Hội nghị trực tuyến cấp quan chức cao cấp về thực hiện Kế hoạch hành động tiểu vùng sông Mê Công lần thứ XI

Ngày 27/11/2020, Đoàn đại biểu Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy do đồng chí Thiếu tướng Đỗ Đức Bình, Phó Cục trưởng làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị trực tuyến cấp quan chức cao cấp về thực hiện Kế hoạch hành động tiểu vùng sông Mê Công lần thứ XI.

02/12/2020 | Article Rating

Đây là một hoạt động hợp tác quan trọng giữa 06 nước khu vực tiểu vùng sông Mê Công là Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mục đích của Hội nghị trực tuyến nhằm: Đánh giá và cập nhật các hoạt động hợp tác đã triển khai từ đầu năm đến nay; Hiện trạng và đóng góp tài chính cho cơ chế hợp tác MOU trong thời gian tới; Công tác chuẩn bị cho Hội nghị MOU cấp Quan chức cao cấp trong năm 2020.

Tham dự Hội nghị có gần 30 đại biểu chính thức từ 6 nước Campuchia, Thái Lan, Myanma, Trung Quốc, Lào, Việt Nam và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị

*Thông tin chung về Kế hoạch hành động tiểu vùng sông Mê Công

Trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác 1993 (MOU) về hợp tác phòng, chống ma túy giữa 06 nước tiểu vùng sông Mê Công (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam) và UNODC, Kế hoạch hành động tiểu vùng về phòng, chống ma túy (gọi tắt là SAP) cụ thể hóa các nội dung hợp tác của MOU thông qua các lĩnh vực ưu tiên hợp tác, được xây dựng, sửa đổi và thông qua 2 năm 1 lần tại các kỳ Hội nghị MOU cấp Bộ trưởng. Trên cơ sở Kế hoạch hành động tiểu vùng, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) phối hợp cùng Chính phủ các nước MOU kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ triển khai các dự án ưu tiên nhằm giải quyết những thách thức liên quan đến hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy bất hợp pháp trong khu vực.

Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 11 (gọi tắt là SAP XI) giai đoạn 2019-2021 đã được thông qua tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về hợp tác phòng, chống ma túy các nước tiểu vùng sông Mê Công tại Băng Cốc, Thái Lan vào tháng 11/2019 gồm 4 lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm: (1) Ma túy và y tế; (2) Thực thi pháp luật; (3) Hợp tác tư pháp; và (4) Phát triển thay thế bền vững.

*Một số nội dung chính

Tại Hội nghị, các nước đã tiến hành thảo luận, đánh giá tổng về tình hình ma túy trong khu vực, cũng như tiến hành rà soát các hoạt động đã triển khai từ đầu năm đến nay, nổi lên một số nội dung cơ bản sau:

Tình hình ma túy trong khu vực

Các nước thành viên MOU đều thống nhất nhận định: Mặc dù công tác phòng, chống tội phạm ma túy ở các nước trong khu vực đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua nhưng thách thức về ma túy và tội phạm ma túy trong khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi lên một số nét chính: (1) Diện tích trồng cây thuốc phiện bất hợp pháp tại Myanmar đã giảm năm thứ 2 liên tiếp nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 38 ngàn ha; (2) Tình hình sản xuất và mua bán ma túy tổng hợp tại khu vực tiểu vùng sông Mê Công gia tăng đáng báo động, các nhóm tội phạm có tổ chức trong khu vực đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về sử dụng ma tuý tổng hợp, tìm mọi cách để tối đa hoá lợi nhuận có được từ mua bán, vận chuyển trái phép loại ma túy này. Thu giữ methamphetamine trong khu vực tiểu vùng sông Mê Công chiếm 85% số lượng thu giữ methamphetamine của khu vực Đông và Đông Nam Á. Theo thống kê của UNODC, số lượng bắt giữ  Methamphetamine của các nước trong tiểu vùng giai đoạn 2014 – 2018 tăng rất cao: 870% tại Myanmar, 925% tại Lào, 480% tại Thái Lan và 700% tại Campuchia (3) Việc thất thoát hóa chất và dược phẩm từ hoạt động hợp pháp nhằm sử dụng để sản xuất methamphetamine đang gia tăng tại khu vực tiểu vùng. Các tiền chất dùng để sản xuất ma túy tổng hợp được vận chuyển trái phép vào khu vực Tam giác vàng từ Trung Quốc, Ấn Độ. Trong những năm gần đây, lượng tiền hóa chất ngày càng tăng có nguồn gốc từ Ấn Độ, nước có ngành công nghiệp hóa chất rất phát triển; (4) Các nước trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc đã Hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp tại khu vực biên giới đang rất phức tạp cùng với sự chỉ đạo, tham gia của các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đặc biệt là các đối tượng cầm đầu, cốt cán người Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Rà soát việc thực hiện các khuyến nghị từ Hội nghị cấp Bộ trưởng năm 2019

Trưởng đoàn các nước thành viên MOU tái khẳng định quyết tâm giải quyết các vấn đề ma túy trong tiểu vùng; tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên MOU và UNODC trong khuôn khổ MOU thông qua Kế hoạch hành động Tiểu vùng sông Mê Công; cam kết tìm kiếm và hợp tác với các quốc gia, khu vực láng giềng, và các đối tác quốc tế khác để giải quyết vấn đề ma túy khu vực; cam kết giải quyết những thách thức tồn tại, mới nổi liên quan đến tiền chất ma túy và các chất hướng thần mới, trên nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm chung và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Tại Hội nghị, đồng chí Thiếu tướng Đỗ Đức Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khẳng định: “Ý thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của công cuộc phòng, chống ma túy với sự phát triển của thế giới, Việt Nam cam kết đóng góp một cách chủ động, có trách nhiệm vào các nỗ lực thúc đẩy sự gắn kết của các nước trên thế giới. Việt Nam khẳng định chủ trương coi Tuyên bố chính trị và kế hoạch hành động phòng, chống ma tuy túy năm 2009, Tuyên bố Bộ trưởng 2014, Văn kiện UNGASS 2016 là các văn kiện nền tảng trong xây dựng chính sách ma túy thế giới. Việt Nam khẳng định tính chất nền tảng của 03 Công ước LHQ về phòng chống ma túy, đặc biệt Tuyên bố chính trị và kế hoạch hành động năm 2009 trong việc ứng phó với vấn đề ma túy thế giới. Cho đến thời điểm này, Tuyên bố Chính trị và kế hoạch hành động 2009 vẫn còn nguyên giá trị, phù hợp với điều kiện thực tế của các nước hiện nay trong giải quyết vấn đề ma túy cũng như định hướng chính sách phòng, chống ma túy toàn cầu trong thời gian tới”.

Hội nghị trực tuyến cấp quan chức cao cấp về thực hiện Kế hoạch hành động tiểu vùng sông Mê Công lần thứ XI kết thúc vào lúc 13h00 cùng ngày.

Lê Phong