Nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm về ma túy trong giai đoạn hiện nay

Những năm qua do tác động của tình hình ma túy trên thế giới và khu vực, tội phạm ma túy (TPMT) ở nước ta có xu thế gia tăng, tội phạm ma túy hoạt động ngày càng manh động, liều lĩnh.

24/11/2020 | Article Rating

Đối tượng trong nước câu kết với số đối tượng truy nã (ĐTTN), đối tượng người nước ngoài hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia. Nguồn ma túy chủ yếu từ khu vực Tam giác vàng vận chuyển vào nước ta rồi tiếp tục chuyển ra nước ngoài theo các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không. Hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép ma túy tổng hợp (MTTH) đang gia tăng. Tính đến ngày 14/6/2020, cả nước có trên 234.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, phần lớn đang sống ngoài cộng đồng. Đây là nguyên nhân làm phát sinh các tụ điểm, điểm, ổ nhóm bán lẻ ma túy làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ năm 2010 - 2018, lực lượng chức năng cả nước phát hiện, bắt giữ 208.375 vụ, 321.963 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 7,763 tấn heroin, 11,797 tấn + trên 05 triệu viên MTTH, 1.195 khẩu súng, 12.851 viên đạn các loại cùng nhiều vật chứng liên quan. Đặc biệt, năm 2019, lượng heroin thu giữ gấp 07 lần năm 2010, lượng MTTH thu giữ gấp 343 lần năm 2010. Cơ quan cảnh sát ĐTTP về ma túy cả nước đã khởi tố 177.335 vụ, 226.385 bị can, có 3.620 đối tượng phạm tội về ma túy bỏ trốn phải phát lệnh truy nã. Riêng chuyên án 006N, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố 147 bị can, truy nã 39 đối tượng. Do phải đối diện mức án nặng, đối tượng tìm mọi cách lẩn trốn, chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.

Công an tỉnh An Giang vận động gia đình kêu gọi con em phạm tội bỏ trốn ra đầu thú.

Tính đến tháng 6/2020, còn 1.185 ĐTTN chưa bị bắt giữ, chủ yếu là bỏ trốn trong giai đoạn điều tra, hoặc lợi dụng việc tạm hoãn thi hành án để bỏ trốn.  Hầu hết đây đều là số đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Trong số đó: Điện Biên có 116 đối tượng; Sơn La có 103 đối tượng (riêng xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ có 30 đối tượng); Hà Nội có 78 đối tượng; TP. Hồ Chí Minh có 139 đối tượng; Nghệ An có 76 đối tượng. ĐTTN có yếu tố nước ngoài có 306 đối tượng chủ yếu là người nước ngoài phạm tội ở trong nước rồi bỏ trốn và người Việt Nam sau khi phạm tội trốn ra nước ngoài. Nhiều ĐTTN từng cầm đầu các đường dây phạm tội về ma túy, khi đồng bọn bị bắt đã tìm cách che giấu hành vi phạm tội, thay tên đổi họ, bỏ trốn đến khu vực biên giới để thiết lập, điều hành đường dây mới với thủ đoạn tinh vi hơn. ĐTTN sử dụng giấy tờ giả, mua chuộc, lôi kéo, thậm chí đe dọa, ép buộc người dân tham gia hoạt động chống đối, che giấu giúp chúng bỏ trốn khi bị phát hiện, truy bắt.

Phạm Anh Tuấn là ĐTTN từ năm 2012, bị Công an TP. Hà Nội bắt giữ ngày 22/8/2020 về hành vi mua bán trái phép ma túy cùng vật chứng liên quan.

