạn thần cấp (“ngáo đá”)... và đề ra biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ, phòng ngừa, ngăn chặn không để các đối tượng có hành vi gây nguy hại cho xã hội.

- Tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của lực lượng Công an, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan và các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm huy động sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy theo các quy chế, kế hoạch, phương án phối hợp đã đề ra. Trong đó, tập trung phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; tuần tra, kiểm soát; trao đổi thông tin; xác lập, đấu tranh chuyên án chung... đối với tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển, nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào nội địa nước ta và đi nước thứ ba.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế trên lĩnh vực ANTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung thực hiện các trọng tâm chiến lược hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy và thúc đẩy hợp tác có hiệu quả, chiều sâu với các tổ chức quốc tế, các cơ quan chức năng của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực như Lào, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar..., nhằm chủ động, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn từ xa ma túy vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam. Tham gia tích cực, có trách nhiệm các cam kết trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống ma túy nói riêng./.

Huy Hà