Hiện tại việc làm, điều kiện làm việc, thu nhập, đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt. Lòng yêu nước, yêu nghề, yêu nhà máy của công nhân ngày càng được củng cố, nâng cao. Tuy nhiên, do phần lớn người lao động của ta xuất thân từ nông thôn, tuổi đời từ 18 - 25, chưa được đào tạo tay nghề chuyên sâu, thiếu kỹ năng sống để thích nghi với môi trường lao động thời kỳ hội nhập. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường, tình hình dịch bệnh khiến doanh nghiệp dừng sản xuất, công nhân mất việc làm khiến không ít người hụt hẫng, mất định hướng, sa vào tội phạm, tệ nạn xã hội.
Để giải quyết thực trạng trên, ngày 12/9/2017, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-TLĐLĐVN trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), trong đó có nội dung phòng, chống ma túy (PCMT) và tệ nạn xã hội trong công nhân lao động. Để quy chế đi vào đời sống, Tổng Liên đoàn chỉ đạo các cấp công đoàn quán triệt, xác định nhiệm vụ, trách nhiệm đối với công tác này trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Ngày 15/9/2017, Tổng Liên đoàn ban hành Quyết định số 1529/QĐ-TLĐ phê duyệt Đề án PCMT trong công nhân lao động tại các KCN, KCX và nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực.
LĐLĐ và Công an tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức tuyên truyền PCMT cho công nhân lao động trên địa bàn.
Nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong công nhân, người lao động tại KCN, KCX ở các địa bàn trọng điểm, Tổng Liên đoàn phối hợp với Bộ Công an triển khai Kế hoạch điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình và kết quả công tác phối hợp phòng, chống tội phạm. Đây là cơ sở để các cấp công đoàn thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động. Theo đó, 100% LĐLĐ các địa phương xây dựng chương trình phối hợp với lực lượng công an triển khai đến công đoàn cơ sở. Ban hành văn bản hướng dẫn cơ quan, doanh nghiệp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc ban hành trên 2.500 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị cơ sở tổ chức hoạt động tự quản về ANTT.
Trong quá trình triển khai quy chế phối hợp, công tác tuyên truyền luôn được các cấp công đoàn quan tâm đổi mới đa dạng hóa dưới hình thức tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc của người lao động, xây dựng tủ sách pháp luật, hòm thư tố giác tội phạm, pa nô, áp phích, cấp phát tờ rơi, băng đĩa với nội dung phổ biến pháp luật cho người lao động tại KCN, KCX, nhà trọ. Với phương châm hướng về cơ sở, phục vụ công nhân lao động, hoạt động tuyên truyền được tổ chức linh hoạt ở hội trường, bếp ăn, nhà xưởng, khu nhà trọ để mọi người dễ tiếp cận và phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của công ty. Tổng Liên đoàn đẩy mạnh ứng dụng mạng internet, mạng xã hội, tin nhắn trên điện thoại di động trong công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật. Các cơ quan truyền thông của Công đoàn tích cực phản ánh chiến công của lực lượng công an trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy, qua đó cảnh báo về tác hại của ma túy, nhất là các chất ma túy mới xuất hiện trên địa bàn, thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo của đối tượng để người lao động nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa.
Để tạo điểm nhấn cho công tác tuyên truyền, ngày 18/7/2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức tọa đàm truyền hình trực tuyến trên Báo Lao động với chủ đề “Bảo vệ công nhân và phòng, chống tội phạm ở các KCN”, tổ chức Ngày hội tư vấn pháp luật cho hàng ngàn người lao động ở các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Phú Thọ. Hoạt động này đã đáp ứng nhu cầu thông tin về công tác PCMT hiện nay, được đông đảo công nhân lao động và người dân địa phương hưởng ứng. Trên phạm vi cả nước, sự phối hợp giữa các cấp công đoàn và lực lượng công an trong công tác PCMT đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hai ngành phối hợp tổ chức trên 40.000 buổi truyền thông cho 4,5 triệu lượt đoàn viên công đoàn và người lao động, phát hành 1,5 triệu ấn phẩm. Qua tuyên truyền, cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động đã cung cấp gần 10.000 nguồn tin có giá trị giúp lực lượng công an khám phá nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn quan tâm chỉ đạo công đoàn các cấp phối họp lực lượng công an xây dựng và phát huy vai trò mô hình phòng, chống tội phạm, ma túy trong KCN, tổ tự quản khu nhà trọ công nhân. Hiện cả nước, đang duy trì 2.538 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với trên 207.000 công nhân, người lao động tham gia ở 22 địa phương. LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh có 1.757 tổ, với 120.242 công nhân tham gia. LĐLĐ các quận, huyện phối hợp với chủ nhà trọ phát triển các tổ tự quản thành mô hình “Khu nhà trọ văn minh - sạch đẹp - an toàn” góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “Ba giảm” (giảm tội phạm, giảm ma túy, giảm mại dâm) của thành phố. LĐLĐ TP. Hà Nội có 92 tổ tự quản, với hơn 20.000 công nhân tham gia. Trong 03 năm qua, các tổ tự quản tham gia hòa giải, giải quyết tại cơ sở 155 vụ việc, cung cấp thông tin giúp lực lượng công an làm rõ 35 vụ liên quan đến ANTT. LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an tỉnh thành lập, duy trì hoạt động của 93 tổ an ninh công nhân tại 06 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị và đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Một buổi sinh hoạt của Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân phường Bách Quang, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Theo đánh giá của các địa phương có mô hình tự quản khu nhà trọ công nhân cho thấy mang lại hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCMT bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với đời sống và nhận thức của người lao động. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội ở các nhà trọ giảm, nhận thức của công nhân được cải thiện rõ rệt do tiếp nhận thông tin hữu ích, kịp thời. Từ mô hình này, nhiều người đã tự giác tham gia ký cam kết không vi pháp pháp luật, qua đó ANTT trên địa bàn được giữ vững. Công tác PCMT do Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn trong cả nước đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế nguyên nhân phát sinh và làm giảm tình trạng công nhân lao động phạm tội, mắc tệ nạn xã hội, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định bền vững. Thời gian qua, không phát sinh vụ việc phức tạp về ANTT liên quan đến công nhân, người lao động. Một số địa phương, trước đây có người nghiện ma túy thuộc nhóm này thì nay không phát sinh người nghiện mới.
Thời gian tới, các cấp công đoàn trong cả nước tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác PCMT nói chung và trong công nhân lao động nói riêng. Đẩy mạnh phối hợp giữa tổ chức công đoàn với lực lượng công an và các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền ở cơ sở, hướng tới nhóm có nguy cơ cao qua đó vận động người dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội. Đề xuất các ngành chức năng cùng doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho hoạt động đào tạo nâng cao tay nghề, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo phúc lợi xã hội và phát triển mô hình tự quản để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty, cải thiện đời sống người lao động, góp phần giữ ổn định ANTT trên địa bàn.
Kim Long