Từ ngày 19/7 đến ngày 04/8, tại TP Hồ Chí Minh, C04 và Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, BTL Bộ đội Biên phòng đồng chủ trì, phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các lực lượng liên quan đấu tranh thành công chuyên án triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường biển do nhóm đối tượng người Hàn Quốc cầm đầu; bắt 24 đối tượng, thu giữ 164 kg ma túy tổng hợp (MTTH), 19 bánh heroin. Ngày 22/10/2020, cũng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, C04 phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Tây Ninh triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển ma túy trái phép từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ, bắt 13 đối tượng, thu giữ 109 kg ma túy các loại (trong đó có 40 kg ma túy dạng đá, 44 kg ketamin, 15 kg ma túy dạng viên và 32 bánh heroin). Gần đây, vào hồi 9h30 ngày 15/11/2020, tại xã Phước Thịnh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, Công an TP Tây Ninh phá chuyên án, bắt quả tang 01 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia đưa về Việt Nam tiêu thụ, thu giữ 17 kg ma túy tổng hợp…
Công an tỉnh Tây Ninh bắt đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy bằng xe ô tô, thu giữ 17 kg ma túy tổng hợp.
Thống kê cho thấy, khu vực phía Nam, nhất là tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh, tình hình tội phạm ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp; nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội và là lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế- xã hội của khu vực. Nguồn ma túy được đưa vào khu vực này chủ yếu từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào, vào Việt Nam (địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh; ma túy từ Thái Lan vào Campuchia (chủ yếu là methaphetamin, ketamin và heroin) vận chuyển tiếp sang Việt Nam qua các tỉnh biên giới Tây Nam vào TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ và đưa đi nước thứ ba. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không, đường bưu điện, đường biển từ nước ngoài vào Việt Nam tại khu vực phía Nam thời gian gần đây cũng tiềm ẩn phức tạp và rất khó kiểm soát.
Cơ quan Công an khám xét, thu giữ lượng lớn ma túy tổng hợp giấu trong các khối đá granit do đường dây tội phạm ma túy người nước ngoài thực hiện tại cảng biển ở TP Hồ Chí Minh.
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là: Chúng lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, những quy định thuận lợi của nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu để hoạt động phạm tội về ma túy. Với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… các đối tượng nhập cảnh Việt Nam để móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” hoạt động phạm tội mua bán, vận chuyển, thậm chí sản xuất trái phép ma túy với số lượng lớn. Lợi dụng các tuyến giao thông thuận lợi, cất giấu ma túy lẫn trong hàng hóa để vận chuyển; móc nối, lôi kéo đồng bào người dân tộc (chủ yếu là dân tộc Mông) di cư từ phía Bắc vào Nam từ trước đó để câu kết thành lập các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Gần đây, xuất hiện ngày càng phổ biến tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng thành tựu của khoa học công nghệ, mạng Internet để tổ chức sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy, gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng.
Với vai trò là lực lượng chủ công, nòng cốt trong công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy, thời gian qua các đơn vị nghiệp vụ thuộc C04; lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an các tỉnh phía Nam đã chủ động nắm tình hình, chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan (Biên phòng, Hải quan) triển khai nhiều phương án đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, bắt đối tượng chủ mưu, cầm đầu; thu lượng lớn chất ma túy. Tuy nhiên, với đặc thù là địa bàn tập trung nhiều đầu mối giao thông nội địa cũng như quốc tế quan trọng; có cơ chế, chính sách thông thoáng trong giao thương quốc tế; hệ thống các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT hoạt động mạnh và số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy rất lớn, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sẽ tiếp tục là địa bàn “trọng điểm” bị tội phạm ma túy lợi dụng, đẩy mạnh hoạt động mua bán, vận chuyển, thậm chí là sản xuất trái phép chất ma túy. Kiên quyết ngăn chặn tình trạng này, không để Việt Nam nói chung, khu vực phía Nam nói riêng thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế, bảo đảm ANTT để góp phần xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng, trong đó chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung công tác trọng tâm sau:
Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/CT ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 36. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn rà soát, quản lý chặt người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và làm tốt công tác cai nghiện, phòng, chống tái nghiện.
Tiến hành rà soát, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy trong nội địa và ở khu vực biên giới Tây Nam (kể cả địa bàn bên kia biên giới) cần giải quyết; các đối tượng trọng điểm, nhất là người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy để tập trung đấu tranh. Căn cứ quy định phân công, phân cấp về công tác nghiệp vụ cơ bản để tiến hành nắm tình hình; xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá toàn bộ các đường dây tội phạm về ma túy, bắt giữ bằng được đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác điều tra xử lý tội phạm ma túy, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm; thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; truy bắt, vận động đầu thú các đối tượng truy nã về ma túy.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội, nhất là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng và quản lý người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam; quản lý chặt các ngành nghề, cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Thực hiện tốt công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc tội phạm lợi dụng để sản xuất trái phép ma túy tổng hợp ở trong nước.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Công an các đơn vị, địa phương, với các lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển, tạo thế trận liên hoàn thống nhất, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong phòng, chống tội phạm ma túy. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống và kiểm soát ma túy, nhất là với lực lượng phòng, chống ma túy Vương quốc Campuchia nhằm ngăn chặn ma túy từ xa, hạn chế tới mức thấp nhất nguồn ma túy được mua bán, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào trong nước./.
Nam Anh