Chung tay phòng, chống ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, trên biển

Qua 18 năm thực hiện Quyết định 133/2002/QĐ-TTg, ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Cảnh sát biển (CSB) và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển (Quyết định 133), công tác phối hợp đã trở thành thế trận liên hoàn vững chắc trong việc ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa ma túy góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên tuyến biên giới cũng như trong nội địa.

07/08/2020 | Article Rating

Nước ta có tuyến đường biên giới trên bộ, đường biển dài trên 8.000 km, đi qua 44 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Với 23 cửa khẩu quốc tế, 93 cửa khẩu nội địa cùng nhiều lối mở trên tuyến biên giới đất liền và nhiều sân bay, cảng biển quốc tế. Thời gian qua, nguồn ma túy ở Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ nuớc ngoài, hoạt động của tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, gia tăng cả về tính chất, mức độ, phạm vi, loại ma túy. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, ma túy có nguồn gốc từ khu vực Tam giác vàng chuyển lậu vào nước ta rồi vận chuyển đi các nơi tiêu thụ. Tại địa bàn huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La nổi lên tình hình một số đối tượng người dân tộc Mông - Lào được tổ chức thành các toán, nhóm có trang bị vũ khí tham gia vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Do bị lực lượng chức năng đánh chặn quyết liệt, gần đây các đối tượng đã chuyển hướng sang địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, heroin từ Lào vào nước ta để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ, chiều ngược lại ma túy tổng hợp (MTTH) từ Trung Quốc được vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ, trọng điểm là tại các tuyến biên giới, cửa khẩu phía Bắc. Thời gian qua, do lực lượng chức năng hai nước tập trung đấu tranh trấn áp nên hoạt động phạm tội về ma túy đã giảm rõ rệt, song còn tiềm ẩn phức tạp. Nguy hiểm nhất là việc đối tượng người Trung Quốc chuyển vốn, nhân lực, trang thiết bị sang nước ta để lập xưởng sản xuất trái phép chất ma túy. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã phát hiện một số đường dây vận chuyển ma túy từ Lào sang Campuchia để đưa vào Việt Nam. Một số đường dây tội phạm quốc tế từ Bắc Mỹ, Châu Phi vận chuyển ma túy quá cảnh qua Campuchia vào nước ta rồi đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Hiện có không ít người Việt Nam sang Campuchia làm ăn, du lịch, thăm thân, đánh bạc nhận vận chuyển thuê ma túy về nước tiêu thụ.

Trên các tuyến hàng không từ TP. Hồ Chí Minh đến và đi Úc, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), đối tượng người nước ngoài lợi dụng phụ nữ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ. Các đối tượng Việt kiều lợi dụng về nước thăm thân, du lịch để vận chuyển ma túy sang Úc tiêu thụ. Tuyến đường biển tiềm ẩn phức tạp nhất là các vụ vận chuyển trái phép cocain có số lượng lớn từ Nam Mỹ về các cảng biển phía Nam. Tuy nhiên, việc phát hiện, bắt giữ, xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Tuyến bưu điện bị đối tượng lợi dụng để vận chuyển ma túy theo hình thức chuyển phát nhanh. Gần đây còn xuất hiện tình trạng đối tượng lợi dụng mạng internet, mạng xã hội mua bán trái phép chất ma túy. Lợi dụng thuận lợi trong hoạt động thông thương, số vụ phạm tội về ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài gia tăng tại khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển. Tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, cần sa còn diễn ra, ở một số nơi đối tượng trồng cần sa trong nhà có điện chiếu sáng để kích thích sinh trưởng. Tính đến cuối năm 2019, cả nước có trên 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tỷ lệ sử dụng MTTH chiếm từ 70 - 80%. Đáng chú ý, người sử dụng ma túy “đá” bị hoang tưởng, ảo giác dẫn đến phạm tội nghiêm trọng, gây mất ANTT khu dân cư. Trong khi đó, công tác cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, đã xảy ra tình trạng học viên cai nghiện gây rối, bỏ trốn tại nhiều địa phương.