Thực hiện Kế hoạch 327 và Chỉ thị số 07 của Bộ trưởng Bộ Công an về Nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm trong tình hình mới, hàng năm Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy ban hành văn bản hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương tăng cường rà soát, xác minh truy bắt, vận động ĐTTN ra đầu thú trong các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Ngày 28/3/2017, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 66/KH-BCA-C41-C47 về Giải quyết địa bàn trọng điểm về ma tuý tại xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy tham mưu Tổng cục Cảnh sát trước đây ban hành Phương án 1078/PA-C41-C47 về Tăng cường đấu tranh với tội phạm về ma túy tại cụm địa bàn các xã này giai đoạn 2018 - 2020 nhằm tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm số ĐTTN. Nhiệm vụ đột phá là triển khai Quyết định số 1888/QĐ-BCA-C41, ngày 08/5/2018 về thành lập Ban chỉ đạo chuyên án truy bắt ĐTTN Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Thanh Tuân. Cuối tháng 6/2018, Ban chuyên án đã tiêu diệt hai đối tượng này, thu giữ nhiều vũ khí, vật chứng liên quan. Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật cho lực lượng cảnh sát ĐTTP về ma túy, công an các địa phương; thành lập tổ theo dõi, bắt giữ ĐTTN, phối hợp với công an các địa phương trao đổi thông tin, xác minh, truy bắt đạt kết quả. Tổng hợp thông tin ĐTTN lên website của Cục để các địa phương cập nhật thông tin phục vụ công tác, phát hàng trăm thư kêu gọi đối tượng ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Công an các địa phương trọng điểm, có nhiều ĐTTN về ma túy ban hành chương trình, kế hoạch rà soát, thanh loại, truy bắt, vận động đầu thú.

Đối với người Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan điều tra không có điều kiện xác minh, không thể đề nghị truy nã quốc tế vì thiếu thông tin về ảnh, danh chỉ bản, căn cứ xác định nơi lẩn trốn. Theo quy định của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế, không bắt giữ, trao trả người phạm tội có mức án tử hình đã gây khó khăn cho công tác phối hợp truy bắt.

Để nâng cao hiệu quả công tác truy bắt ĐTTN phạm tội về ma túy trong thời gian tới, hệ lực lượng cảnh sát ĐTTP về ma túy cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định, trình tự về công tác truy nã tội phạm. Tập trung nâng cao hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, tập trung truy bắt số ĐTTN lẩn trốn nhiều năm, có thông tin sử dụng vũ khí quân dụng, đối tượng chủ mưu cầm đầu. Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm truy nã tội phạm ma túy. Triển khai hiệu quả các Hiệp định dẫn độ, Biên bản ghi nhớ về phòng, chống tội phạm đã ký giữa Việt Nam với các nước liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho công tác phối hợp điều tra, bắt giữ, trao trả ĐTTN. 

Nâng cao hiệu quả công tác điều tra xử lý tội phạm, quản lý giam giữ, thi hành án nhằm hạn chế “đầu vào” ĐTTN, đề cao trách nhiệm của điều tra viên trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời. Phối hợp với chính quyền địa phương nơi cư trú, gia đình quản lý, giám sát số bị can tại ngoại, bị cáo tạm hoãn thi hành án hạn chế bỏ trốn phải ra quyết định truy nã. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu phải tiến hành truy bắt ngay, tránh để bỏ trốn gây khó khăn cho quá trình điều tra. Duy trì phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài lực lượng công an đảm bảo thông tin về ĐTTN được tiếp nhận, xử lý kịp thời. Đẩy mạnh phối hợp với lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát khu vực, công an viên, dân phòng, bảo vệ dân phố tuần tra kiểm soát địa bàn, quản lý tạm trú, tạm vắng, đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu, nhất là tại các quán bar, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ nhằm phát hiện, bắt giữ ĐTTN. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia tố giác, truy bắt tội phạm, vận động đầu thú, đồng thời xử lý nghiêm hành vi che giấu, giúp sức cho ĐTTN bỏ trốn.

Chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhằm rút ra kinh nghiệm, vận dụng vào công tác đấu tranh cũng như nghiên cứu xây dựng chương trình phòng, chống tội phạm ma túy giai đoạn 2021 - 2025. Củng cố phát triển trung tâm thông tin dữ liệu truy nã, truy tìm phục vụ yêu cầu xác minh, truy bắt kịp thời. Công an các địa phương cần xây dựng, bố trí cán bộ chuyên trách có năng lực, kinh nghiệm, nhiệt tình đảm nhận công tác theo dõi, xác minh, truy bắt đi đôi với bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật, có chế độ chính sách đặc thù để động viên cán bộ, chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác truy nã, trước hết cần sớm hoàn thiện xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 36/2015/TT-BCA quy định về công tác truy nã của Công an nhân dân và Thông tư số 76/2012/TT-BCA quy định về quản lý, sử dụng kinh phí truy nã, truy tìm trong Công an nhân dân. Tiến tới xây dựng Luật Truy nã tội phạm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thẩm quyền, trình tự thủ tục thực hiện công tác truy nã; áp dụng chính sách, biện pháp ngăn chặn; xử lý ĐTTN ra đầu thú; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện công tác này./.

                                                                                       Kim Long