Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vấn đề cấp bách đặt ra trong giai đoạn hiện nay

Những  ngày cuối tháng 10/2020, mạng xã hội và dư luận bàng hoàng khi có thông tin về vụ hai đối tượng do không có tiền sử dụng ma túy đã tàn nhẫn ra tay sát hại nữ tân sinh viên Học viện Ngân hàng, chỉ để lấy số tài sản trị giá hơn 3 triệu đồng. Theo cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Xuân Trung (SN 1985, ở xã Văn Phú, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) và Nguyễn Văn Quân (SN 1983, trú tại xã Quất Động, huyện Thường Tín) đều nghiện ma túy, sinh sống trong cộng đồng.

03/11/2020 | Article Rating

Trước đó, tại nhiều địa phương, tình trạng người nghiện, người sử dụng ma túy trái phép (nhất là ma túy tổng hợp) bị ảo giác “ngáo đá” đã gây ra các vụ án mạng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như: vụ đối tượng Hoàng Văn Chín, ở xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên sử dụng ma túy đá bị “ảo giác” đã dùng dao chém 5 người tử vong, 1 người bị thương (trong đó có nhiều nạn nhân là người thân của y) vào cuối tháng 12/2019; vụ đối tượng Trương Tín, ở quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh trong cơn “ngáo đá” tưởng bà ngoại, mẹ và dì ruột là rô bốt nên đã ra tay sát hại cả 3 người; vụ Nghệ sĩ ưu tú Vũ Mạnh Dũng (công tác tại Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam) bị anh vợ đâm tử vong do bị “ảo giác” sau khi sử dụng ma túy tổng hợp…

Rõ ràng, tình trạng người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy đi trộm cắp, cướp giật hoặc giết người để có tiền mua ma túy sử dụng; hoặc bị “ảo giác” sau khi sử dụng ma túy gây ra các vụ tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng, án mạng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đang có xu hướng gia tăng, thực sự là nỗi lo lắng cho toàn xã hội và mọi người dân. Theo thống kê của Bộ Công an, trên 50% người bị giam giữ trong trại giam của Bộ Công an liên quan đến ma túy; hiện cả nước hiện có gần 240.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, nhưng trên thực tế, con số đó còn lớn hơn nhiều, nhất là số người sử dụng trái phép chất ma túy đang gia tăng mạnh trong cộng đồng mà chúng ta chưa thống kê được. Thực trạng đó đang là hiểm họa của đất nước, dân tộc; là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đe dọa nghiêm trọng an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra là chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống ma túy, phải nhanh chóng thống kê, quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy; không để họ “tự tung tự tác” trong cộng đồng như thời gian qua. Đây cũng là một trong các nội dung quan trọng được bổ sung trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo trong hơn 01 năm qua; hiện đang được trình Quốc hội xin ý kiến và tiến hành thảo luận tại hội trường ngày 12/11/2020.

Đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 11/9/2020)

Dự thảo Luật Luật Phòng, chống ma túy  (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều; trong đó dành hẳn một chương mới (Chương IV) quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy với kỳ vọng giải quyết được sự phức tạp của tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy thời gian qua, trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý đối tượng này. Các nội dung, giải pháp cụ thể trong dự thảo luật gồm có việc: xác định người sử dụng trái phép chất ma túy; chính sách quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy. Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 01 năm với người từ đủ 18 tuổi trở lên; 6 tháng với người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi, kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó.

Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi (ngày 02/11/2020)

Ngày 11/10/2020, tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận cho ý kiến. Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy là hành vi vi phạm pháp luật; Thường trực Ủy ban tán thành việc bổ sung các quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (như tại Chương IV trong dự thảo Luật). Đây được coi là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn một người tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến bị lệ thuộc và trở thành nghiện ma túy. Việc bổ sung quy định này cũng góp phần thể chế hóa quan điểm chỉ đạo có “chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” được nêu tại Chỉ thị 36 - CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Mới đây, ngày 02/11/2020, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội góp ý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật nhất trí cần phải sửa luật vì tình hình tai nạn giao thông thời gian qua diễn biến phức tạp khi nhiều lái xe container dương tính với ma túy gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ông cũng bày tỏ lo lắng với tình trạng sử dụng ma túy trái phép tại các nhà hàng, quán bar, karaoke, vũ trường…

Có thể nhận thấy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy đang trở thành một vấn đề cấp bách đặt ra trong thực tế hiện nay. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của giới chuyên môn, các nhà làm luật, các cấp chính quyền cũng như đông đảo nhân dân. Việc sớm ban hành Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nói chung; trong đó có vấn đề mới về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chắc chắn sẽ đáp ứng được kỳ vọng của các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân với mục đích ngăn chặn ngay từ đầu, không người sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục sử dụng dẫn đến mắc nghiện, gây ra tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy việc thực hiện vấn đề này không hề đơn giản, phải có những quy định pháp lý cụ thể, sự “chung tay”của các cấp, các ngành và mọi người dân, nhưng chắc chắn sẽ có tác dụng rất tốt với chính bản thân người sử dụng trái phép chất ma túy, với gia đình họ, cộng đồng dân cư và toàn xã hội./.

Minh Anh