Mục đích của việc tổ chức Hội thảo xây dựng Báo cáo tổng kết Chương trình phòng, chống ma túy (PCMT) đến năm 2020 và xây dựng Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 nhằm tập trung trí tuệ, công khai, dân chủ, phát huy tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, sự đồng lòng nhất trí từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trong những năm tới của Công an các tỉnh, thành phố, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể để hoàn thiện Báo cáo tổng kết và xây dựng Chương trình PCMT giai đoạn mới.
Đồng chí Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phát biểu khai mạc Hội thảo
Để xây dựng Báo cáo tổng kết Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 và xây dựng Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 đảm bảo hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, đồng chí Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, thống nhất về nội dung; đánh giá tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong thời gian qua, làm sâu sắc hơn các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được nêu ra trong dự thảo; đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn và trên cơ sở nghiên cứu các văn bản, cùng thảo luận, tham gia đóng góp vào những vấn đề thiết yếu nhất của Chương trình PCMT giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình; mục tiêu, nội dung của từng dự án; các giải pháp thực hiện; việc huy động nguồn lực cho Chương trình để tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và hành động, tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tệ nạn ma tuý đã và đang trở thành một hiểm họa lớn của toàn nhân loại tác động trực tiếp đến các quốc gia, dân tộc. Hậu quả do ma tuý gây ra rất nghiêm trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh, phát triển các loại tội phạm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định, phồn vinh và sự trường tồn của đất nước, dân tộc. Hàng năm, ở nước ta có từ 65%-70% số vụ phạm pháp hình sự có liên quan đến ma túy; có tới 45% đến 60% người nhiễm HIV do lây lan từ tiêm chích ma túy.
Đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố tham dự Hội thảo xây dựng Báo cáo tổng kết Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 và xây dựng Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025
Tính từ năm 2017 đến tháng 6/2020, các lực lượng PCMT trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ 81.419 vụ với 124.167 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ trên 20,4 tấn ma túy các loại, 4,2 triệu viên ma túy tổng hợp và trên 13 tấn hóa chất, tiền chất để sản xuất trái phép ma túy tổng hợp, tăng gần 11% cả về số vụ và số đối tượng bị bắt giữ và tăng gần 70% về số lượng ma túy bị thu giữ so với giai đoạn trước. Công tác tuyên truyền PCMT đã từng bước đổi mới nội dung, hình thức, đẩy mạnh các biện pháp; chú trọng cả diện và điểm, hướng tới đối tượng cần tập trung tuyên truyền, giáo dục. Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đạt hiệu quả; về cơ bản đã kiểm soát, ngăn chặn được tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp và trồng cây có chứa chất ma túy ở trong nước. Công tác hợp tác quốc tế về PCMT không ngừng được tăng cường và mở rộng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ma túy xuyên quốc gia ngay từ địa bàn biên giới và cửa khẩu. Công tác cai nghiện có những bước đổi mới, đã huy động được sự tham gia của xã hội đối với việc cai nghiện ma túy tự nguyện….
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản thống nhất với kết quả đánh giá trong dự thảo Báo cáo tổng kết và mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Chương trình PCMT giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, một số đại biểu nhận định, tội phạm ma túy hiện không chỉ ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn, xã hội mà còn ảnh hưởng đến lĩnh vực an ninh quốc gia, ma túy là “tội phạm của các loại tội phạm”, do đó cần phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung mọi nguồn lực để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý loại tội phạm và tệ nạn xã hội nguy hiểm này; cần nâng cao vai trò của người đứng đầu, đặc biệt ở địa bàn cơ sở; cần sửa đổi pháp luật về PCMT theo hướng tăng chế tài xử phạt đối với đối với người nghiện và người sử dụng ma túy; tăng nguồn lực đầu tư về phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác đấu tranh với tội phạm ma túy. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận, tham gia ý kiến, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đối với dự thảo Chương trình PCMT giai đoạn 2021 – 2025, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCMT trong thời gian tới.
Trần Thành