Những năm gần đây với sự chung tay của các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân Thủ đô, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn nhìn chung đã được kiểm soát. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ các tuyến, địa bàn trọng điểm về Hà Nội vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2016 - 2020, Công an thành phố (CATP) Hà Nội phát hiện 6.574 vụ, 8.782 đối tượng liên quan đến ma túy tổng hợp, chiếm 52,3% tổng số vụ bắt giữ. Một số thanh thiếu niên thường lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự để mua bán, sử dụng ma túy, “bóng cười”, shisa từ đó tiềm ẩn hậu quả khó lường, gây bức xúc trong dư luận. CATP đã phát hiện, điều tra, khám phá 12.568 vụ, 16.594 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó có 7.588 đối tượng có độ tuổi dưới 30 và phần lớn đều không có nghề nghiệp ổn định. Toàn thành phố hiện có 15.236 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy là thanh thiếu niên.
Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03, ngày 24/6/2010 về Phối hợp hành động phòng, chống ma túy (PCMT) trong thanh thiếu niên giữa Bộ Công an và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, CATP và Thành đoàn Hà Nội đã ký Kế hoạch số 167/KH-CAHN-TĐHN để triển khai đến các đơn vị trực thuộc. Hai đơn vị tham mưu Thành ủy, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, đồng thời triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW. Hàng năm, CATP chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, lực lượng công an cơ sở thực hiện nghiêm túc đợt cao điểm cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động PCMT (tháng 6); quản lý tạm trú, tạm vắng, quản lý người nước ngoài, triển khai kế hoạch tổng rà soát, thống kê toàn diện số người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy, nhất là số đối tượng có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, đối tượng đến từ các tỉnh trọng điểm có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy; có phương án đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở cai nghiện, cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn.
Đoàn viên thanh niên huyện Đan Phượng ký giao ước thi đua PCMT.
Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo các cơ sở đoàn trực thuộc quán triệt, phổ biến quy định của pháp luật về PCMT đến đoàn viên, thanh thiếu niên. Thành lập mô hình câu lạc bộ B93, câu lạc bộ thanh niên sống đẹp tại 100% cơ sở đoàn khối quận, huyện, thị xã giúp hội viên được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở. Đoàn thanh niên khối trường học xây dựng góc thông tin thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin mới về tệ nạn ma túy giúp học sinh, sinh viên nhận biết và có biện pháp phòng tránh kịp thời. Hai ngành tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên báo An ninh Thủ đô, báo Tuổi trẻ Thủ đô và các chương trình phát thanh, trang thông tin điện tử để người dân nâng cao ý thức tự phòng ngừa, đồng thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích PCMT xuất sắc trong cộng đồng. Duy trì chương trình tập huấn, tọa đàm, hội thi, tủ sách pháp luật nhằm trang bị kỹ năng tuyên truyền cho đội thanh niên xung kích phòng, chống tệ nạn xã hội ở các xã, phường, thị trấn. Từ năm 2016 đến nay, Thành đoàn tổ chức 693 buổi tập huấn cho trên 41.000 cán bộ, đoàn viên, 3.174 lượt tuyên truyền cho 166.000 lượt đoàn viên thanh niên. CATP và Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, “Viết thư xin lỗi” kết hợp với tặng quà cho phạm nhân có thành tích cải tạo tốt tại các cơ sở giam giữ trên địa bàn. Điển hình ngày 20/6/2020, Thành đoàn phối hợp với Huyện đoàn Ba Vì và Trại giam Suối Hai, Bộ Công an tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” đồng thời trao tặng thuốc chữa bệnh và 20 suất quà cho những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên cải tạo tốt. Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội phối hợp với Ban giám thị trại giam, trại tạm giam tuyển dụng các phạm nhân có quá trình cải tạo tốt để sau khi mãn hạn tù vào làm việc tại doanh nghiệp hội viên.
Thành đoàn Hà Nội và Ban Giám thị Trại giam Suối Hai tặng quà cho phạm nhân có thành tích cải tạo tốt.
Trong 05 năm qua, Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng, duy trì 584 mô hình đội thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin với 6.424 cán bộ, đoàn viên tham gia cùng phối hợp với lực lượng công an cơ sở và các ban, ngành tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về tác hại của tệ nạn ma túy, giúp đỡ 1.081 người sau cai được học nghề, tìm việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Thành đoàn đẩy mạnh hoạt động “ba cùng” qua việc tổ chức cho đoàn viên thanh niên giao lưu, chia sẻ kỹ năng sống với học viên cơ sở cai nghiện, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục trên địa bàn nhằm tạo tiền đề hỗ trợ cho học viên khi trở về cộng đồng, đồng thời “vào từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân không vi phạm pháp luật về ma túy.
Lực lượng công an cơ sở phối hợp với đoàn các cấp điều tra khảo sát nắm tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong thanh thiếu niên nhằm phân loại, tìm hiểu hoàn cảnh để động viên, giúp đỡ các trường hợp chậm tiến tham gia học nghề, tìm việc làm ổn định cuộc sống. Thường xuyên tổ chức hoạt động tình nguyện, giao lưu văn nghệ, thể thao giúp người sau cai vượt qua mặc cảm vươn lên tái hòa nhập cộng đồng. 05 năm qua đã có 1.186 thanh thiếu niên chậm tiến được giáo dục, cảm hóa tiến bộ, các trường hợp còn lại đang được hai đơn vị tiếp tục theo dõi, giúp đỡ.
Để thực hiện hiệu quả công tác PCMT trong thanh thiếu niên, giai đoạn tới, CATP và Thành đoàn Hà Nội tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền thành phố chỉ đạo các ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phối hợp với lực lượng chức năng phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới làm giảm tội phạm ma túy và người nghiện ma túy trên địa bàn. Kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03 ở cơ sở gắn với kiểm tra, giám sát qua đó điều chỉnh, hướng dẫn việc thực hiện có hiệu quả.
Phối hợp hiệu quả giữa lực lượng công an và cán bộ, đoàn viên thanh niên trong quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ thanh thiếu niên hoàn lương có việc làm ổn định cuộc sống và được tạo điều kiện tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng ở khu dân cư. Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác PCMT cũng như những trường hợp thanh thiếu niên có quá khứ lầm lỗi nay vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.
Đề xuất các bộ, ngành trung ương trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật PCMT cần quy định rõ vai trò trách nhiệm của tổ chức đoàn, cán bộ, đoàn viên thanh niên trong công tác này, có cơ chế chính sách đẩy mạnh xã hội hóa việc dạy nghề, tạo việc làm, bố trí nguồn vốn vay ưu đãi giúp người sau cai nghiện và gia đình phát triển kinh tế làm giàu chính đáng. Tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên của lực lượng công an và đoàn thanh niên cơ sở, tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm PCMT trong thanh thiếu niên giữa các địa phương trong cụm thi đua và cả nước.
Minh Châu