Cảnh báo tình trạng lạm dụng cây lanh

Trong tự nhiên, cần sa và lanh là hai loại cây có hình dáng, phương thức canh tác giống nhau và đều thuộc họ cannabis. Chúng đều chứa nhiều loại tinh dầu, trong đó có chất tetrahydroncannabinol (THC), là chất ma túy gây ảo giác. Tuy nhiên hàm lượng chất THC của lanh dưới 0,3%, còn hàm lượng THC trong cần sa trên 0,3%. Lanh còn có tên gọi khác là gai dầu, lanh Mèo, lanh Mán, là cây trồng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc.

27/08/2020 | Article Rating

Hiện, toàn tỉnh Hà Giang đang duy trì 100.000 m2 trồng lanh/năm ở các huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Đồng Văn để dệt vải may trạng phục truyền thống, túi xách, vỏ gối... gắn với phát triển du lịch sinh thái. Năm 2001, tại xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ đã thành lập Hợp tác xã Lanh Lùng Tám trồng lanh lấy sợi sản xuất hàng hóa may mặc. Tính đến tháng 7/2020, Công an tỉnh Hà Giang chưa phát hiện vụ việc trồng, mua bán, sử dụng lanh vào mục đích liên quan đến ma túy. Cây lanh có 03 - 04 loại, phổ biến nhất là Canibis sativa và Canabis indica của Ấn Độ, được du nhập vào Việt Nam lúc đầu trồng chỉ để lấy sợi dệt vải nhưng sau đó bị lạm dụng để hút gây ảo giác. Hoạt chất THC trong cây lanh có tác dụng gây ức chế thần kinh và gây ảo giác. Hiện, công tác quản lý việc trồng và sử dụng các chế phẩm từ lanh ở địa phương còn hạn chế. Sử dụng các chế phẩm từ lanh sẽ gây nghiện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn việc xác định tình trạng nghiện và biện pháp xử lý. Vì vậy, cần cảnh tỉnh cho những người còn đang mơ hồ về việc mua bán, sử dụng các chế phẩm từ lanh.

Lanh Mèo trồng xen với ngô tại quán của Khánh (ảnh sưu tầm).

Gần đây, xuất hiện tình trạng một số đối tượng đã tổ chức tour du lịch kiêm sử dụng ma túy trên đèo Mã Pì Lèng tại quán Dong Van Bar Coffee của đối tượng Vũ Văn Khánh, quê ở huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng, hiện trú tại thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang làm chủ. Tour du lịch này chủ yếu phục vụ khách từ dưới xuôi lên và một số thanh thiếu nên người địa phương. Tại quán của mình, Khánh tổ chức cho khách hàng sử dụng các loại ma túy như: cần sa, kush, cỏ lanh tím, lanh, rượu ngâm, bơ nấu từ cần sa, lanh, đồng thời bán bơ chế biến từ cần sa, lanh Mèo trên mạng xã hội. Sau  khi nhận được thông tin, Công an tỉnh Hà Giang đã vào cuộc điều tra, bước đầu phát hiện tại quán có trưng bày nhiều ống điếu bằng trúc, thủy tinh và bình rượu ngâm lá lanh. Khánh khai nhận số điếu trên để trưng bày và bán; số rượu ngâm lá lanh do chưa đủ thời gian ngâm nên chưa bán. Khánh còn phơi khô lá lanh, cuốn thành điếu thuốc lá để bản thân và khách sử dụng chứ không bán. Khánh thường xuyên quay video clip các loại điếu, bơ nấu từ lanh, cần sa để quảng bá hoạt động kinh doanh của mình trên mạng xã hội. Ngoài ra, khách ăn, nghỉ tại quán không đăng ký tạm trú, việc xây dựng công trình cũng chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.

Tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định danh mục các chất ma túy và tiền chất, cần sa và các chế phẩm của cần sa được quy định tại số thứ tự 45, danh mục ID; chất THC được quy định tại số thứ tự 20, danh mục IB. Đây đều là danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Tại Điều 247, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 quy định tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy. Tại Thông tư liên tịch số 17/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp quy định, các loại cây khác chứa chất ma túy là các loại cây có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần theo quy định của Chính phủ. Như vậy, lanh thuộc loại cây có chứa chất ma túy, song có hàm lượng thấp nên hiện tại chưa đưa vào danh mục quản lý.

Trở lại vấn đề đã nêu, nhóm đối tượng do Khánh cầm đầu có dấu hiệu phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bằng phương thức thủ đoạn mới là tổ chức tour du lịch. Việc bán bơ, rượu chứa thành phần cần sa, lanh trên mạng xã hội có dấu hiệu của việc chế biến ma túy dưới dạng thức ăn, đồ uống để thực khách sử dụng. Việc đưa chất ma túy có trong cần sa, lanh vào bơ có dấu hiệu của việc sản xuất thực phẩm chứa chất ma túy, tương tự như các vụ mua bán bánh, kẹo chứa cần sa đã bị Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp cùng Công an TP. Hà Nội triệt phá trước đây. Đây không phải là hành vi sử dụng tiền chất, hóa chất để sản xuất ma túy tổng hợp.

Hiện, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đang chủ trì, phối hợp với công an các đơn vị, địa phương tiến hành đấu tranh triệt xóa nhóm đối tượng do Khanh cầm đầu có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Cục chỉ đạo các phòng chức năng tổng hợp, kịp thời thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng, tăng cường tuyên truyền cảnh báo tác hại của việc sử dụng cần sa, lanh và các thực phẩm có chứa chất ma túy trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung cây lanh vào danh mục quản lý của Chính phủ khi sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy.

Công an tỉnh Hà Giang đề xuất Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Viện Khoa học hình sự hỗ trợ điều tra, giám định vật chứng vụ việc để đánh giá hiệu quả cây lanh trồng trên địa bàn qua đó tham mưu cấp ủy, chính quyền tỉnh có biện pháp giải quyết vừa đảm bảo phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào vừa ngăn chặn tình trạng lạm dụng lanh vào mục đích gây nghiện bất hợp pháp.

Hoàng Long