Công tác điều trị ở Thamkrabok chủ yếu áp dụng với các chứng nghiện opioid, methamphetamine (meth) và rượu, miễn mọi chi phí cho các bệnh nhân, nhưng đổi lại bệnh nhân phải cam kết ở lại 14 ngày để được điều trị tận gốc (khách nước ngoài chỉ cần 07 ngày). Hàng ngày, các bệnh nhân được chỉ định uống thuốc ngay sau bữa chiều trong 05 ngày liên tục và không được rời khỏi nơi điều trị nếu không được sự cho phép và hộ tống bởi các sư thầy. Anh Jeremy Nemeh, người Úc từng bị nghiện heroin, được mẹ đưa đến thiền viện Thamkrabok từ tháng 01/2016. Giờ đây, Jeremy đã xuống tóc tu hành tại chùa sau khi việc điều trị bệnh kết thúc.
Trường hợp của Alexandra Sheichuk đến từ Calgary, bang Alberta tới thiền viện Thamkrabok sau khi nghe nói về ngôi chùa đặc biệt này. Sheichuk lạm dụng thuốc giảm đau kể từ năm 12 tuổi, năm cô 14 tuổi và được chỉ định dùng Tylenol 3 (có chứa thành phần codein) để trị chứng đau lưng khi tập múa ba-lê. Trớ trêu thay trong thời gian phục hồi, Sheichuk mắc nghiện cocain. Tại đây, Sheichuk được nhà sư thuyết giảng và nhấn mạnh vào khả năng “tự lực cánh sinh” trong điều trị và nêu cao tinh thần kỷ luật giúp bệnh nhân đi qua “những ngày giông bão” bằng sacaat, hình thức chữa bệnh tâm linh.

Nhà sư ở thiền viện Thamkrabok thăm hỏi bệnh nhân về quá trình điều trị.
Sacaat được hiểu như cách tự hứa với lương tâm của chính mình, cụ thể như không được biểu lộ giận dữ ít nhất hai giờ/ngày, bệnh nhân phải tự mình bày tỏ lòng tôn kính với cha mẹ và quyết tâm từ bỏ nghiện ngập. Vấn đề là khi bệnh nhân hoàn thành lời thề của họ thì cảm xúc và tính kỷ luật sẽ nhân lên gấp bội, khi bệnh nhân cảm thấy tự kiểm soát chính mình. Ngoài ra, thiền viện Thamkrabok cũng phát cho bệnh nhân cuốn sách nhấn mạnh về sự thật mà mỗi con người cần phải tự mình nhận ra để có thể “quay đầu lại là bờ”. Giải thích về Sacaat, Phó Viện trưởng thiền viện Thamkrabok, Hòa thượng Vijit Akarajitto cho rằng việc làm này là cách để mỗi bệnh nhân tự mình nâng cao sức mạnh ý chí, tự tin rằng bản thân sẽ kiểm soát để tránh tái nghiện. Không ai khác có thể giúp đỡ chúng ta, ngoại trừ bản thân mình, ông cũng rất lo ngại bệnh nhân khi quay về nhà, họ sẽ mất phương hướng rồi tái nghiện. Hòa thượng Vijit Akarajitto không thống kê được tỷ lệ thành công sau điều trị cai nghiện vì chùa không có người theo sát các bệnh nhân cũng như không có bệnh nhân nào quay lại chùa điều trị lần thứ hai.
