Chủ động ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường bưu điện

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, trong Quý III năm 2020, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; đáng chú ý là tình trạng tội phạm lợi dụng tuyến bưu điện để chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và từ trong nước ra nước ngoài có dấu hiệu gia tăng. Mới đây, việc Việt Nam tổ chức nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, du lịch… nhưng cũng đặt ra những thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong lĩnh vực phòng, chống loại tội phạm này.

28/09/2020 | Article Rating

Có thể nhận thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, do việc cách ly và tạm dừng  hoạt động xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam đi nước ngoài, công dân nước ngoài vào Việt Nam, cũng như tạm dừng các hoạt động thương mại, giao lưu quốc tế do đại dịch Covid – 19 nên tình hình tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy ở Việt Nam có những thời điểm trầm lắng, ít phức tạp hơn. Tuy nhiên, do đặc thù riêng nên tuyến bưu điện vẫn hoạt động thông suốt và được tội phạm lợi dụng như là một trong các tuyến chính để vận chuyển trái phép chất ma túy (chủ yếu là ma túy tổng hợp, cần sa) từ nước ngoài vào Việt Nam. Dù lượng ma túy thu giữ được trong mỗi vụ không lớn; nhưng tần xuất số vụ bị phát hiện, bắt giữ ngày càng tăng.

Ngày 04/9/2020, tại Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc, qua công tác nghiệp vụ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt 01 đối tượng trong đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Đức về Việt Nam tiêu thụ; thu giữ 04 kg ma túy tổng hợp, 0,5 kg cocain và một số vật chứng liên quan. Sau đó, ngày 07/9/2020, tại Bưu điện tỉnh Nam Định, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Công an tỉnh Nam Định phát hiện, bắt giữ 02 đối tượng vận chuyển trái phép 04 kg ma túy tổng hợp qua đường bưu điện. Trước đó vào tháng 6/2020, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đội 6, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một số bưu kiện hàng hóa gửi từ Châu Âu về Việt Nam qua đường bưu điện quốc tế và chuyển phát nhanh; đã phát hiện trong 04 bưu kiện có cất giấu ma túy; thu giữ 09 kg ma túy tổng hợp Methamphetamin (thuốc lắc) ngụy trang trong những gói kẹo và túi treo bằng vải…

Cơ quan chức năng  phát hiện, thu giữ lượng lớn ma túy tổng hợp được các đối vận chuyển trái phép qua đường bưu điện bằng cách giấu trong các hộp thực phẩm chức năng.

Có thể nhận thấy, do lợi nhuận cao, việc vận chuyển khá thuận tiện nhất là trong bối cảnh cách ly do đại dịch Covid – 19 và gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện, bắt giữ của lực lượng chức năng nên hoạt động vận chuyển ma túy trái phép qua đường bưu điện đang được các đối tượng triệt để lợi dụng. Qua các vụ phát hiện cho thấy, ma túy được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam chủ yếu là  cần sa, ma túy đá, thuốc lắc (MDMA) có xuất phát điểm từ Mỹ, các nước thuộc Châu Âu như Hà Lan, Đức, Bỉ…; một số vụ ma túy được vận chuyển từ các nước trong khu vực Đông Nam Á vào Việt Nam và theo chiều ngược lại. Thủ đoạn vận chuyển, cất giấu của các đối tượng rất tinh vi như: cất giấu ma túy trong các kiện hàng được ngụy trang bằng thuốc chữa bệnh, nến trang trí, đồ uống, mỹ phẩm dạng quà tặng (ma túy dạng lỏng được bơm vào các tuýp kem bôi da…), thậm chí giấu ma túy trong các bọc nilon được hút chân không để chó nghiệp vụ khó phát hiện.

Đối với loại tội phạm này, việc phát hiện bắt giữ các đối tượng là hết sức khó khăn do các lô hàng được gửi từ nước ngoài về Việt Nam; việc xác minh chủ hàng, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ gặp rất nhiều trở ngại. Trong khi mỗi ngày có hàng trăm kiện hàng tương tự (hàng thật) được gửi về Việt Nam thông qua các công ty chuyển phát nhanh quốc tế. Thậm chí, khi thấy dấu hiệu bị lộ, các đối tượng không tới nhận hàng hoặc lấy lý do bị gửi nhầm địa chỉ để từ chối trách nhiệm. Vì vậy để bắt giữ, chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng, các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ và thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp nghiệp vụ trong thời gian dài.

Từ nay đến cuối năm 2020 và thời gian tới, do đại dịch Covid – 19 bước đầu được ngăn chặn ở Việt Nam và dần được kiểm soát trên bình diện quốc tế nên các hoạt động thương mại, chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa… sẽ được nối lại ở nước ta và tăng dần về tần suất. Vì vậy không loại trừ khả năng các đường dây tội phạm sẽ đẩy mạnh hoạt động, trong đó có việc lợi dụng tuyến đường bưu điện để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại. Do đó, ngay từ bây giờ, các lực lượng chức năng của Việt Nam, chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, ngành Bưu chính viễn thông và các lực lượng liên quan như Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… trên phạm vi toàn quốc cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin thông qua việc ký kết các kế hoạch, chương trình phối hợp; chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, bưu kiện ký gửi để chủ động đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này; góp phần thực hiện quyết tâm “không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế” theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 36 – CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy./.

 Nhật Nam