Trước tình hình đó, việc thực hiện Quyết định 133 đã được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính quan tâm quán triệt, triển khai đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng. Các bộ chỉ đạo lực lượng chuyên trách từ trung ương đến cơ sở tổ chức tổng kết các chuyên đề công tác, xây dựng quy chế, kế hoạch cụ thể nhằm phối hợp thực hiện hiệu quả quy chế. Theo đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các văn bản chỉ đạo, trong đó có Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng, trong đó đặc biệt chú trọng đến phối hợp phòng, chống tội phạm ma túy (TPMT). Bộ Quốc phòng chỉ đạo thành lập lực lượng chuyên trách của BĐBP, CSB phối hợp với công an, hải quan ký quy chế, kế hoạch phối hợp tạo cơ sở triển khai hiệp đồng tác chiến theo hướng toàn diện, chuyên sâu, định kỳ tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Các lực lượng triển khai kế hoạch công tác, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp TPMT trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động PCMT (tháng 6) hàng năm nhằm đấu tranh quyết liệt ngăn chặn nguồn ma túy xâm nhập nội địa. Từ thực tế đấu tranh, các lực lượng phối hợp tham mưu các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật PCMT, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo hành lang pháp lý phục vụ công tác đấu tranh.

Lực lượng công an, hải quan, BĐBP, CSB phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền PCMT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Công an, BĐBP, CSB, hải quan chủ động trao đổi về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của TPMT ở biên giới, cửa khẩu, trên biển, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đấu tranh chuyên án, vụ án. Phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền các địa phương biên giới, ven biển trọng điểm đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân tham gia PCMT với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức giúp đồng bào không tiếp tay cho đối tượng, chủ động phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy, triệt phá cây thuốc phiện, cần sa tái trồng ở khu dân cư.

Lực lượng công an, BĐBP, hải quan nắm tình hình TPMT trên tuyến biên giới, cửa khẩu, tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy nhằm đề ra biện pháp phối hợp khám phá hàng trăm đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới cùng nhiều điểm nóng tệ nạn ma túy trong nội địa. Thường xuyên hỗ trợ nhau trong công tác quản lý nhà nước về ANTT, rà soát, lập danh sách, quản lý, xác minh đối tượng nghi vấn, người nghiện ma túy trên địa bàn trong quá trình lập chuyên án đấu tranh. Phối hợp xác minh, vận động người có lệnh truy nã ra đầu thú, truy bắt đối tượng bỏ trốn tại địa bàn biên giới, chuyển giao, tiếp nhận đối tượng truy nã với lực lượng chức năng các nước đảm bảo đúng quy định pháp luật. Định kỳ hàng năm, các đơn vị phối hợp tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền PCMT giúp cho cán bộ, chiến sỹ có điều kiện nâng cao trình độ, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu công tác hiện nay.

Qua gần 20 năm thực hiện Quyết định số 133 của Thủ tướng Chính phủ đã được lực lượng công an, hải quan, BĐBP, CSB ở các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ các lực lượng được nâng lên, phát huy vai trò chủ động, nòng cốt trong phòng, chống TPMT ở biên giới, cửa khẩu, trên biển cũng như trong nội địa. Tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm, thu giữ vật chứng ở 25 tỉnh biên giới đất liền tăng từ 10% năm 2002 đến 25% hiện nay so với tổng số vụ trong cả nước. Điều này đã thể hiện quyết tâm đấu tranh ngăn chặn TPMT ở biên giới, cửa khẩu, hạn chế nguồn ma túy xâm nhập nội địa. Đặc biệt, các lực lượng đã khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia, triệt xóa nhiều tụ điểm ma túy phức tạp tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Theo thống kê, có trên 10% trong tổng số vụ án về ma túy ở 44 tỉnh, thành phố có biên giới trên bộ, đường biển có sự phối hợp điều tra của bốn lực lượng chuyên trách PCMT.

Giai đoạn 2002 - 2016, lực lượng BĐBP phối hợp với công an, hải quan, CSB phát hiện, bắt giữ, điều tra 3.197 vụ, 5.159 đối tượng, thu giữ 1.163 bánh + 30,8 kg + 4.717 gói nhỏ + 116 kg bột heroin, 273.239 viên + 107,4 kg MTTH, 84,9 kg thuốc phiện, 648,53 kg cần sa, 200 kg phụ gia để pha trộn, sản xuất ma túy cùng nhiều vật chứng liên quan. CSB phối hợp với các lực lượng xác lập đấu tranh, điều tra 1.167 chuyên án, vụ án, bắt giữ 2.011 đối tượng, thu giữ 1.359 bánh heroin, 8,16 tấn nhựa cần sa, 50,78 kg cần sa khô, 1,72 kg thuốc phiện, 95.633 viên + 101 kg MTTH cùng nhiều vật chứng liên quan. Lực lượng hải quan chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ 900 vụ phạm tội về ma túy. Lực lượng công an và hải quan phối hợp bắt giữ 622 vụ, thu giữ 612 bánh + 260,8 kg heroin, 152,3 kg +156.578 viên MTTH, 128,9 kg ma túy “đá”, 72,62 kg cocain, trên 8 tấn cần sa, 55 kg thuốc phiện, 2.436 kg lá khát, 14,75 kg tiền chất ma túy cùng nhiều phương tiện, tài sản liên quan.

