Đẩy mạnh phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2140/QĐ-TTg, ngày 30/12/2017 về phê duyệt Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020”, Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện nhiệm vụ truyền thông phòng ngừa trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

15/12/2020 | Article Rating

  Với mục tiêu nâng cao nâng cao nhận thức, trách nhiệm, từ đó vận động các cấp, các ngành và toàn dân chung tay đẩy lùi tệ nạn xã hội từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam (TTX), các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền công tác tổng kết Chỉ thị 21-CT/TW và triển khai Chỉ thị 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy ở các cấp, các ngành; Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 6 (16 - 20/10/2018); Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia (09 - 12/9/2019), các hội nghị song phương, đa phương về phòng, chống ma túy (PCMT) giữa Việt Nam và các nước, tổ chức quốc tế. Phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) tổ chức Tháng hành động PCMT với hoạt động nổi bật là tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới và toàn dân PCMT (26/6) năm 2018 và 2019 tại TP. Hà Nội, tỉnh Nghệ An với sự tham dự của đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBQG, đại diện các bộ, ngành, địa phương cùng đông đảo cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng, phát sóng 03 phóng sự chuyên đề PCMT và các hoạt động khác thay thế cho tổ chức mít tinh.

Công an tỉnh Thái Bình tuyên truyền PCMT cho người dân.

  Bộ Công an phối hợp với VTV xây dựng phóng sự, video clip về tác hại của ma túy tổng hợp đối với sức khỏe phát trên sóng truyền hình, tuyên truyền về chiến công của lực lượng Cảnh sát ĐTTP trong việc khám phá các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, thu giữ lượng vật chứng lớn; tổ chức tuyên truyền về tình hình, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh hàng năm. Phối hợp với VOV thực hiện các chương trình tọa đàm trực tiếp, chương trình chuyên đề về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác PCMT; tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy và công tác đấu tranh; tác hại của ma túy, nhất là các chất ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới; thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ sử dụng trái phép ma túy và cách phòng ngừa; chống tái trồng cây thuốc phiện; công tác cai nghiện, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an cung cấp nhiều tư liệu, thông tin để sản xuất tin, bài, phim tài liệu về PCMT, mại dâm đăng, phát trên các kênh của TTX.

Phóng viên phỏng vấn lãnh đạo Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên về công tác quản lý, điều trị, chăm lo đời sống học viên.

  Các ban, ngành tập trung tuyên truyền quá trình tổ chức triển khai Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường phòng, chống HIV trong tình hình mới và các quy định pháp luật liên quan gắn với tổ chức truyền thông, tập huấn kiến thức cơ bản về dự phòng lây nhiễm HIV, dịch vụ chăm sóc điều trị ARV, điều trị thay thế bằng Methadone. Từ năm 2017 đến nay, Bộ Công an tổ chức tập huấn can thiệp, giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV cho 2.570 cán bộ y tế, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng trực tiếp đấu tranh chống tội phạm; tập huấn điều trị thay thế bằng Methadone cho cán bộ Trại giam Phú Sơn 4 (tỉnh Thái Nguyên) và Trại giam Thanh Xuân (TP. Hà Nội); tổ chức 06 lớp tư vấn, xét nghiệm, sàng lọc HIV cho 270 cán bộ y tế trại giam, trại tạm giam. Lực lượng công an phối hợp với các ngành truyền thông kiến thức cơ bản về HIV, giảm phân biệt đối xử cho trên 48.000 lượt phạm nhân, tập huấn giáo dục đồng nhóm phòng, chống HIV/AIDS cho 1.435 lượt phạm nhân. Cán bộ y tế các đơn vị được tập huấn đã nắm chắc kiến thức, chủ động công tác dự phòng, xử lý vết thương, cấp thuốc cho cán bộ, chiến sỹ bị phơi nhiễm trong khi làm nhiệm vụ.

Lực lượng công an và đoàn viên thanh niên tỉnh Lạng Sơn tham gia mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS.

  Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng triển khai các hình thức tuyên truyền với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, học sinh, sinh viên về công tác phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm. Cán bộ, chiến sỹ biên soạn hàng nghìn tin, bài đăng trên báo chí trong và ngoài ngành về kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, hợp tác quốc tế, gương điển hình tiên tiến qua đó góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, vận động người nghiện tham gia cai nghiện, quản lý sau cai để giảm tái nghiện, vận động người bán dâm hoàn lương. Qua tuyên truyền, các ban, ngành đã vận động cán bộ, nhân dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về PCMT, mại dâm, vận động chủ cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự không chứa chấp, bao che cho tệ nạn ma túy, mại dâm. Công an các đơn vị, địa phương, phối hợp tổ chức 7.367 buổi truyền thông trực tiếp kết hợp với phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho trên 981.000 lượt cán bộ, chiến sỹ và phạm nhân các trại giam, học viên cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Công an các địa phương như: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Lạng Sơn tổ chức giao ban định kỳ, tọa đàm, trao đổi ý kiến, sinh hoạt câu lạc bộ, mô hình quản lý người nghiện, người có nguy cơ cao mắc nghiện ma túy tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm.

  Căn cứ vào tình hình thực tế, hàng năm Bộ Công an tổ chức cho phóng viên của VTV, VOV, TTX và các cơ quan báo chí tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ lý luận, kỹ năng tuyên truyền, đi thực tế tìm hiểu thông tin viết bài tại các địa phương. Thông qua hoạt động này đã giúp đội ngũ người làm báo có cái nhìn chân thực, khách quan từ đó phản ánh toàn diện, sinh động công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở cơ sở.

  Trên cơ sở kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Đề án, thời gian tới Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác truyên truyền phòng ngừa, chú trọng phổ biến các nội dung của Chỉ thị 36-CT/TW, Chương trình PCMT giai đoạn 2021 - 2015 của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch công tác về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm của UBQG, các bộ, ngành. Chủ động phối hợp với VTV, VOV, TTX và các cơ quan truyền thông đại chúng cung cấp thông tin, tổ chức xây dựng chương trình, chuyên đề, video clip về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đăng, phát trên sóng phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng xã hội, tin nhắn điện thoại di động. Lực lượng công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ báo chí, đưa phóng viên đi thực tế địa bàn theo chuyên đề nhằm phản ánh thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tại cơ sở, chú trọng tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến đang phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Kim Long