Cùng với tình hình tội phạm ma túy có nhiều thời điểm diễn biến phức tạp thì tình hình người nghiện ở Quảng Ninh cũng đặt ra nhiều áp lực trong công tác cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai đối với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Theo số liệu báo cáo thống kê, tính đến tháng 6/2020, có 126/177 xã, phường, thị trấn (chiếm trên 70%) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có người nghiện, với tổng số 2.550 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thành phần nhân thân phức tạp, một phần nhỏ là người dân tộc thiểu số. Trong đó, 1.743 người nghiện đang sinh sống ở ngoài cộng đồng (chiếm hơn 68%); 625 người đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh (chiếm gần 25%); 72 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; một số người nghiện đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone hoặc đang bị tạm giam, tạm giữ vì phạm pháp hình sự. Đáng lo ngại, người nghiện ở độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi chiếm 0,5%; người nghiện ở độ tuổi từ 19 đến 30 tuổi chiếm tới 26,4%, trong khi họ đang là thế hệ tương lai, sức lao động chính của nhiều gia đình, địa phương.
Nhận thức rõ sự nguy hại của hiểm họa ma túy, những năm qua, công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, sự nỗ lực của lực lượng chuyên trách và sự ủng hộ của nhân dân. Trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, Quảng Ninh đã ban hành 54 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; kịp thời tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác này. Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 28/10/2019 thực hiện Chỉ thị số số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho người tự nguyện chữa trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ kinh phí nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội giai đoạn 2015-2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1977/KH-UBND ngày 16/4/2015 về thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị. Hăng năm, đều ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó giao cụ thể chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương về công tác cai nghiện ma túy.
Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Tỉnh, các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương đã ban hành nhiều văn bàn hướng dẫn, tuyên truyền, triển khai công tác phòng chống tệ nạn ma túy. UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trên địa bàn, gắn với nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chỉ đạo lồng ghép xây dựng các mô hình phòng, chống ma túy kết hợp với giải pháp phòng ngừa, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để thực hiện tốt công tác quản lý dữ liệu thông tin người cai nghiện ma túy, năm 2019 tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng, triển khai phần mềm quản lý người cai nghiện ma túy tại 3 cấp (tỉnh, huyện và 100% xã, phường, thị trấn) để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy. Tính đến tháng 6/2020, 100% số xã, phường, thị trấn của tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; 126/126 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy đã thành lập Tổ công tác cai nghiện cấp xã theo quy định. Thông qua công tác rà soát, UBND cấp xã đã chỉ đạo Tổ công tác cai nghiện ma túy cấp xã phân công thành viên tư vấn cho người nghiện và gia đình người nghiện lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp; phân công cán bộ Y tế kết hợp với gia đình người nghiện hay người giám hộ lập hồ sơ bệnh án, lập kế hoạch điều trị cắt cơn, giải độc theo hướng dẫn của Bộ Y tế gắn với tư vấn tâm lý và các biện pháp trị liệu khác. Kết quả, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, các địa phương trong toàn tỉnh Quảng Ninh đã lập hồ sơ, cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng cho 1.254 lượt người (1.254/3.953), chiếm tỷ lệ 31,7% so với tổng số lượt người nghiện ma túy được điều trị, cai nghiện trong toàn tỉnh.
Chăm sóc sức khỏe cho học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện tỉnh Quảng Ninh
Đối với công tác cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, hiện Quảng Ninh có 01 Cơ sở cai nghiện ma túy là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đóng tại xã Vũ Oai, TP. Hạ Long. Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, cơ sở đã tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho 2.924 lượt người nghiện ma túy đảm bảo an toàn theo đúng quy trình, quy định; hiện cơ sở đang quản lý, cai nghiện cho 750 người nghiện ma túy. Người nghiện tham gia cai nghiện tại đây được thực hiện quy trình cai nghiện gồm 5 giai đoạn; thời gian thực hiện quy trình từ 1- 2 năm. Sau quá trình cắt cơn, giải độc, học viên được tư vấn tâm lý, học tập, lao động phục hồi sức khỏe. Giai đoạn cuối cùng, các học viên được học nghề theo nhu cầu, được Cơ sở cai nghiện phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, chính quyền địa phương nơi cư trú giới thiệu, tạo việc làm để có nguồn thu nhập tự nuôi sống bản thân, tái hòa nhập cộng đồng và không tái nghiện.
Hỗ trợ dạy nghề cho học viên sau cai nghiện
5 năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân, công tác cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng tạo môi trường xã hội lành mạnh, ổn định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; số người nghiện ma tuý loại heroin tuy có chiều hướng giảm, nhưng việc lạm dụng và sử dụng trái phép ma tuý tổng hợp, tân dược gây nghiện và các loại ma tuý mới có xu hướng gia tăng (tập trung nhiều vào đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên); một số người đang điều trị thay thế bằng Methadone đã tự ý bỏ điều trị hoặc vẫn sử dụng các loại ma tuý khác; số đối tượng tù tha, người hoàn thành chương trình cai nghiện tập trung về cộng đồng còn tái nghiện nhiều; bên cạnh đó, do một số vướng mắc trong việc thực hiện tiêu chí xác định tình trạng nghiện ma túy (nhất là đối với người nghiện ma túy tổng hợp) gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, thông kê, phân loại, quản lý và tổ chức cai nghiện.
Thời gian tới, để huy động mọi nguồn lực, tập trung thực hiện hiệu quả công tác này, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cở sở; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt là cấp cơ sở, xã, phường, thị trấn, khu dân cư với công tác này theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 36 - CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tệ nạn xã hội, tệ nan ma túy, từ việc tuyên truyền, giáo dục đến phòng ngừa, đấu tranh và giảm hại; gắn công tác cai nghiện ma túy với việc hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện; tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt văn hóa; giáo dục đạo đức, lối sống các cá nhân, nhất là thanh, thiếu niên... để làm giảm các điều kiện, nguyên nhân phát sinh tệ nạn ma túy trong cộng đồng, qua đó từng bước kiềm chế, làm giảm số người nghiện trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự để tập trung xây dựng, phát triển kinh tế địa phương./.
Minh Anh