Từ thập niên 1990, các tổ chức ở Anh, Úc bắt đầu gửi người nghiện ma tuý đến thiền viện Thamkrabok. Người dân địa phương chủ yếu nghiện meth dạng tinh thể (ma tuý “đá”) và yaba (chứa hỗn hợp meth và cafein). Người nước ngoài sử dụng hỗn hợp heroin, cocain, meth và rượu. Hiện tại, nhiều người ở Mỹ và Canada lạm dụng fentanyl và các dạng opioid tổng hợp khác. Giải độc các chất này là quá trình dài và nguy hiểm, nhất là người có tiền sử nghiện rượu có nguy cơ co giật, đau tim và người nghiện ma tuý thường hay mắc chứng hoang tưởng, lo âu. Để tránh rủi ro, nhà chùa khuyên họ nên cai nghiện rượu trong bệnh viện trước khi cai nghiện ma tuý để có thể tập trung vào việc cầu nguyện, thiền định kiểm soát bản thân. Mỗi sáng học viên tham gia quét dọn vệ sinh chùa, lao động sản xuất. Buổi trưa tắm hơi và dành thời gian cho lễ thanh trừng. Peter Supano, một tu sỹ người Anh cho biết, nghi lễ này giúp người bệnh nôn để loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể từ đó giúp ích cho việc cai nghiện. Thuốc gây nôn được điều chế từ 108 loại thảo dược trồng trong chùa. Sau đó, bệnh nhân quỳ trước ban thờ mịt mù khói hương, thề không tái sử dụng ma tuý trước sự giám sát của nhà sư cao niên. Lời thề này mang tính thiêng liêng, không thể bị phá vỡ, giúp họ có thêm nghị lực để cai nghiện thành công trở thành người có ích cho xã hội.

Bệnh nhân ra nôn độc tố sau khi uống trà thảo mộc giải độc.
Đến nay, Thái Lan có 04 trung tâm được cấp giấy phép, trong quá trình hoạt động, các trung tâm chịu sự giám sát chặt chẽ của Bộ Y tế và Công cộng và phải đảm bảo các yếu tố về trình độ của nhân viên, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh môi trường, được cung cấp đào tạo hàng năm.
Thiền viện Thamkrabok được biết đến chương trình cai nghiện ma tuý “triệt để”, nghĩa là cắt đứt nguồn cung cấp ma tuý. Khi đến đây, bệnh nhân phải trải qua quá trình kiểm tra hành lý, tư trang nhằm phát hiện, thu giữ chất ma tuý. Họ không được điều trị thay thế bằng Methadone, Buprenorphine hay các loại thuốc an thần có tác dụng giảm hội chứng cai. Họ cũng phải giao nộp điện thoại di động và tiền bạc cho thiền viện cất giữ. Bệnh nhân được cấp phiếu mua đồ ăn trong nhà bếp thiền viện. Năm 2010, Tổ chức Đông Tây do Anh điều hành đã khảo sát trong số 65 bệnh nhân, đã có 60% số người không tái nghiện sau một năm điều trị tại Thamkrabok.
Judith Grisel, chuyên gia về nghiện chất tại Đại học Bucknell (bang Pensylvania Mỹ) nhận định, khi rời thiền viện trở về nhà, nếu tiếp tục sống với lối sống cũ, họ sẽ tái nghiện. Đối với phương pháp cai nghiện tại Thamkrabok sẽ giúp người sau cai tự chịu trách nhiệm về việc làm của họ, đồng thời sau khi trải qua “những ngày mưa bão”, họ cần được gia đình, cộng đồng quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia và tiếp thêm nghị lực để vươn lên. Một số bệnh nhân sau khi hồi phục đã chọn con đường ở lại chốn thiền môn này.
Ở nước ta, hoạt động cai nghiện ma túy liên quan đến tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng đã tồn tại nhiều năm nay. Để phát huy lợi thế của tôn giáo trong công tác cai nghiện, các ban, ngành, tổ chức tôn giáo ở nước ta cần trao đổi, học tập kinh nghiệm của nước bạn. Ngoài tổ chức điều trị cắt cơn thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp tín đồ và người dân nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn ma túy, tham gia tố giác tội phạm ma túy, giúp đỡ người nghiện cai nghiện thành công. Các chức sắc tôn giáo bằng uy tín của bản thân vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia xã hội hóa công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, tuyển dụng người sau cai vào làm việc. Với người nghiện, để chiến thắng ma túy ngoài nghị lực của bản thân, họ cần được xã hội cảm thông, sẻ chia, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Tâm Long