Giai đoạn 2017 - 2019, BĐBP phối hợp với các ngành liên quan điều tra, bắt giữ 585 vụ, 1.054 đối tượng, thu giữ 2,09 tấn ma túy các loại, 13 tấn tiền chất cùng nhiều phương tiện, máy móc, tài sản liên quan. CSB chủ trì phối hợp đấu tranh 334 chuyên án, bắt 608 đối tượng, thu giữ 293,4 kg heroin, 140 kg MTTH, 101 kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan. Lực lượng hải quan phối hợp với công an và các đơn vị chức năng phát hiện, đấu tranh 251 vụ, 256 đối tượng, thu giữ trên 5,2 tấn ma túy các loại. Đặc biệt năm 2019, lực lượng công an phối hợp các đơn vị khám phá thành công nhiều chuyên án, thu giữ khối lượng ma túy đặc biệt lớn. Điển hình, chuyên án 419D thu giữ 446 bánh heroin tại TP. Hồ Chí Minh trên đường xuất đi Đài Loan (Trung Quốc). Chuyên án 218LB bắt giữ đường dây vận chuyển ma túy trái phép từ Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ, thu giữ 300 kg ma túy “đá”. Chuyên án 719DL thu giữ 507,5 kg ketamin và vụ bắt giữ 895 bánh heroin ở TP. Hồ Chí Minh. Chuyên án 626T bắt 07 đối tượng quốc tịch Trung Quốc có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy tại tỉnh Bình Định và Kon Tum, thu giữ hàng trăm lít dung dịch ma túy thành phẩm, 13 tấn hóa chất nguyên phụ liệu, 20 tấn máy móc, thiết bị các loại. Chuyên án 218LP bắt giữ 01 đối tượng người Lào, thu giữ 278 túi nilon chứa 294 kg ma túy “đá”, 01 xe ô tô tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 17/02/2019.

Đối tượng cùng 294 kg ma túy “đá” bị bắt giữ tại tỉnh Hà Tĩnh.

Thời gian tới, các lực lượng công an, BĐBP, CSB, hải quan tiếp tục phối hợp tham mưu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh nói chung, PCMT nói riêng, nhất là tại địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Đề xuất xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý trong phòng, chống tội phạm, giữ vững ANTT, đặc biệt là tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành quy chế mới thay thế Quyết định 133 để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Các lực lượng tiếp tục ký quy chế, kế hoạch phối hợp toàn diện trong công tác PCTP, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, hải quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị. Trao đổi thông tin, phối hợp xác minh, điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội. Duy trì giao ban, hội ý nghiệp vụ định kỳ theo cụm, tuyến địa bàn trọng điểm để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong quá trình phối hợp. Tập trung mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, phương án đấu tranh giải quyết tình hình phức tạp ở tuyến, địa bàn trọng điểm, cửa khẩu, cảng biển lớn. Thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm góp phần chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy.

Chú trọng quan tâm đến công tác xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ. Bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số, am hiểu phong tục của đồng bào về công tác tại địa bàn biên giới, hải đảo gắn với chế độ đãi ngộ phù hợp. Tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp các lực lượng chuyên trách PCMT có đủ khả năng phát hiện, bắt giữ sớm, từ xa, bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Xây dựng trung tâm chỉ huy và cơ sở dữ liệu thống nhất dùng chung cho các lực lượng đồng thời đảm bảo các điều kiện cần thiết để nâng cao khả năng phối hợp đấu tranh nhằm đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, an ninh biên giới cũng như ngăn chặn hiệu quả nguồn ma túy từ bên ngoài xâm nhập nội địa./.

Lạc Viên